2.645. Quy định và chế tài xử lý kỉ luật cán bộ: Cần sắc bén hơn

(PL) – Những vi phạm của các cán bộ, công chức đang công tác trong các cơ quan nhà nước khi bị phát giác đều gây bất bình trong dư luận. Tuy nhiên khi đặt ra vấn đề trách nhiệm thì xử lý còn chậm, chế tài xử lý chưa thỏa đáng… Các quy định về thời hạn, thời hiệu xử lý cán bộ còn bất cập.

Xử lý cán bộ vẫn là việc “nhạy cảm”…

Liên quan đến vụ việc tiêu cực điểm thi lớn nhất trong những năm qua, trong khi còn có nhiều tranh cãi về việc công khai hay giữ bí mật danh tính thí sinh được nâng điểm thì báo chí đã có điều tra riêng về thực tế con của nhiều cán bộ được nâng điểm. Ở Sơn La, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố 44 thí sinh Sơn La được nâng điểm, mức nâng cao nhất 26,55 điểm. Và hàng chục thí sinh được nâng điểm là con em của nhiều cán bộ, công chức chủ chốt công tác tại tỉnh Sơn La, như: con của Cục trưởng Cục thuế, con của Phó Chủ tịch huyện, Phó Chủ tịch thành phố, Phó Chánh Thanh tra…

Nhấn mạnh hệ lụy khôn cùng của hành vi vi phạm cả đạo đức lẫn pháp luật của các cán bộ trong vụ án nâng điểm thi, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: Việc dùng quyền lực, tiền bạc để chi phối việc nâng điểm thi và một số trường hợp nâng lên đến mức quá đáng như vậy là vi phạm hết sức khủng khiếp. Nếu không ngăn chặn được tiêu cực trong thi cử, trong giáo dục, dễ dẫn đến tình trạng những thí sinh này sau khi ra trường lại tìm cách chui vào bộ máy Nhà nước, vào hệ thống chính trị, họ tiếp tục leo thang bằng con đường gian trá như vậy…thì tình hình sẽ như thế nào? Nếu không loại bỏ thì đó còn có thể là nguồn cho những chức danh lãnh đạo, quản lý có thể chi phối đến chính sách, pháp luật và thi hành pháp luật thì hậu quả là khôn cùng.

Nói về trách nhiệm “tự thân” của cán bộ, ĐBQH Lê Thanh Vân cho rằng: Trách nhiệm chính trị phần lớn xuất phát từ sự liêm sỉ của cá nhân. Họ thấy rằng hành vi của bản thân không xứng đáng với ngôi vị họ đang ngồi thì họ chủ động xin từ chức. Nhưng tôi thấy có những vị rõ ràng sai phạm đã có, bằng chứng đã có nhưng vẫn trơ tráo, thanh minh thanh nga cho sai phạm, cho danh dự của mình khiến cho dư luận xã hội nhìn nhận ngày càng ác cảm đối với cả cán bộ khác và bộ máy.

Bất bình với vi phạm của cán bộ, nhiều ý kiến cho rằng: Hình thức xử lý không chỉ là ngưng đề bạt, bổ nhiệm hay xử lý hành chính mà còn phải xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có đủ bằng chứng chứng minh hành vi “đưa hối lộ” để mua điểm, “lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi” hay là “lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Với những vi phạm lớn như vậy, rõ ràng cần xử lý nghiêm minh để răn đe. Tuy nhiên khi đề cập đến trách nhiệm, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La nói: “Tỉnh mới nắm thông tin qua báo chí, chưa nhận được văn bản nào của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an về danh sách này”. Trả lời câu hỏi về hướng xử lý thế nào nếu cán bộ, đảng viên được xác định liên quan đến việc nâng điểm cho con em trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, ông Quỳnh cho rằng việc này liên quan đến nhiều cán bộ nên “rất nhạy cảm”. Tỉnh ủy vẫn đang nghiên cứu cách giải quyết cụ thể, khi nào có sẽ thông báo sau.

Hết hạn kỉ luật là lại được bổ nhiệm: Bất hợp lý

Liên quan đến vụ việc, nâng đỡ không trong sáng tại Sở Xây dựng tỉnh Thanh Hóa gây ồn ào dư luận trong năm 2017, 2018. Ngày 18/1/2018, Thủ tướng đã quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, nhiệm kỳ 2016-2021 đối với ông Ngô Văn Tuấn. Trước đó, Ủy ban kiểm tra Trung ương đã kết luận, từ tháng 10/2010 đến 11/2015, với cương vị Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Xây dựng, ông Ngô Văn Tuấn đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định về công tác tổ chức, cán bộ. Ông Tuấn bị xác định làm trái quy định của Hội đồng thi tuyển công chức tỉnh Thanh Hóa năm 2011; ban hành quyết định không đúng thẩm quyền về thành lập Hội đồng tuyển chọn cán bộ, công chức của Sở Xây dựng.

Chỉ sau xử lý kỉ luật 01 năm, cán bộ lại tiếp tục được bổ nhiệm là không hợp lý (trong ảnh là ông Ngô Văn Tuấn – nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa bị kỷ luật cách chức).)

Ông Tuấn còn thành lập mới một số ban chuyên trách trực thuộc Sở Xây dựng trái thẩm quyền, trái các chủ trương của Đảng, Nhà nước về cải cách hành chính, tinh giản tổ chức bộ máy, biên chế.

Sau khi bị cắt chức, ông Tuấn được chuyển sang làm chuyên viên của Văn phòng UBND tỉnh.

Vào tháng 3/2019 vừa qua, khi vừa hết thời hiệu kỉ luật, ông Ngô Văn Tuấn đã được chuyển công tác từ Văn phòng UBND tỉnh sang Sở Xây dựng làm Chánh văn phòng Sở Xây dựng. Đề xuất bổ nhiệm đối với ông Tuấn ngay lập tức làm dư luận dậy sóng bởi lẽ, ông Tuấn mới bị kỉ luật cắt chức vì một hành vi rất nghiêm trọng. Trước băn khoăn về việc ông Tuấn đang là chuyên viên lại có thể được bổ nhiệm Chánh văn phòng Sở, trong khi ông này từng mắc nhiều sai phạm ở cơ quan cũ, Giám đốc Sở Nội vụ Nguyễn Xuân Thủy lý giải, hiện không có văn bản nào cấm quy định bổ nhiệm từ chuyên viên lên trưởng, phó phòng. Ông Tuấn đã hết thời gian kỷ luật, có kinh nghiệm vì từng làm Giám đốc Sở Xây dựng.

Sau khi gặp phải sự phản đối từ dư luận, việc bổ nhiệm ông Tuấn phải dừng lại. Tuy nhiên việc này đã cho thấy thực tế, việc xử lý cán bộ chưa nghiêm, chỉ 1 năm vi phạm, cán bộ sai phạm lại tiếp tục được bổ nhiệm là không hợp lý.

Quy định xử lý công chức sai phạm chưa đảm bảo nghiêm minh

Chương IX của Luật Cán bộ công chức (CBCC) hiện nay quy định về Khen thưởng và kỷ luật công chức. Trong chương này, dành 6 điều quy định về các hình thức kỉ luật cán bộ công chức, thời hạn, thời hiệu… Cụ thể hóa các quy định này, Chính phủ quy định cụ thể trong Nghị định 34/2011/NĐ-CP quy định về xử lý kỷ luật đối với công chức. Theo đó các quy định về thời hạn, thời hiệu là gây nhiều băn khoăn nhất. Cụ thể tại điều 80: Thời hiệu xử lý kỷ luật là thời hạn do Luật này quy định mà khi hết thời hạn đó thì cán bộ, công chức có hành vi vi phạm không bị xem xét xử lý kỷ luật. Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Cán bộ, công chức bị khiển trách hoặc cảnh cáo thì thời gian nâng lương bị kéo dài 06 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; nếu bị giáng chức, cách chức thì thời gian nâng lương bị kéo dài 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật.

Thực tế nhiều vụ việc CBCC vi phạm cho thấy: Thời hiệu xử lý kỷ luật là 24 tháng kể từ thời điểm có hành vi vi phạm đến khi phát hiện hành vi vi phạm kỷ luật như vậy là quá ngắn, không bảo đảm tính nghiêm khắc đối với việc xử lý cán bộ, công chức, viên chức có hành vi vi phạm. Một số trường hợp đã bị xử lý kỷ luật về Đảng (hoặc đã bị xử lý hình sự nhưng cho hưởng án treo) khi xét kỷ luật theo quy định của Luật thì đã hết thời hiệu. Bên cạnh đó, một số trường hợp cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên có vi phạm trong thời gian công tác nhưng đã nghỉ hưu, nghỉ việc hoặc chuyển công tác ra khỏi khu vực nhà nước hoặc khu vực sự nghiệp công lập đã bị xử lý kỷ luật về Đảng và xử lý kỷ luật về chính quyền, vì vậy để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ giữa các quy định thì cũng cần sửa đổi, bổ sung quy định tương ứng trong Luật.

Dự thảo Luật CBCC do Chính phủ đưa trình Quốc hội thảo luận trong kỳ họp sắp tới có nhiều điểm mới quan trọng. Theo đó, dự thảo liên quan đến Luật CBCC (sửa đổi) đề nghị bổ sung các quy định khác liên quan đến cán bộ, công chức bị kỷ luật. Theo đó, Cán bộ, công chức bị kỷ luật từ khiển trách đến cách chức thì không thực hiện việc nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao hơn trong thời hạn 12 tháng, kể từ ngày quyết định kỷ luật có hiệu lực; hết thời hạn này, nếu cán bộ, công chức không vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì tiếp tục thực hiện nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm theo quy định của pháp luật. 3. Cán bộ, công chức đang trong thời gian bị xem xét kỷ luật, đang bị điều tra, truy tố, xét xử thì không được ứng cử, đề cử, bổ nhiệm, điều động, luân chuyển, biệt phái, đào tạo, bồi dưỡng, thi nâng ngạch hoặc thôi việc.

Đảng ta có chủ trương xử lý cán bộ không có vùng cấm. Tuy nhiên hiện nay chưa có những quy định pháp luật cụ thể về vấn đề này. Khắc phục hạn chế, dự thảo Luật bổ sung khoản 5 vào Điều 78 và sửa đổi Điều 79 quy định kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ việc hoặc nghỉ hưu nhưng có hành vi vi phạm trong thời gian công tác, bảo đảm đồng bộ với kỷ luật đảng nhằm mục đích xử lý nghiêm những người có sai phạm; đồng thời sửa đổi quy định về các hình thức kỷ luật đối với công chức để bảo đảm đồng bộ với các hình thức kỷ luật đối với đảng viên, cán bộ hoặc viên chức. Ngoài ra, cán bộ, công chức khi đã nghỉ hưu thì vẫn bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc truy tố theo quy định của pháp luật.

Quy định, chế tài xử lý cần sắc bén hơn

Các quy định liên quan đến xử lý cán bộ công chức khi nghỉ hưu được đánh giá là tiến bộ nhưng còn những ý kiến trái chiều. Luật sư Trương Thanh Đức trao đổi với Phóng viên Pháp lý: Đã vi phạm pháp luật thì bất kể về hưu hay đang đương chức đều phải xử lý trách nhiệm hình sự, hành chính, dân sự hoặc kỉ luật. Việc xử lý này phải đảm bảo đúng các nguyên tắc của pháp luật. Theo tôi, cần quy định chặt chẽ về thời hiệu. Tôi đồng tình phải quy định thời hiệu xử lý hành vi vi phạm của cán bộ công chức kéo dài hơn nhưng không đồng tình với quy định xử lý không có thời hiệu với một số vi phạm. Bởi lẽ, trách nhiệm kỉ luật đối với công chức chỉ là trách nhiệm hành chính, nếu hành vi vi phạm đến mức độ tội phạm thì thời hiệu xem xét xử lý sẽ dài hơn theo các quy định của Bộ luật Hình sự.

Việc xử lý cán bộ đã nghỉ hưu cũng đáng được lưu tâm. Tôi không đồng tình với quy định xử lý là xóa bỏ tư cách “Nguyên”… Vì một cán bộ nghỉ hưu tức là chức vụ đã là quá khứ. Theo tôi, chỉ cần xóa bỏ những vinh dự, quyền lợi mà chức danh đó mang tới cho cán bộ khi nghỉ hưu. Nên quy định rõ, quyền lợi gắn liền với chức danh phải bị tước bỏ. Cụ thể như không cho hưởng tiêu chuẩn ngang cán bộ lãnh đạo, không được tham dự các sự kiện, lễ kỉ niệm với tư cách là Nguyên lãnh đạo, không được mời họp… Chỉ cần xóa bỏ những quyền lợi được hưởng theo chức danh chứ tuyệt đối không xóa nguyên. Đồng thời, dự thảo Luật CBCC quy định: Sau 12 tháng bị kỉ luật được nâng ngạch, quy hoạch, đào tạo, bổ nhiệm vào chức vụ cao như vậy là không hợp lý, gây bất bình cho người dân.

Luật sư Trương Thanh Đức trao đổi với PV)

Trao đổi với Phóng viên Pháp lý, nhiều chuyên gia pháp luật cho rằng nên thiết kế các biện pháp đánh vào kinh tế của CBCC bị kỉ luật. Tiến sĩ Phan Lan Hương – Chuyên gia pháp luật hành chính, Đại học Luật Hà Nội chia sẻ kinh nghiệm quốc tế: Nghiên cứu chế độ tiền lương của công chức ở Nhật Bản, công chức có khoản trợ cấp khi về hưu (trợ cấp lớn 60 tháng lương) và khoản thừa kế lương hưu (dành cho vợ con là người phụ thuộc khi người công chức đột ngột qua đời). Nhờ những chính sách như vậy mà trách nhiệm của công chức được đề cao. Khi CBCC bị vi phạm, có thể bị cắt giảm các khoản hỗ trợ thu nhập này.

Phan Tĩnh

————–

Pháp lý (Diễn đàn Luật gia) 17-5-2019

https://phaply.net.vn/quy-dinh-va-che-tai-xu-ly-ki-luat-can-bo-can-sac-ben-hon-a208038.html

 

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,895