2.645. Vượt rào cản để về đích tái cơ cấu ngân hàng

(KT) – Thời điểm kết thúc hành trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã cận kề. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, một số mục tiêu, trong đó có việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu đang đứng trước thách thức khó hoàn thành vào cuối năm nay. Bởi vậy, để có thể về đích tái cơ cấu, ngành ngân hàng vẫn còn nhiều việc phải làm.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ. Ảnh: P.Tuân

Nhiều thành quả song vẫn còn không ít thách thức

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh cho biết, nhờ nỗ lực triển khai Đề án Cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo Quyết định số 1058/QĐ-TTg (Đề án 1058) của Thủ tướng Chính phủ, hệ thống ngân hàng đã giữ vững sự ổn định, an toàn trong hoạt động. Chất lượng tín dụng được cải thiện, tỷ lệ nợ xấu giảm dần qua các năm. Quy mô tài chính, năng lực quản trị, tính minh bạch trong hoạt động của các TCTD được mở rộng, nâng cao. Các ngân hàng đã tiếp tục triển khai Basel II để đáp ứng thông lệ quốc tế về an toàn vốn. Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo, cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát, xử lý. Việc tăng cường công tác thanh tra, giám sát đã góp phần ổn định, đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ…

Nhìn lại giai đoạn 2016-2020, các chuyên gia đều cho rằng, việc triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD (Nghị quyết 42) là dấu ấn trong hành trình tái cơ cấu ngân hàng. Ông Đỗ Giang Nam – Phó Giám đốc Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC) – nhìn nhận: Nghị quyết 42 giúp khách hàng ý thức được nghĩa vụ trả nợ; cho phép VAMC và các TCTD có nhiều biện pháp hơn trong việc xử lý nợ, đặc biệt là mua bán nợ. Còn Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – coi Nghị quyết 42 là chìa khoá giúp giải quyết nút thắt về tài sản tranh chấp, hạn chế nợ xấu phát sinh.

Tuy vậy, từ góc độ cơ quan quản lý, đại diện NHNN thừa nhận: Trong hành trình tái cơ cấu giai đoạn này, các TCTD vẫn gặp nhiều khó khăn liên quan đến việc nâng cao năng lực tài chính, đáp ứng yêu cầu của Basel II. Mặt khác, tiến độ cơ cấu lại một số TCTD phi ngân hàng có chủ sở hữu/cổ đông lớn là tập đoàn/tổng công ty nhà nước còn chậm. Việc xử lý tài sản bảo đảm (TSBĐ) còn gặp khó khăn trong trường hợp TSBĐ cho các khoản nợ bị kê biên, liên quan đến các vụ án, hồ sơ pháp lý chưa hoàn chỉnh.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thế Huân – Thành viên Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Công Thương Việt Nam (VietinBank) – nhận định, quy định pháp luật về xử lý nợ xấu nói chung và xử lý TSBĐ của các khoản nợ xấu nói riêng còn chồng chéo, chưa tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các ngân hàng. Tiến độ xử lý, thu hồi nợ qua tòa án và cơ quan thi hành án còn rất chậm. Hơn nữa, theo ông Đỗ Giang Nam, hành lang pháp lý chưa khuyến khích nhà đầu tư tham gia thị trường mua bán nợ, chưa có quy định cụ thể để làm cơ sở cho các tổ chức thẩm định giá khoản nợ.

Một vấn đề khiến ngành ngân hàng quan ngại là dịch bệnh Covid-19 đã tác động xấu đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm suy giảm năng lực trả nợ của khách hàng khi đến hạn trong thời gian tới, ảnh hưởng đến việc kiểm soát và xử lý nợ xấu của TCTD cũng như việc thực hiện các mục tiêu tại Đề án 1058. Do đó, dự kiến, một số mục tiêu khó có khả năng hoàn thành vào cuối năm nay, trong đó có việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu.

Gỡ rào cản nợ xấu, nâng cao năng lực tài chính

Những vướng mắc, rào cản trên cho thấy, để có thể hoàn thành mục tiêu đặt ra tại Đề án 1058, trong đó có việc kiểm soát tỷ lệ nợ xấu, ngành ngân hàng còn nhiều việc phải làm. Trước mắt, đại diện VietinBank kiến nghị: Bộ Tư pháp tiếp tục chỉ đạo Tổng cục Thi hành án dân sự rà soát các vụ việc còn tồn đọng để ưu tiên giải quyết, thu hồi dứt điểm các khoản nợ xấu; Bộ Công an có biện pháp kiên quyết đối với các tổ chức, cá nhân chống đối, cản trở, đe dọa tính mạng, tinh thần của cán bộ tham gia thu giữ TSBĐ, tạo điều kiện cho việc thu giữ diễn ra thuận lợi.

Về lâu dài, theo TS. Cấn Văn Lực – Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam, cơ quan quản lý cần tiếp tục hoàn thiện thể chế ngân hàng thông qua việc sửa đổi Luật Các TCTD, Luật Bảo hiểm tiền gửi, xây dựng khung pháp lý cho mô hình kinh doanh mới. Đặc biệt, cần luật hóa Nghị quyết 42 để đảm bảo tính nhất quán và đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu.

Đồng quan điểm, ông Đỗ Giang Nam kiến nghị, việc luật hóa Nghị quyết 42 cần sớm được thực hiện trên cơ sở kế thừa những quy định có tác động tích cực đến quá trình xử lý nợ; đồng thời, xem xét sửa đổi một số Luật chuyên ngành liên quan: Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự… để đồng bộ với các quy định tại Nghị quyết này.

Việc hoàn thiện hành lang pháp lý về xử lý nợ xấu sẽ là tiền đề hình thành thị trường mua bán nợ. Thực tế, Việt Nam chưa hình thành được thị trường này một cách chính thống. Do vậy, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, một thị trường mua bán nợ đúng nghĩa sẽ làm tăng tính thanh khoản, minh bạch của thị trường, thu hút nhiều nhà đầu tư cùng tham gia và hỗ trợ thị trường trái phiếu phát triển. Muốn xây dựng được thị trường này đúng nghĩa, ông Đỗ Giang Nam đề xuất, Việt Nam cần có chính sách khuyến khích các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư nước ngoài tham gia mua bán nợ; minh bạch thông tin về nợ xấu và TSBĐ…

Cùng với việc xử lý nợ xấu, theo các chuyên gia, nâng cao năng lực tài chính cũng là điều đáng lưu tâm của các TCTD trong quá trình tái cơ cấu. Khi áp dụng Basel II, ngân hàng phải tăng vốn theo quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với thông lệ quốc tế. Do đó, việc phát hành trái phiếu hoặc tìm kiếm cổ đông chiến lược nên được cân nhắc. Ngoài ra, cần có thêm giải pháp để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cấu trúc các ngân hàng yếu kém…

THÀNH ĐỨC

—————————

Kiểm toán (Vấn đề hôm nay) 15-10-2020:

http://baokiemtoannhanuoc.vn/van-de-hom-nay/vuot-rao-can-de-ve-dich-tai-co-cau-ngan-hang-145801

(35/1.307)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.911. Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm.

Cuộc chiến chống buôn lậu cuối nă (VH) - Ở thời điểm này, khi...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,137