(VietnamNet) – Kỳ vọng chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đã không thành công. Mục tiêu đến cuối năm 2020 Việt Nam có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động đã thất bại. Hầu hết các hộ kinh doanh không muốn chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Không “lên đời” giám đốc
Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ có 1 triệu doanh nghiệp hoạt động, trong đó có những doanh nghiệp quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Tuy nhiên, tới thời điểm này, cả nước mới có 795 nghìn doanh nghiệp hoạt động. Mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đặt ra không thể đạt được vào cuối năm nay.
Một trong những nguyên nhân được các chuyên gia kinh tế chỉ ra, đó là kỳ vọng “biến” các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp đã không thành công. Vào thời điểm năm 2015 cả nước có gần 443 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động. Như vậy, muốn đạt mục tiêu đặt ra, thì bình quân mỗi năm số doanh nghiệp thành lập mới và đi vào hoạt động phải tăng 17,7%. Đây là mục tiêu khá tham vọng.
Tuy nhiên, khi đó cả nước có khoảng 3,5 triệu hộ kinh doanh hoạt động, trong đó có nhiều hộ kinh doanh có quy mô doanh nghiệp. Vì vậy, các cơ quan chức năng rất kỳ vọng, khu vực này sẽ là nguồn bổ sung lớn cho lực lượng doanh nghiệp, nhưng kết quả lại không như mong đợi. Cho dù được quan tâm triển khai trong gần 5 năm qua, nhưng đa số hộ kinh doanh vẫn không muốn trở thành doanh nghiệp.
Một ví dụ điển hình là tại Hà Nội, năm 2019, thành phố đã cấp giấy chứng nhận đăng ký thành lập cho 27 nghìn doanh nghiệp mới, tăng 8% so với năm 2018. Tuy nhiên, trong số này, chỉ có 48 doanh nghiệp được chuyển đổi từ mô hình hộ kinh doanh lên. Trong khi đó, theo thống kê, Hà Nội có tới 300 nghìn hộ kinh doanh và hầu hết đều ngại chuyển đổi.
Khảo sát của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) thực hiện với 400 hộ kinh doanh lớn trên cả nước, có quy mô tương đương doanh nghiệp nhỏ, trong năm 2018 cũng cho thấy, chỉ có khoảng 8,7% số hộ kinh doanh có vốn từ 1-5 tỷ đồng nghĩ tới việc chuyển đổi thành doanh nghiệp. Tỷ lệ hộ kinh doanh có trên 10 lao động muốn trở thành doanh nghiệp chỉ chiếm khoảng 5,63%.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng, Luật doanh nghiệp hiện nay đã mở hết cỡ, không cần nhà cửa, không cần vốn, không trình độ… vẫn có thể thành lập công ty và làm giám đốc. Nhưng không ít hộ kinh doanh hoạt động chuyên nghiệp, đạt doanh thu mỗi năm tới vài chục tỷ đồng, vẫn không chịu “nâng cấp” thành doanh nghiệp.
Theo ông Đức, bởi là hộ kinh doanh, người ta chỉ phải nộp thuế khoán, còn hệ thống sổ sách kế toán, hóa đơn rất tùy tiện. Trong khi đó, nếu là doanh nghiệp thì phải đóng thuế thu nhập, phải có quỹ lương, bảo hiểm cho người lao động, phải có chế độ kế toán tài chính rõ ràng. Vì quá dễ dãi nên loại hình này nở rộ tới hơn 5 triệu hộ, mà một nửa trong số đó chính là doanh nghiệp. Người ta không muốn “lên đời” doanh nghiệp bởi hộ kinh doanh là tuyệt vời, là số một.
Kỳ vọng không thành
Các chuyên gia kinh tế nhận định, với tình hình hiện nay, hộ kinh doanh cá thể không muốn lên doanh nghiệp là đúng. Kinh doanh là lợi nhuận, làm gì để giảm chi phí được thì họ sẽ khai thác triệt để. Nếu trở thành doanh nghiệp thì phải công khai, minh bạch, có kế toán, sổ sách, đóng thuế đầy đủ,… nên sẽ không được lem nhem như cách làm của hộ kinh doanh cá thể nữa.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, nhiều hộ kinh doanh thừa nhận rất ngại chuyển sang mô hình doanh nghiệp do phải thay đổi chế độ kế toán từ thuế khoán lên tự khai, tự nộp, tự in và sử dụng hóa đơn. Bên cạnh đó, cách thức quản lý sổ sách thay đổi, đòi hỏi hộ kinh doanh phải thuê nhân lực, xây dựng hệ thống quản trị,… làm gia tăng chi phí.
Mục tiêu đến cuối năm 2020 VN có 1 triệu DN hoạt động không thành hiện thực (ảnh minh họa). |
Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn khiến các chủ hộ không mặn mà với việc chuyển đổi là khi trở thành DN thì áp lực thanh tra, kiểm tra sẽ càng nhiều, rủi ro càng lớn. Có hộ kinh doanh vừa đăng ký thành lập DN xong ngày hôm trước thì hôm sau các cơ quan phòng cháy chữa cháy, thanh kiểm tra, thuế đã ngay lập tức “hỏi thăm”, bà Lan cho biết.
Cuối cùng là mục tiêu phát triển doanh nghiệp của Chính phủ không thành hiện thực, còn khu vực kinh tế tư nhân chiếm tới 32% GDP nhưng lại hoạt động ở quy mô nhỏ lẻ, chưa có thương hiệu, năng lực cạnh tranh thấp. Tỷ lệ đóng góp vào thu ngân sách cũng chưa như kỳ vọng.
Cục Thuế Hà Nội cho hay, hoạt động của hộ kinh doanh trên địa bàn thủ đô mang tính chất rất “tự phát”, khó xác định địa điểm kinh doanh cố định nên dễ xảy ra các trường hợp không minh bạch, lợi dụng xuất hóa đơn bất hợp pháp, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh, gây thất thu ngân sách nhà nước. Nhiều hộ kinh doanh hiện có doanh thu rất lớn, nhất là qua hình thức kinh doanh trực tuyến, nhưng thay đổi địa điểm kinh doanh lại không thông báo, dẫn đến rất khó quản lý thuế.
Luật sư Đức cho rằng, cách đây 10 năm, nhiều hộ kinh doanh đã nhận thức được việc chuyển đổi lên thành doanh nghiệp sẽ nhận được nhiều ưu đãi về thuế, vay vốn và thuê lao động. Tuy nhiên, họ vẫn không muốn. Tại một số địa phương còn có hiện tượng những hộ kinh doanh được động viên “lên” doanh nghiệp rồi, sau đó lại thành lập hộ kinh doanh mới để hoạt động, còn doanh nghiệp chỉ duy trì cho có.
Nếu có chính sách khuyến khích, chuyển đổi hộ kinh doanh sẽ không chỉ đóng góp vào mục tiêu phát triển doanh nghiệp, mà còn mang lại sự minh bạch và công bằng trong sản xuất kinh doanh, qua đó xây dựng thương hiệu, tạo uy tín và mở rộng quy mô hoạt động ngày càng lớn mạnh. Dù vậy, chính sách thuế khoán, đối với hộ kinh doanh hiện nay còn nhiều bất cập khiến khu vực này không có động lực để thay đổi. Vì vậy, kỳ vọng sẽ bổ sung một lực lượng lớn cho khu vực doanh nghiệp đã không thành, ông Đức nhận xét.
Trần Thủy
—————————
Vietnamnet (Sự kiện nóng) 28-10-2020:
https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/dau-tu/giac-mo-1-trieu-doanh-nghiep-khong-thanh-683162.html
(172/1.235)