(ET) – TS Phạm Thế Anh nhìn nhận, việc điều chỉnh mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA từ 20% lên 30% quy định trong Nghị định 132 không hợp lý, vì đối tượng doanh nghiệp FDI chịu tác động từ quy định này không đáng kể.
Ngày 5/11/2020, Chính phủ đã ký ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (thay thế Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/2/2017).
Nỗi lo chuyển giá đã lan sang các doanh nghiệp trong nước
Ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tính đến cuối năm 2019, có khoảng 16.500 doanh nghiệp kê khai có quan hệ liên kết và khoảng 8.000 doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Trên cơ sở này, cơ quan thuế đã tiến hành thanh tra, kiểm tra. Theo đó, số thuế truy thu từ năm 2017 – 2019 khoảng 2.000 tỷ đồng, ngoài ra cũng giảm lỗ rất lớn, riêng năm 2019 đã giảm lỗ đến 9.000 tỷ đồng.
Phó Tổng cục trưởng Đặng Ngọc Minh cho hay, năm 2020, cơ quan thuế thực hiện chủ trương của Chính phủ, chỉ tập trung thanh kiểm tra các lĩnh vực không chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và áp dụng các quy định về trần chi phí lãi vay tại Nghị định 20, nhưng vẫn phát hiện nhiều trường hợp vi phạm quy định về thuế.
Trong 9 tháng năm 2020, cơ quan thuế đã tiến hành thanh kiểm tra 263 doanh nghiệp, truy thu, truy hoàn và phạt 525 tỷ đồng. Trong đó, có 177 doanh nghiệp FDI, số thuế truy thu các doanh nghiệp này khoảng 442 tỷ đồng.
Họp báo giải đáp thắc mắc về Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132) quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết
Đáng lưu ý, đại diện Tổng cục Thuế nhấn mạnh đến tình trạng chuyển giá giữa các doanh nghiệp trong nước ngày càng gia tăng do đặc thù chính sách ưu đãi thuế theo địa bàn, lĩnh vực.
Cụ thể, chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam có nhiều loại, mức độ và thời gian ưu đãi – được phân loại theo địa bàn lĩnh vực đầu tư của doanh nghiệp.
Vì vậy, doanh nghiệp được ưu đãi và doanh nghiệp không được ưu đãi sẽ được áp dụng mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp khác nhau.
Để giảm thiểu nghĩa vụ đóng góp vào ngân sách nhà nước, doanh nghiệp nội địa cũng thực hiện chuyển giá từ doanh nghiệp có thuế suất cao sang doanh nghiệp có thuế suất thấp hoặc không phải chịu thuế, theo ông Minh.
Bên cạnh đó, hiện tượng chuyển giá có thể xuất hiện giữa các doanh nghiệp trong cùng tập đoàn, tổng công ty do tính chất hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực và trên nhiều địa bàn. “Ngành nghề, địa bàn nào đó có ưu đãi thuế thì hiện tượng chuyển giá sẽ diễn ra”, ông Minh chia sẻ.
Thậm chí, ông Minh cho rằng hoạt chuyển giá từ doanh nghiệp kinh doanh có lãi sang doanh nghiệp kinh doanh lỗ giữa các công ty thành viên trong cùng một tập đoàn, tổng công ty để giảm thiểu số thuế phải nộp khi không có sự chênh lệch về thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp cũng có khả năng xảy ra.
Nhằm khắc phục những hạn chế trên, Nghị định 132 kế thừa những nội dung đã được quy định tại Nghị định số 20/2017/NĐ-CP mà trong thực tế không có vướng mắc, chỉ sửa đổi và bổ sung những nội dung còn thiếu hoặc sửa đổi một số điều để đảm bảo rõ ràng, minh bạch, không phân biệt đối xử giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI.
Có tiến bộ nhưng vẫn chưa hợp lý
PGS. TS Phạm Thế Anh – Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) – cho rằng, so với Nghị định 20, Nghị định 132 đã có những sửa đổi quan trọng.
Thứ nhất, khi tính tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA để áp dụng mức trần lãi vay, Nghị định 132 sử dụng tổng chi phí lãi vay ròng, tức là chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay.
“Nghị định 132 năm 2020 là bước tiến lớn của Bộ Tài chính trong nỗ lực phòng chống chuyển giá, chuyển lợi nhuận theo tinh thần của chương trình BEPS đang được nhiều quốc gia OECD thực hiện”- TS Phạm Thế Anh nhấn mạnh.
Thứ hai, Nghị định 132 vừa ban hành cho phép các doanh nghiệp có phần chi phí lãi vay vượt trần được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo, nhưng không quá 5 năm. Trước đó, nếu tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA vượt quá mức trần quy định thì doanh nghiệp không được khấu trừ thuế. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có giá trị vốn đầu tư lớn nhưng được hình thành chủ yếu từ nợ vay vào một năm nào đó có thể phân bổ chi phí lãi vay cho những năm kế tiếp.
Một quy định tích cực của Nghị định 132 được vị chuyên gia này chỉ ra là yêu cầu các công ty đa quốc gia phải thực hiện báo cáo lợi nhuận liên quốc gia (The country – by – country report).
Tuy nhiên, TS Phạm Thế Anh cho rằng việc điều chỉnh mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA từ 20% lên 30% không hợp lý. Cụ thể, có chưa tới 5% số doanh nghiệp trong khu vực FDI có tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA lớn hơn 20% và hơn 3% số doanh nghiệp trong khu vực này có tỷ lệ tổng chi phí lãi vay/EBITDA lớn hơn 30% vào năm 2016 – giai đoạn trước khi Nghị định 20/2017 quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết được ban hành. “Nếu loại bỏ những doanh nghiệp không có giao dịch liên kết thì con số còn lại rất ít”, ông Thế Anh cho biết.
Điều chỉnh mức trần của tổng chi phí lãi vay/EBITDA từ 20% lên 30% được nhận định là không hợp lý.
Nêu quan điểm của mình, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI thì cho rằng, với quy định tổng chi phí lãi vay không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần và nay được đẩy lên 30% tại Nghị định 132 không phù hợp với một số doanh nghiệp Việt Nam.
Ông Đức lý giải, nguyên nhân là do hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam đều rất thiếu vốn, nên phải đi vay là chủ yếu. Đặc biệt, ở nhiều tập đoàn, công ty con do năng lực hạn chế, tài sản bảo đảm ít, không đủ sự tín nhiệm để vay với lãi suất thấp, nên công ty mẹ phải đứng ra mới có thể huy động được vốn và phân bổ xuống các công ty con. Vì vậy, nếu tổng chi phí lãi vay trên 20%, thậm chí 50% mà là chi phí thật, chi phí hợp lý, hợp lệ thì nên được chấp nhận.
Điều này không phải không có cơ sở, theo đại diện một doanh nghiệp hiện đang sở hữu nhiều công ty con. Trong mấy năm gần đây dù doanh nghiệp này dù chưa hoạt động có lãi nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lên tới hàng tỷ đồng. Lý do, doanh nghiệp nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc thù là xây dựng và bất động sản, đòn bẩy tài chính lớn. Đó là những khoản vay mượn hợp lý và có chứng từ đầy đủ. Tuy nhiên, do quy định khống chế chi phí lãi vay. Đến nay, với mức trần nâng lên 30% quy định tại Nghị định 132 vừa ban hành, doanh nghiệp vẫn có thể phải tiếp tục đóng thêm thuế thu nhập doanh nghiệp cho phần đi vay bị vượt trần. Điều này sẽ khiến cho doanh nghiệp không thể phát triển được.
Huyền Anh
—————————
Etime (Góc nhìn) 12-11-2020:
(164/1.416)