(ĐBND) – Tổ chức thực thi thế nào; những tác động không mong muốn đối với ngành du lịch nói chung và các doanh nghiệp (DN) quảng cáo, kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống, lưu trú ra sao?… là những băn khoăn xung quanh đề xuất cấm bán rượu bia theo giờ tại Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Không nên “quản không được thì cấm”!
Trước ý kiến đề nghị đưa lại quy định “cấm bán rượu, bia tiêu dùng tại chỗ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau” của một số đại biểu tại phiên thảo luận Hội trường về Dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia sáng 23.5 vừa qua, ộng Trần Bảo Lộc, chủ quán Miss Saigon 156 – 158 Bùi Viện, Quận 1, TP Hồ Chí Minh băn khoăn, phố Bùi Viện có đặc điểm du lịch khá khác biệt, có nhiều du khách nước ngoài đến quán sau 20:00 và về lúc 2:00 sáng. Nếu cấm thì lượng khách sẽ giảm, nhà hàng đứng trước nguy cơ phá sản, vì không đủ chi phí để trả mặt bằng.
Bình luận về quy định cấm này, Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, không nên cấm bán rượu bia tại chỗ từ sau 22 giờ đến 6 giờ sáng ngày hôm sau, vì đó là thời gian nghỉ ngơi của người dân, nhất là đối với những người làm ca ngày, ban đêm họ tìm đến sự thư giãn. Hiện, chưa có văn bản nào cấm bán hàng vào khung giờ đó. Thực tiễn thi hành pháp luật cho thấy, mọi cái cấm, đều phải tính đến tính khả thi của quy định. Trên thực tế, có quá nhiều quy định cấm không thực thi được, dẫn đến tình trạng nhờn luật, sự thượng tôn pháp luật không được duy trì. “Chúng ta không nên giữ quan điểm quản lý không được thì cấm” – Luật sư Trương Thanh Đức nói.
Đồng tình với quan điểm trên, Luật sư Nguyễn Minh Đường, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh cho rằng, quy định cấm bán sau 22 giờ sẽ phát sinh những địa điểm kinh doanh trái phép; làm gia tăng tình trạng tiêu thụ rượu, bia trái phép, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Ai kiểm tra, ai xử phạt
Không chỉ dự kiến những tác động ngoài mong muốn đến ngành du lịch, DN mà câu hỏi đặt ra là: Điều kiện để bảo đảm quy định này triển khai trên thực tế sẽ thế nào? Công việc kiểm tra, xử lý sẽ được giao cho lực lượng quản lý thị trường hay công an? Khi đưa ra đề xuất trên, cơ quan soạn thảo đã tính đến vấn đề này chưa?… Bởi, vốn dĩ đầu mối công việc của lực lượng quản lý thị trường và công an quá nhiều, nhân sự lại mỏng, rất khó để bảo đảm thực thi luật một cách triệt để; và nếu như vậy, sẽ dẫn đến hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Hơn nữa, cuộc sống có rất nhiều tình huống xảy ra mà những điều luật không thể dự liệu hết. Chẳng hạn, việc quy định bán rượu, bia theo giờ có được thực hiện khi khách hàng vẫn đến hỏi mua, thì cửa hàng có từ chối bán hay không? Và, nếu đã lúng túng trong xử lý thì không nên làm khó cho cơ quan, cán bộ thực thi công vụ. Luật sư Nguyễn Minh Đường, Đoàn Luật sư TP Hồ Chí Minh nêu thực tế, theo thống kê gần đây nhất từ Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh thì số lượng doanh nghiệp trong ngành dịch vụ ăn uống và lưu trú là 13.400 DN đang kinh doanh trên địa bàn. Các DN này sử dụng hàng trăm nghìn người lao động, họ sẽ là người gián tiếp bị ảnh hưởng. Theo quy định tại Khoản 1, Điều 35 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật “Trong quá trình soạn thảo, thẩm định, thẩm tra, xem xét, cho ý kiến về dự án luật, pháp lệnh, nếu có chính sách mới được đề xuất thì cơ quan đề xuất chính sách đó có trách nhiệm đánh giá tác động của chính sách”. “Nên chăng, quy định này cũng cần phải lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động” – Luật sư Đường nói.
Chủ tịch Hiệp hội Rượu – Bia – Nước gải khát Nguyễn Văn Việt cho rằng, tất cả những hệ lụy cần phải được đánh giá đầy đủ và xem xét một cách toàn diện trước khi đưa ra Quốc hội biểu quyết. Bởi, các quy định này sẽ ảnh hưởng hàng nghìn doanh nghiệp và hàng trăm nghìn lao động đang làm việc cho ngành dịch vụ ăn uống.
Khoản 4 Điều 12 “Quảng cáo phải có cảnh báo về tác hại của rượu, bia theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế”, quy định này mâu thuẫn với quy định tại của Luật Quảng cáo vì bia không thuộc đối tượng sản phẩm, hàng hóa cấm quảng cáo” theo quy định tại Điều 7 Luật Quảng cáo; đồng thời cũng mâu thuẫn với quy định của Luật Đầu tư và Luật An toàn thực phẩm vì theo quy định tại các Luật này thì bia là sản phẩm thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương. |
Đình Khoa
Đại biểu Nhân dân (Pháp luật) 31-5-2019:
http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=81&NewsId=420826
(148/946)