2.657. Ngân hàng cung cấp thông tin cho cơ quan Thuế: Hiểu đúng, hiểu đủ để tránh hoang mang

(HQ) – Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế đưa ra yêu cầu các ngân hàng thương mại phải cung cấp thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế theo đề nghị của cơ quan Thuế. Điều này dấy lên những lo ngại về việc bảo mật thông tin khách hàng. Tuy nhiên, khi trao đổi với Phóng viên Báo Hải quan, theo chuyên gia tài chính – ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu (ảnh), pháp luật đã có quy định rất rõ ràng, những ai vi phạm đều sẽ bị xử lý.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng
TS. Nguyễn Trí Hiếu

Ông đánh giá như thế nào về quy định ngân hàng phải cung cấp thông tin khách hàng cho cơ quan Thuế tại Nghị định 126?

– Không chỉ tại Việt Nam, tại nhiều quốc gia phát triển trên thế giới như Mỹ, các quốc gia châu Âu… các ngân hàng mỗi năm cũng phải khai báo với cơ quan Thuế một số thông tin của khách hàng tới cơ quan Thuế. Cùng với việc khai báo thông tin, các ngân hàng còn tự trích lập thu nhập từ lãi của khách hàng để nộp thuế cho Chính phủ. Vì thế, các quy định này của Việt Nam không phải là mới và riêng có, mà cũng đã theo thông lệ quốc tế.

Hơn nữa, mặc dù quy định của Việt Nam đưa ra yêu cầu ngân hàng phải cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế, bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản, nhưng những thông tin này chỉ cung cấp với mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành các quy định pháp luật về thuế. Do đó, điều này cũng hợp lý trước những nỗi lo về quyền riêng tư, thông tin cá nhân từ phía người dân.

Hiện nay, các thông tin từ phía khách hàng của ngân hàng không thể cung cấp một cách tràn lan, bởi việc bảo mật là trách nhiệm của các ngân hàng, xuất phát từ nhu cầu thực tế của khách hàng. Các thông tin về tài khoản khách hàng chỉ được cung cấp cho bên thứ hai khi có lệnh của tòa án hoặc cơ quan thi hành án. Do vậy, quy định tại Nghị định 126 cần được hiểu đúng và hiểu đủ để tránh những hoang mang trong dư luận.

Nhưng bên cạnh đó, theo tôi, cơ quan Thuế và ngân hàng có thể nghiên cứu theo phương thức của các ngân hàng quốc tế như tôi đã nói ở trên, nghĩa là yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thu nhập từ lãi của khách hàng để có mức độ và quy định thu thuế thu nhập cá nhân phù hợp, tránh thất thoát thuế của Nhà nước.

Trước những lo ngại về bảo mật thông tin khách hàng, theo ông, vấn đề này cần xử lý ra sao?

– Những lo ngại về lộ lọt thông tin, rủi ro mất tài khoản khi ngân hàng thực hiện theo nghĩa vụ tại Nghị định 126 không phải là không có cơ sở. Bởi ngay chính bản thân các ngân hàng cũng không ít lần gây xôn xao dư luận khi làm lộ thông tin khách hàng, nhân viên bán thông tin khách hàng, hacker xâm nhập hệ thống ngân hàng đánh cắp dữ liệu, khách hàng mất tài khoản, mất sổ tiết kiệm tại ngân hàng… Do đó, những cam kết về bảo mật từ phía ngân hàng và ngành Thuế cần phải được thực thi chặt chẽ, không thể để những hứa hẹn chỉ là hứa hẹn để tạo lòng tin về lâu dài cho khách hàng giao dịch tại ngân hàng.

Nghị định 126 sẽ tạo cơ hội để việc quản lý nộp thuế chặt chẽ hơn, nhưng chế tài xử lý có nên chặt chẽ hơn nữa không, thưa ông?

– Nghị định 126 giúp cơ quan Thuế có thể theo dõi sát hơn các giao dịch ngân hàng, nhất là giám sát hoạt động kinh doanh trên thương mại điện tử, ngăn chặn các hành vi trốn thuế. Bởi hiện nay, các cá nhân kinh doanh qua mạng đang rất dễ lách thuế, trốn thuế, nên việc cung cấp thông tin tài khoản sẽ phần nào hạn chế hành vi này.

Nhưng hiện thanh toán bằng tiền mặt vẫn còn chiếm tỷ lệ cao tại Việt Nam, nên việc quản lý thuế đối với lĩnh vực kinh doanh trên thương mại điện tử phải có chế tài mạnh hơn. Đầu tiên là phải hướng dẫn, khuyến khích người dân tự giác kê khai và đóng thuế, sau đó thiết lập chế tài xử lý từ hành chính đến hình sự để phạt nặng những hành vi không tuân thủ pháp luật.

Vậy với cơ quan quản lý, theo ông, các cơ quan này cần phải chịu trách nhiệm như thế nào nếu làm trái với cam kết và quy định?

– Tất nhiên là pháp luật ban hành ra thì mọi đối tượng đều phải chấp hành nghiêm chỉnh, nếu không thì cũng đã có các quy định xử phạt từ cá nhân đến tập thể, tổ chức. Chính phủ đã ban hành Nghị định thì các ngân hàng phải tuân thủ, cơ quan Thuế phải tìm cách bảo vệ người dân, bảo mật thông tin. Nếu không thực hiện đúng, người dân, khách hàng và các tổ chức liên quan hoàn toàn có thể kiện các cơ quan quản lý lên tòa án, hoặc khiếu nại, tố cáo cá nhân, tập thể và tổ chức vi phạm.

Vì thế, để chấp hành nghiêm chỉnh quy định, các cơ quan chức năng cần tập trung vào truyền thông để người dân hiểu rõ và hiểu đúng. Với những quy định như thế này, người dân cần được biết thông tin của mình sẽ cung cấp như thế nào, cung cấp ra sao, cơ quan Thuế sử dụng vào mục đích gì… Từ đó, người dân không những chấp hành mà còn tránh được các tổ chức tội phạm lợi dụng quy định để trục lợi bất chính.

Xin cảm ơn ông!

Ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước:

Đã chỉ đạo các ngân hàng nghiêm túc thực hiện

Nghị định 126 đã được Chính phủ ban hành nên tất cả tổ chức, cá nhân phải thực hiện nghiêm túc. Nghị định đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp với ngành Thuế thì phải chấp hành. Vì thế, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các ngân hàng thương mại phải phối hợp với ngành Thuế cung cấp số tài khoản khách hàng theo quy định. Hơn nữa, việc cung cấp thông tin khách hàng cho ngành thuế là nhằm mục tiêu phục vụ việc minh bạch, chấp hành đúng các chính sách về thuế. Các vấn đề về bảo mật cũng sẽ được các đơn vị liên quan đảm bảo theo các văn bản pháp lý hiện hành. (Trả lời báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ ngày 2/12)

Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI:

Cần ban hành sớm hơn

Quy định này cần phải ban hành sớm hơn. Với những tài khoản có các giao dịch minh bạch, rõ ràng và đúng pháp luật thì không có gì phải lo ngại về vấn đề bị lộ thông tin. Đáng lo nhất chính là những tài khoản có những giao dịch nhạy cảm, tế nhị, mờ ám hay bất thường. Đặc biệt, với những người kinh doanh qua mạng Internet, có hành vi trốn thuế thì mới thật sự lo ngại với quy định mới này.

Ngoài ra, việc ngân hàng thương mại cung cấp thông tin cho cơ quan thuế không có gì vi phạm đến quy định bảo mật. Đây là hoạt động bình thường trong công tác chống thất thu thuế. Bởi quy định cũng nêu rõ, cơ quan Thuế chịu trách nhiệm bảo mật thông tin được cung cấp, nên trường hợp ai để lộ ra ngoài thì người đó chịu trách nhiệm trước pháp luật. Tại Thụy Sĩ – đất nước nổi tiếng về việc ngân hàng bảo mật thông tin khách hàng nhưng hiện nay cũng đã phối phợp với cơ quan chức năng để chia sẻ thông tin nhằm chống thất thu, gian lận thuế.

H.Dịu (ghi)

Hương Dịu

—————————

Hải quan (Thời sự) 04-12-2020:

https://haiquanonline.com.vn/ngan-hang-cung-cap-thong-tin-cho-co-quan-thue-hieu-dung-hieu-du-de-tranh-hoang-mang-138057-138057.html

(216/1.499)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.911. Cuộc chiến chống buôn lậu cuối năm.

Cuộc chiến chống buôn lậu cuối nă (VH) - Ở thời điểm này, khi...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,137