(HHNH) – Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Nghị định 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý Thuế, kể từ 05/12, ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp các thông tin về tài khoản thanh toán của người nộp thuế mở tại ngân hàng cho cơ quan quản lý thuế.
Quy định mới này được kỳ vọng sẽ giúp hạn chế việc kê khai không đủ, trốn thuế của những người có nghĩa vụ nộp thuế. Tuy nhiên, hiện nay xuất hiện tình trạng một số cá nhân đóng tài khoản cũ, mở tài khoản mới để tránh truy thu thuế. Cơ quan thuế sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc gắn mã số thuế đối với các cá nhân đã thông tin định danh, do đó, mọi hành vi trốn thuế đều sẽ bị phát hiện.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: việc đóng/xóa số tài khoản cũ để tránh truy thu thuế chỉ khiến kéo dài và làm phức tạp quá trình truy thu thuế, chứ không có tác dụng gì.
“Tất cả tài khoản đều có mã số định danh, cứ đúng số chứng minh thư nhân dân, thẻ căn cước (đối với cá nhân) hay đăng ký kinh doanh (đối với doanh nghiệp) thì sẽ truy ra số tài khoản dù tài khoản đang hoạt động hay đã đóng để truy thu thuế nếu có hành vi gian lận thuế. Thực tế hiện có nhiều cá nhân cũng có nhiều tài khoản, có người có hàng chục tài khoản, nếu làm theo quy định cũ thì ngành thuế bất lực, rất khó để truy ra, còn làm theo quy định mới này thì sẽ truy ra được nên không thể trốn thuế được”, luật sư Trương Thanh Đức nói.
Về bản chất hệ dữ liệu với cơ quan thuế là như nhau nhưng đến nay khi ngân hàng cung cấp thông tin định kỳ thì việc giám sát, thu thuế sẽ hiệu quả, dễ hơn và tiện hơn. Nếu như trước đây, cơ quan thuế phải săm soi và nghi ngờ mới hỏi, yêu cầu ngân hàng cung cấp thông tin thì nay hệ dữ liệu đã có sẵn, là tự động và muốn tìm thông tin cá nhân nào sẽ có ngay. Sự tiện lợi và hiệu quả sẽ gấp 100 lần so với trước đây. Với thời đại công nghệ như hiện nay thì như thế hoàn toàn đúng.
“Với những quy định nêu trên, cơ quan thuế dễ dàng tìm ra trong 1 ngày ở Hà Nội hay bất cứ đâu trên Việt Nam có ông nào thu nhập 50 tỷ để đánh thuế. Như thế là đúng và công bằng. Chúng ta sẽ không còn phải phẫn nộ vì những trường hợp thu hàng chục, hàng trăm tỷ nhưng không phải nộp thuế, trong khi đó có những người thu nhập chỉ 13, 15 triệu cũng phải nộp đủ thuế”, luật sư Trương Thanh Đức cho hay.
Gắn mã số thuế vào thông tin định danh của khách hàng mở tại NHTM
Theo ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, muốn mở tài khoản ngân hàng phải có chứng minh thư, cơ quan thuế sẽ đối chiếu với các dữ liệu của ngân hàng để cung cấp mã số thuế. Theo đó, một mặt ngân hàng phải yêu cầu cá nhân cung cấp mã số thuế, gắn thuộc tính mã số thuế vào thông tin khách hàng. Đồng thời, cơ quan thuế sẽ hỗ trợ các ngân hàng trong việc gắn mã số thuế đối với các cá nhân đã thông tin định danh. Qua đó, xây dựng cơ sở dữ liệu hợp tác giữa ngân hàng và cơ quan thuế.
Theo quy định của Nghị định, nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế thì NHTM, tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán thực hiện khấu trừ, nộp thay nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật thuế đối với từng sản phẩm hàng hóa, dịch vụ mà người mua là cá nhân ở Việt Nam thanh toán cho nhà cung cấp ở nước ngoài liên quan đến hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, kinh doanh dựa trên nền tảng số.
Tổng cục Thuế phối hợp với các cơ quan có liên quan xác định, công bố tên, địa chỉ website của nhà cung cấp ở nước ngoài chưa thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế mà người mua hàng hóa, dịch vụ có thực hiện giao dịch.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế chia sẻ, năm 2016, các NHTM Việt Nam có hoạt động thanh toán với cơ quan thuế của Mỹ đã kiến nghị với Ngân hàng Nhà nước ký hiệp định trao đổi thông tin tài khoản cá nhân, các giao dịch về tài sản của những người sinh sống, cư trú tại Mỹ. Cũng từ năm 2016, các NHTM đã có khả năng theo dõi, cung cấp các thông tin tài khoản. Trên nền tảng đó có thể thấy, việc yêu cầu NHTM cung cấp thông tin trong nước không có gì quá khó khăn.
Bên cạnh đó, theo ông Đặng Ngọc Minh, một nguyên tắc chấp hành thuế của các cá nhân, tổ chức là phải tự kê khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác cũng sẽ bị cơ quan thuế sẽ tìm ra dựa trên các “dấu vết” thanh toán, hồ sơ thanh toán, giao dịch trên thương mại điện tử.
“Mọi trường hợp, nếu cá nhân trốn thuế bằng cách này, hay cách khác, một ngày nào đó, cơ quan thuế sẽ tìm ra. Nếu một cá nhân đã thanh toán, hồ sơ thanh toán vẫn lưu dấu vết, cơ quan thuế sẽ có biện pháp khác nhau để thu và sẽ thu được. Nếu anh là người giao dịch mạnh mẽ và giao dịch nhiều trên môi trường thương mại điện tử, anh không thể nào mãi ẩn danh được, rồi chúng tôi sẽ tìm ra”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế nhấn mạnh.
Về cưỡng chế thuế với các tài khoản, ông Minh khẳng định, pháp luật hiện hành cho phép thực hiện đồng bộ 7 biện pháp cưỡng chế, trong đó có: Thông báo, nêu tên, yêu cầu nộp thuế qua tài khoản, khống chế hóa đơn.. Tùy vào trường hợp và điều kiện, cơ quan thuế sẽ cân nhắc sử dụng biện pháp nào cho hiệu quả nhất, mục tiêu cuối cùng là làm sao thu đúng, thu đủ thuế.
—————————
HIệp hội Ngân hàng (Tin mới) 07-12-2020:
(368/1.160)