2.665. Đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng: Khó khả thi.

(TN) – Không ít ý kiến nghi ngờ về tính khả thi của quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng để “trừ thẳng” tiền phạt đối với vi phạm giao thông mà Cục CSGT (Bộ Công an) đang xem xét bổ sung.

Nộp phạt vi phạm giao thông tại Đội CSGT Bàn Cờ (Công an TP.HCM)

ẢNH: ĐỘC LẬP

 

Ý tưởng hay nhưng gặp nhiều vướng mắc

Đại tá Trần Sơn, nguyên Phó trưởng phòng Hướng dẫn luật và điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Cục CSGT), cho rằng việc quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng nhằm thu tiền xử phạt vi phạm giao thông bằng cách trừ thẳng vào tài khoản là ý tưởng tốt, nhưng có vướng mắc.

Đại tá Sơn phân tích, người dân đăng ký xe phải bỏ bao nhiêu tiền vào tài khoản của họ, phải bằng mức phạt cao nhất đối với hành vi vi phạm của lái xe. Nếu chủ phương tiện đó không vi phạm, thì tiền của người dân bỏ vào tài khoản rồi sẽ xử lý sao? Ngoài ra, khi có hành vi vi phạm của chủ phương tiện, thì có thể trừ trực tiếp vào tài khoản của người vi phạm được không, nếu không có hành lang pháp lý thì làm sao có thể làm được?

Đại tá Sơn đặt vấn đề nếu số tiền trong tài khoản của người vi phạm nhiều lần bị trừ hết tiền, người dân không đóng nữa thì chế tài nào buộc họ phải nộp thêm tiền vào tài khoản?

“Muốn áp dụng cần học tập kinh nghiệm nước ngoài vì hệ thống cơ sở nước ngoài đồng bộ hơn, đồng thời cần phải có hành lang pháp lý chặt chẽ, phù hợp thực tiễn với cơ sở hạ tầng của VN hiện nay, chứ đề ra để đẩy khó khăn cho nhân dân thì khó”, đại tá Sơn nhấn mạnh và cho rằng, trước mắt cứ ban hành dự thảo quy định người dân khi đăng ký xe phải có tài khoản ngân hàng nhằm thu tiền xử phạt vi phạm giao thông bằng cách trừ thẳng vào tài khoản, sau đó lấy ý kiến chuyên gia và lấy ý kiến nhân dân. Nếu đạt được sự đồng thuận thì sẽ cho thí điểm đối với phương tiện đăng ký mới hoặc sang tên đổi chủ. Trong thời gian thí điểm thì hoàn thiện hành lang pháp lý, xây dựng quy chế phối hợp giữa công an, ngân hàng, ngành giao thông để tạo hành lang pháp lý cho việc thực hiện, đảm bảo yêu cầu minh bạch, thuận lợi cho người vi phạm và việc xử phạt.

 

Quy định nhưng không nên bắt buộc

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng đề xuất này không được hợp lý. Về nguyên tắc, các quy định có thể khuyến khích người dân sử dụng phương thức chuyển khoản trong việc nộp phạt khi vi phạm luật giao thông, nhưng không thể thực hiện bắt buộc mọi người đều phải có tài khoản ngân hàng khi đăng ký xe. Ở đây có thể thấy việc cung cấp tài khoản ngân hàng nhằm vào mục đích cưỡng chế người vi phạm luật giao thông đóng phạt, điều này xem ra “dễ” hơn cho cơ quan chức năng vì ngân hàng sẽ phải làm việc trích tài khoản.

Tuy nhiên, đề xuất nếu được thông qua, chưa chắc khả thi trong cuộc sống. Bởi khi đăng ký xe có thể ra ngân hàng mở đại một tài khoản và tài khoản này không có tiền, thì khi vi phạm sao có thể trích phạt? Ngoài ra, người dân mở tài khoản ngân hàng mà không có hoặc không đủ tiền trong tài khoản để đóng cho mức nộp phạt vi phạm, thì cũng không giải quyết được vấn đề gì. Hơn nữa hiện nay, đối với những tài khoản ngân hàng không hoạt động trong thời gian vài tháng, ngân hàng sẽ đóng tài khoản lại, như vậy quy định này sẽ chỉ làm cho tài khoản “chết” trong ngân hàng nhiều hơn.

Đó là chưa kể có thể dẫn đến tình huống chủ cũ bán xe, chủ mới không làm thủ tục sang tên, và trong quá trình sử dụng dẫn đến vi phạm, lúc này không lẽ ngân hàng đi trích tiền từ tài khoản chủ xe cũ, tranh chấp xảy ra thì giải quyết thế nào. Với lượng xe ô tô và cả xe máy khá lớn như hiện nay, chỉ việc cập nhật thông tin tài khoản ngân hàng nếu có cũng đã là vấn đề, đặc biệt đối với vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa mà người dân có tài khoản ngân hàng còn hạn chế, thì việc áp dụng quy định này sẽ càng trở nên khó khăn hơn.

Luật sư Trương Thanh Đức còn cho rằng điều 23 luật Ngân hàng Nhà nước quy định về các hành vi bị cấm, trong đó có: “Từ chối nhận, lưu hành đồng tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông do Ngân hàng Nhà nước phát hành”. Do vậy, trong trường hợp người dân không khai báo tài khoản ngân hàng, mà thực hiện nộp tiền mặt thì vẫn phải được chấp nhận.

Việc đề xuất cung cấp tài khoản ngân hàng khi đăng ký xe nhằm trích tài khoản trong trường hợp vi phạm, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương VN (Vietcombank), cho hay ngân hàng thường định danh khách hàng qua chứng minh nhân dân, chứ việc có hay không tài khoản ngân hàng không quan trọng bằng. Trước đề xuất này, một số ngân hàng khác cho rằng khi cơ quan công an có đề nghị yêu cầu ngân hàng trích tài khoản khách hàng để chuyển tiền vi phạm vào ngân sách nhà nước, thì họ phải thực hiện. Thế nhưng, để trích tài khoản khách hàng, cơ quan chức năng sẽ phải có công văn đề nghị theo quy định của pháp luật.

Đừng chỉ chăm chăm vào việc thu tiền

Theo lãnh đạo một đội CSGT ở TP.HCM, hiện chưa tới 20% người vi phạm luật giao thông ở TP.HCM chấp hành xử lý vi phạm qua hình ảnh (phạt nguội), thì việc mỗi người khi đăng ký xe cần có tài khoản ngân hàng, để khi có vi phạm gì thì trừ vào tài khoản đó, nhìn chung sẽ giúp nâng cao hiệu quả của xử lý vi phạm qua hình ảnh, hay còn gọi là phạt nguội. Tuy nhiên, nhìn dưới góc độ khác, việc phạt nguội cũng nhằm vào mục đích nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Do vậy, không phải cứ chăm chăm vào việc thu tiền phạt là nâng cao được ý thức.

“Chưa kể, tài khoản ngân hàng đó hằng năm mất phí duy trì thẻ, SMS banking, internet banking và đủ loại phí phát sinh sẽ khiến người dân khó chịu. Số người vi phạm luật giao thông là một con số rất nhỏ so với những người tham gia giao thông, có những người cả đời cũng chưa vi phạm luật giao thông bao giờ. Ở nước ngoài các cơ sở dữ liệu đồng bộ nên việc xử phạt qua tài khoản ngân hàng có khả thi, chúng ta thì ngược lại, các dữ liệu chưa được thống nhất, đồng bộ nên việc bắt mỗi người đăng ký xe phải có một tài khoản ngân hàng là chưa hợp lý”, vị CSGT này cho biết.

Theo đại tá Phan Ngọc Truyền – Trưởng phòng CSGT Công an TP.Đà Nẵng, đây là xu hướng tiến bộ, nhưng cách thực hiện cụ thể như thế nào thì cần nghiên cứu kỹ, tránh tình trạng xâm phạm quyền tự do cá nhân; hay tránh việc đối phó bằng cách đăng ký tài khoản không sử dụng hoặc luôn rút hết tiền trong tài khoản.

Vũ Phượng – Nguyễn Tú

 ———-

Thanh niên (Tài chính KD) 12-6-2019:

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dang-ky-xe-phai-co-tai-khoan-ngan-hang-kho-kha-thi-1091848.html

(435/1.383)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,884