(HQ) – Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư 2020 ban hành và có hiệu lực vào năm 2021, nhưng phải nhanh chóng được chi tiết hóa để doanh nghiệp và nhà đầu tư tận dụng cơ hội.
Hội thảo “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 – Doanh nghiệp cần làm gì?”. Ảnh: H.Dịu |
Sáng 18/12, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức Hội thảo với chủ đề “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 – Doanh nghiệp cần làm gì?”.
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch VIAC cho rằng, hệ thống pháp luật trong mảng kinh doanh tời gian qua vẫn còn nhiều điểm chưa thống nhất, khả thi và minh bạch. Tuy nhiên, với việc ban hành Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp mới thì tình trạng này đã ngày càng được cải thiện với tốc độ nhanh hơn, quy mô rộng lớn hơn.
Luật Đầu tư được Quốc hội thông qua ngày 17/6/2020 và có hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021, thay thế Luật Đầu tư 2014.
Việc ban hành Luật Đầu tư 2020 nhằm thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các Nghị quyết của Đảng về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, phát triển kinh tế tư nhân và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài.
Tương tự, Luật Doanh nghiệp 2020 cũng có nhiều điểm mới so với Luật Doanh nghiệp năm 2014. Với nhiều điểm mới sửa đổi, Luật Doanh nghiệp 2020 đã đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và thời gian trong quá trình khởi sự kinh doanh.
Nói cụ thể hơn, theo Luật sư Lê Đình Vinh, Giám đốc Công ty luật Vietthink, qua 3 lần sửa đổi Luật Đầu tư có nhiều điểm mới tháo gỡ những vướng mắc trong thực thi áp dụng để luật đi vào cuộc sống tốt hơn và đáp ứng nhu cầu hội nhập của quốc tế.
Ông Vinh cho rằng, những sửa đổi, bổ sung về cơ bản đã giải quyết được những yêu cầu thực tiễn và được nhà đầu tư đánh giá cao. Tuy nhiên vẫn còn những vấn đề chưa đáp ứng được những kỳ vọng, một số quy định mới đưa vào luật trong quá trình hướng dẫn, triển khai vào thực tễ cũng sẽ có những vướng mắc.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, Luật Doanh nghiệp 2020 có 40 điểm thay đổi với luật cũ, ví dụ như sửa đổi một khái niệm, bỏ quyền tố cao của doanh nghiệp; bỏ các quy định bắt buộc về con dấu, ngoài việc “sử dụng dấu trong các giao dịch theo quy định của pháp luật”…
Ở góc độ DN, bà Nguyễn Kim Dung, Giám đốc pháp chế, Trường Đại học Anh quốc Việt Nam nhận xét, Luật Đầu tư năm 2020 sửa đổi đã đưa giáo dục vào danh mục ưu đãi đầu tư. Vì thế, bà Dung hy vọng các trường đại học quốc tế sẽ được ưu đãi về thuế, thuế thu nhập, đất đai…
Dù còn mặt được và chưa được của 2 luật này, nhưng các doanh nghiệp và chuyên gia tại hội thảo đều cho rằng, Chính phủ phải ban hành ngay các nghị định hướng dẫn những nội dung còn để ngỏ trong Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp 2020 để những quy định đó được chi tiết hóa và đi vào cuộc sống, nếu không thì các Luật này vẫn còn nằm trên giấy mà thôi.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, các doanh nghiệp cần tiếp tục nghiên cứu một cách đầy đủ tất cả các quy định của pháp luật liên quan nhằm đem lại hiệu quả tốt nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp.
Hương Dịu
—————————
Hải quan (Doanh nghiệp) 18-12-2020:
(62/709)