2.669. Thị trường thép không gỉ cán nguội Việt Nam: Bài học từ cơ chế bảo hộ song hành với nguy cơ độc quyền.

(MT) – Dòng sản phẩm thép không gỉ cán nguội (TKGCN) nhập khẩu bị “chặn đứng” bởi hàng rào thuế quan, trong khi thị trường trong nước luôn tồn tại nguy cơ “cá mập ngoại” thao túng về chất lượng, giá cả. Mặc dù sự bất cập này xảy ra từ năm 2014 và công luận đã phản ứng rất mạnh, nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn không thay đổi. Rõ ràng đây là một trong quá nhiều dẫn chứng, bài học về sự độc quyền gây méo mó nền kinh tế nước nhà.


Sau khi Posco VST và Inox Hòa Bình đệ đơn kiện chống bán phá giá 4 quốc gia và vùng lãnh thổ nhập khẩu sản phẩm thép cán nguội không gỉ vào Việt Nam là Trung Quốc, Indonesia, Malaysia và Đài Loan, tháng 9/2014, Bộ Công Thương đã áp mức thuế từ 9,31-37,29% đối với một số mặt hàng TKGCN nhập khẩu.Sau 6 năm Posco VST đệ đơn kiện chống bán phá giá sản phẩm thép không gỉ cán nguội, thị trường TKGCN đối mặt với nguy cơ độc quyền, triệt tiêu tính cạnh tranh.

Và ngay khi phán quyết này được thông qua đã góp phần triệt tiêu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất trong nước trước các đối thủ nước ngoài. Cùng với đó, suốt 5 năm qua, nhiều doanh nghiệp sản xuất sử dụng nguyên liệu TKGCN trong nước đã phải đối mặt với nhiều rủi ro, hệ lụy từ quyết định này của Bộ Công Thương.

Hệ lụy và rủi ro ở đây chính là sự độc chiếm thị trường, chặn đứng nguồn nguyên liệu có chất lượng với giá thành hợp lý từ nước ngoài, triệt tiêu sự cạnh tranh quốc tế.

Theo đó, thị trường Việt Nam gần như đóng cửa hoàn toàn với nguồn nguyên liệu inox cán nguội từ bên ngoài. Theo lý giải của các doanh nghiệp, từ khi mức thuế nhập khẩu mặt hàng này tăng, các doanh nghiệp chỉ có thể mua nguyên liệu trong nước. Đối với mức thuế như hiện nay, các doanh nghiệp trong nước muốn tiếp cận nguồn nguyên liệu nhập khẩu coi như “tự sát”.

Và như điều tất yếu, sau những thương vụ “cá lớn nuốt cá bé” trót lọt, hiện nay thị trường TKGCN Việt Nam hoàn toàn nằm lọt trong tay một ông lớn (100% vốn FDI Hàn Quốc).

Trong văn bản gửi Bộ Công Thương, Cục Phòng vệ Thương mại, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Công ty Cổ phần Tập đoàn Sunhouse đã kiến nghị xem xét lại việc áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng inox (đặc biệt đối với doanh nghiệp sản xuất mặt hàng gia dụng).

Văn bản của Tập đoàn Sunhouse gửi các cơ quan chức năng đề nghị không áp thuế chống bán phá giá đối với mặt hàng nhập khẩu inox cán nguội.

Là doanh nghiệp thường xuyên mua sản phẩm inox cán nguội của Posco, Bông sen vàng… mỗi năm lên tới hàng nghìn tấn, ông Nguyễn Đại Thắng – Tổng Giám đốc Tập đoàn Sunhouse cho biết, từ khi có quyết định chống bán phá giá, các mặt hàng inox cuộn mà doanh nghiệp này mua để sản xuất các đồ gia dụng bằng inox bị tăng giá từ 15-20% dẫn đến tình trạng giá thành sản phẩm cũng tăng tương ứng.

Trong khi đó, theo Hiệp định thương mại ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2015 – 2018 thì thuế nhập khẩu dành cho mặt hàng gia dụng inox nhập khẩu từ Trung Quốc là 0%.

“Việc này đã dẫn đến làm mất khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất như chúng tôi với các công ty thương mại nhập khẩu, vô hình chung “giết chết” các công ty sản xuất như chúng tôi, những công ty đã và đang tạo công ăn, việc làm cho hàng nghìn lao động” – ông Nguyễn Đại Thắng nhấn mạnh.

Chia sẻ với những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải, ông Vũ Mão – Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cựu Đại biểu Quốc hội (nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cũng đưa ra kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản pháp luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển, trong đó có việc kiến nghị, xem xét lại Quyết định số 1656/QĐ-BCT ngày 29/4/2016 của Bộ Công Thương về việc điều chỉnh thuế chống bán phá giá mặt hàng thép không gỉ. Quyết định này làm cho khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp sản xuất với các đơn vị kinh doanh nhập khẩu rất khó khăn. Do quy định mức thuế rất cao dẫn đến giá thành sản phẩm cao do đó sản phẩm khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu thành phẩm.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), việc Bộ Công Thương áp thuế chống bán phá giá một số sản phẩm thép không gỉ cán nguội (TKGCN) nhập khẩu vào Việt Nam từ năm 2014 chẳng khác gì một “con dao hai lưỡi”.

Đặc biệt, khi mà ngành sản xuất trong nước được bảo hộ là độc quyền, thì nguy cơ lớn nhất là việc bảo vệ sản xuất cho một doanh nghiệp sẽ gây thiệt hại cho rất nhiều doanh nghiệp sản xuất khác. Và nếu không cẩn thận, thì trở thành lợi bất cập hại, thua thiệt cho sản xuất trong nước nhiều hơn là được.

Riêng đối với TKGCN nhập khẩu, Bộ Công Thương đã có 3 lần áp thuế chống phá giá và từ năm 2004 đến nay, inox nhập khẩu bị áp thuế từ với nhiều mức khác nhau, từ 3,07 cho đến 37,29%.

Điều đáng quan tâm là ai được hưởng lợi và ai chịu thiệt hại từ những quyết định này, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích và cho rằng, cái khó là cần bảo vệ sản xuất trong nước theo Luật Quản lý ngoại thương, nhưng phải tránh việc tiếp tay, thậm chí khuyến khích vi phạm độc quyền theo Luật Cạnh tranh, cuối cùng vẫn cứ gây thiệt hại cho sản xuất và thị trường. Nếu như không xử lý vấn đề trong mối quan hệ tổng thể để bảo đảm hài hòa lợi ích chung, thì làm đúng theo luật này lại nhưng trái ngược với luật kia, đề cao luật này lại phủ nhận luật kia.

“Hiện nay, đang diễn ra nghịch lý là, hàng trăm doanh nghiệp sử dụng inox để sản xuất gần như không có sự lựa chọn trong việc nhập khẩu inox, mà phải mua của nhà sản xuất độc quyền trong nước. Đương nhiên xảy ra tình trạng giá cả tăng cao, chất lượng không bảo đảm và nhiều điều kiện giao dịch bất lợi khác cho các doanh nghiệp phải mua inox vì không có sự cạnh tranh.

Như vậy, việc áp thuế chống bán phá giá nhằm phòng tránh thì lại có nguy cơ gây thiệt hại cho ngành sản xuất trong nước như chính mô tả tại khoản 2, Điều 69 về “Thiệt hại của ngành sản xuất trong nước”, Luật Quản lý ngoại thương, gây ra tình trạng suy giảm đáng kể hoặc kìm hãm tăng trưởng hoạt động sản xuất kinh doanh của ngành sản xuất trong nước và tình trạng dẫn đến khó khăn cho việc hình thành một ngành sản xuất trong nước” – Luật sư Đức nói.

Cũng theo Luật sư Đức, bên cạnh những cái được, đã đến lúc cần xem xét, nhìn thẳng vào sự thật, ngành inox đã và sẽ bị thiệt hại như thế nào kể từ khi áp dụng và nếu tiếp tục áp dụng thuế chống phá giá? Bên cạnh mục tiêu “nhằm bảo vệ, ngăn ngừa hoặc hạn chế thiệt hại của ngành sản xuất trong nước” thì đã đến lúc xem lại chính quy định đồng thời tại khoản 1 Điều 68 của Luật Quản lý ngoại thương nêu trên là, việc áp dụng thuế chống phá giá phải “trong phạm vi, mức độ cần thiết, hợp lý, có thời hạn”.

Đặc biệt sự bất hợp lý ở chỗ, đồng thời xảy tra sự đối ngược, trong khi inox là nguyên liệu để sản xuất hiện nay đang bị áp thuế nhập khẩu từ 6,64% – 37,29% thì sắp tới, hàng hóa bằng inox lại được hưởng thuế suất thấp. Cụ thể là thuế nhập khẩu đổi với một số hàng hóa bằng inox (mã hàng 73.24) như chậu rửa, bồn rửa, bồn tắm từ năm 2020 trở đi chỉ có 5% theo Nghị định số 153/2017/NĐ-CP ngày 27/12/2017 của Chính phủ về “Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2018-2022”.

Như vậy, không những các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm inox trong nước không cạnh tranh được với hàng nhập khẩu, mà người tiêu dùng hàng sản xuất trong nước cũng bị thiệt hại.

Vì vậy, bao giờ cũng phải có sự cân nhắc giữa việc chúng ta bảo vệ một ngành sản xuất cụ thể với quyền lợi chung của người tiêu dùng, quyền lợi chung của nền kinh tế. Mặt khác, khi sử dụng công cụ quyền năng những nguyên tắc không thể bỏ qua, đó là sự cân bằng giữa lợi ích ngành và lợi ích chung của nền kinh tế; xem xét về lợi ích tối đa cho người tiêu dùng.

Việc áp thuế chống bán phá giá đối với một số sản phẩm inox đã kéo dài gần 5 năm nay, do đó cần phải được xem xét chấm dứt trong đợt rà soát định kỳ sắp tới của Bộ Công Thương.

Thép cán nguội không gỉ (inox) là nguyên liệu cơ bản để phục vụ hàng chục ngành sản xuất quan trọng. Sau khi hàng rào thuế quan được dựng lên, thay vì mở rộng quy mô sản xuất để đáp ứng nhu cầu thị trường, phần lớn các doanh nghiệp sản xuất inox thành phẩm tại Việt Nam đã lựa chọn là thu hẹp sản xuất, nhường thị phần cho hàng thành phẩm cho nước ngoài hoặc đẩy giá sản phẩm lên.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, việc áp thuế chống bán phá giá TKGCN thực chất là bảo hộ cho doanh nghiệp 100% vốn FDI nước ngoài. Doanh nghiệp này được hưởng lợi để gặt hái những lợi ích to lớn từ chính những khách hàng, những người Việt Nam vì đã nắm trong tay gần hết thị trường.

Ngay từ đầu, việc kiện chống bán phá giá theo đại diện một doanh nghiệp kinh doanh inox (không muốn nên tên) có dấu hiệu “lợi ích nhóm” và giá bán, sản lượng các sản phẩm thép cán nguội không gỉ nhập khẩu không hề ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Ngược lại, hiện tại, giá TKGCN tại Việt Nam là khoảng 2.100 USD/tấn. Đây là mức giá cao so với các thị trường khác trong khu vực.

Ngoài ra, giá thép cán nóng và cán nguội có mức chênh lệch từ 200 – 300 USD/tấn, gây áp lực cho các doanh nghiệp sản xuất trong nước bởi giá thành sản phẩm bán trên thị trường không được tăng trong khi gia nguyên vật liệu liên tục tăng, làm mất đi tính cạnh trạnh của sản phẩm do các doanh nghiệp trong nước sản xuất, không cạnh tranh được với các sản phẩm nhập khẩu.

Doanh nghiệp được hưởng lợi trong thế độc quyền này là doanh nghiệp nước ngoài, lợi nhuận mang về nước họ, trong khi Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng, tác động như: ô nhiễm môi trường, người dân bị mất đất đai canh tác, sản xuất, thậm chí nảy sinh biểu hiện trốn thuế, chuyển giá, nợ đọng bảo hiểm xã hội… Trong khi người tiêu dùng vẫn phải chịu mức giá thành cao.

Việc bãi bỏ các hàng rào thuế quan bất hợp lý hoặc có thêm các nhà sản xuất khác với công nghê tân tiến, hiện đại, bảo vệ môi trường, sản phẩm chất lượng tốt, giá thành rẻ cũng là rất cần thiết, đòi hỏi các cơ quan quản lý, các cơ quan chuyên môn cần quan tâm, xem xét, có biện pháp xử lý, tháo gỡ, thúc đẩy kịp thời.

Có thể thế thấy, dấu hiệu độc quyền, tình trạng “một mình một chợ” trong ngành sản xuất TKGCN ở Việt Nam đã ăn sâu bén rễ mà đến nay – năm 2019 vẫn chưa  thấy nền tảng của thị trường sản xuất cạnh tranh.

Tới đây, nếu thuế chống bán phá giá được tiếp tục giữ nguyên trong khi không thể tìm được nguồn khác, các doanh nghiệp trong nước chỉ còn cách mua hàng của Posco VST. Vì thế, nhiều doanh nghiệp lo ngại nguy cơ thao túng và tăng giá bán khó lường trước của thị trường.

Phan Anh Tuấn


Tạp chí Mặt trận (Kinh tế) 13-6-2019:

http://tapchimattran.vn/kinh-te/thi-truong-thep-khong-gi-can-nguoi-viet-nam-bai-hoc-tu-co-che-bao-ho-song-hanh-voi-nguy-co-doc-quyen-27846.html

(842/2.241)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,884