(NCĐT) – Cần những tài năng để xây dựng nền kinh tế với mô hình quản trị tiên tiến.
Quảng Ninh đang lên “Đại kế hoạch 7 tỉ USD” trong 10 năm tới trong đó biến Vân Đồn trở thành Thành phố đáng sống của châu Á – Thái Bình Dương. Để có thể thu hút được nguồn vốn lớn này, Quảng Ninh đã đưa ra hàng loạt giải pháp, đáng chú ý là kế hoạch “thuê nước ngoài làm tư vấn và quản lý một số lĩnh vực kinh tế” ở Vân Đồn. Đây là cách làm khá phổ biến ở nhiều đặc khu, khu kinh tế trên thế giới khi thuê người nước ngoài nắm quyền quản lý ở vị trí trưởng đặc khu hoặc thị trưởng.
Ảnh: QH
Trong bối cảnh Quốc hội đang có nhiều ý kiến về việc bỏ chế độ “viên chức suốt đời” khắc phục tình trạng “sáng cắp ô đi, tối cắp về”, hay “thừa người thiếu hiệu quả”, thì kế hoạch nhân sự này của Quảng Ninh thực sự đáng quan tâm.
Trước hết, phải khẳng định, đây không phải là câu chuyện mới. Từ rất nhiều năm nay, lãnh đạo nước ngoài tham gia vào công việc điều hành các doanh nghiệp tư nhân. Ví dụ, trong ban điều hành của Techcombank đang có 5 thành viên người nước ngoài, VPBank có 2 Phó Tổng Giám đốc người nước ngoài. Năm 2017, Vietcombank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước đầu tiên bổ nhiệm người nước ngoài vào vị trí Giám đốc điều hành khối dịch vụ bán lẻ.
Cũng có những trường hợp mũi tên bắn 2 đích. Một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản khi tham gia vào mảng giáo dục và sản xuất ô tô đã thuê về 2 vị trí quản lý cao cấp: một là vị sếp cũ của General Motors, một là giáo sư đến từ Đại học Cornell, Mỹ. Ở đây, không đơn giản chỉ là mục tiêu tận dụng kinh nghiệm, tiệm cận cách quản trị doanh nghiệp tầm thế giới mà còn có thể đánh bóng tên tuổi.
Liệu điều tương tự có xảy ra trong khu vực kinh tế nhà nước? Ý tưởng thuê lãnh đạo nước ngoài quản trị doanh nghiệp nhà nước cũng từng được đề xuất nhiều năm về trước. Về mặt chính sách, tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ – Công chức và Luật Viên chức, đã bỏ quy định những người chức vụ lãnh đạo, quản lý doanh nghiệp nhà nước phải là công chức.
Khó có thể lạc quan với viễn cảnh một số mắt xích trong guồng máy kinh tế nhà nước sẽ được sự lèo lái của nhân sự tầm thế giới, từ đó, xuất hiện nhu cầu và động lực hòa nhập thực sự với kinh tế thị trường của khu vực doanh nghiệp này. Dù rất thiện chí, vẫn xuất hiện những hòn đá tảng không thể sớm dọn dẹp.Nhưng dự tính của Quảng Ninh về giải pháp “thuê nước ngoài làm tư vấn và quản lý một số lĩnh vực kinh tế” có thể vẫn là một con đường rất dài và rất xa. Thực tế, TP.HCM từng chủ động thực hiện chủ trương thu hút nhân tài đặc biệt giai đoạn 2014-2017 nhưng chưa có nhiều thành công.
Thứ nhất là vấn đề tương thích. Trong quan hệ với cấp quản lý cao hơn, nhiệm vụ đặt ra trước mắt các nhân sự ngoại tương lai là đảm bảo lợi ích kinh tế tối đa nhưng vẫn phải đúng định hướng quản lý chung của nhà nước. Đây là điều rất khó, thậm chí, bất khả thi, đặc biệt với những nhà quản lý vốn thuộc trong những nền kinh tế tự do, mở cửa, chưa đủ kinh nghiệm hoạt động trong một nền kinh tế thị trường có định hướng như Việt Nam.
Thứ 2, từ chiều quản lý nhà nước, chúng ta đã có đủ trình độ, phương pháp và công cụ để đo đếm hiệu quả công việc của các “thuộc cấp nước ngoài” này? Nếu câu trả lời chưa rõ, liệu chúng ta sẽ chọn nhân sự bằng cách nào; đánh giá năng lực của họ ra sao và trả lương cho họ thế nào?
Ngay cả trong kịch bản lạc quan nhất, nếu doanh nghiệp nhà nước thay da đổi thịt nhưng bằng cách tận dụng tối đa ưu thế nhà nước, chiếm dụng không gian tồn tại của khối doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, đó có là một lựa chọn tốt?
Có lẽ, cũng nên cân nhắc đề xuất của Quảng Ninh dựa trên những tâm tư như trên. Bởi vì, cũng có bài học về chính sách tuyển chọn nhân tài cho hệ thống công vụ của Singapore mang tính mở rất cao, với nguyên tắc cơ bản là tuyển chọn và bổ nhiệm phải trên cơ sở thực tài và cạnh tranh cao. Trong quá trình tái thiết và phát triển đất nước, Singapore coi việc thu hút nhân tài, đặc biệt là nhân tài nước ngoài là một chiến lược quan trọng.
Quản lý một doanh nghiệp đã khó, để vận hành cả một khu kinh tế, thách thức còn lớn hơn rất nhiều. Một cách tiếp cận thông thoáng về việc vận hành, quản lý khu vực kinh tế có thể tạo nên ấn tượng tích cực, thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư và có thể cả sự ủng hộ của các nhà lập pháp về những ưu đãi đặc thù nhưng nếu chưa bịt được cơ hội hay kẽ hở cho những sai lạc, thất thoát, rất có thể lợi bất cập hại.
Trong bối cảnh này, lựa chọn khả thi hơn như gợi ý của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, khi trao đổi với NCĐT là trả lại những phần việc khu vực tư nhân có thể đảm đương được cho thị trường. Khi đó, tự các doanh nghiệp trên thị trường sẽ lựa chọn lãnh đạo phù hợp với họ. Để thu hút được người tài về làm việc không quan trọng trong hay ngoài nước mà chính là hiệu quả công việc và cơ chế đãi ngộ hợp lý cho họ.
Khánh Nguyên.
———-
Nhịp cầu Đầu tư (Thương trường) 17-6-2019:
https://nhipcaudautu.vn/thuong-truong/nhan-tai-nuoc-ngoai-de-thue-kho-dung-3329294/
(101/1.101)