(DN&ĐT) – Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 ban hành có hiệu lực vào năm 2021 mang nhiều ý nghĩa và tác động lớn đối với hoạt động của doanh nghiệp. Với mục tiêu giải đáp những vướng mắc, chỉ rõ những điểm mới, cập nhập và hướng dẫn thông tin về Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, ngày 18/12, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam phối hợp cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức hội thảo với chủ đề “Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 – Doanh nghiệp cần làm gì?”.
Các chuyên gia có mặt tại hội thảo.
Thế giới vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn khi đại dịch Covid-19 vẫn đang hoành hành, nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, dòng tiền bị giới hạn, tình trạng thất nghiệp do thiếu kỹ năng cần thiết trong tình trạng mới ngày càng tăng cao.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn không đánh mất niềm tin và cơ hội tạo ra trong bối cảnh này. Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020 và sẽ có hiệu lực vào 1/1/2021, mang ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra khung pháp lý thuận lợi trong hỗ trợ và thúc đẩy phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp Việt Nam cũng như các doanh nghiệp đã và đang đầu tư, làm việc tại Việt Nam.
Phát biểu tại hội thảo, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Thương Việt Nam nhấn mạnh: “Để phát triển bền vững, tôi cho rằng, các doanh nghiệp cần hiểu rõ Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư 2020. Doanh nghiệp cần tận dụng được cơ hội từ những sửa đổi luật mới nhằm mở rộng thị trường, khả năng kết nối rộng hơn, thúc đẩy đối tượng đầu tư xây dựng môi trường kinh doanh chuyên nghiệp hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam và các doanh nghiệp đầu tư, liên doanh hợp tác tại Việt Nam”.
Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công Thương Việt Nam Hoàng Quang Phòng.
Ông Trần Hữu Huỳnh, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nhận định: giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật, thi hành pháp luật khó hơn nhiều. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có quyền hy vọng về tốc độ xây dựng pháp luật và cải cách thi hành pháp luật tốt hơn.
Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, có 3 yếu tố cơ bản để đáp ứng hi vọng trên. Thứ nhất là chính sách đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam. Thứ hai là chính sách hội nhập, Việt Nam hiện nay xây dựng môi trường kinh doanh bằng yêu cầu và đòi hỏi của người dân và doanh nghiệp, nhưng cũng đồng thời dựa trên những tiêu chí quản trị tốt nhất của thế giới.
Cuối cùng là cộng đồng doanh nghiệp đã lớn mạnh, các hiệp hội doanh nghiệp cũng lớn mạnh, cùng với các cơ quan nhà nước, nên rằng tốc độ xây dựng và thi hành pháp luật chắc chắn sẽ được nâng cao hơn.
Bàn về Luật Doanh nghiệp, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho biết, Luật Doanh nghiệp đã có những điểm mới bao gồm: người đại diện, con dấu doanh nghiệp, thời hạn góp vốn thành lập, việc ký biên bản họp, quyền và nghĩa vụ của đại hội đồng cổ đông, chào bán cổ phần và trái phiếu riêng lẻ…
Về những điểm mới của Luật Đầu tư, TS, LS Lê Đình Vinh – Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink, Trọng tài viên VIAC cho biết, Luật Đầu tư đã được sửa đổi với nhiều điểm mới nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả thu hút nguồn lực đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài.
Cụ thể, Luật Đầu tư 2020 có những điểm mới bao gồm: nhóm các quy định, ngành nghề đầu tư kinh doanh và điều kiện gia nhập thị trường; nhóm các quy định về ưu đãi, hỗ trợ đầu tư; nhóm các quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư và lựa chọn đầu tư; nhóm các quy định về thủ tục triển khai dự án đầu tư và cuối cùng là nhóm các quy định về đầu tư từ Việt Nam ra nước ngoài.
Giám đốc Công ty Luật TNHH Vietthink đánh giá, các quy định của Luật Đầu tư đã được sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm thực hiện các Nghị quyết của Đảng, các Nghị quyết của Quốc hội, Nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường Chính phủ điện tử, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, hỗ trợ phát triển và cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật liên quan đến đầu tư kinh doanh; đồng thời bảo đảm tuân thủ các cam kết hội nhập của Việt Nam, trong đó có các cam kết liên quan đến mở cửa thị trường, tự do hóa và bảo hộ đầu tư theo các Hiệp định đầu tư song phương cũng như Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới.
Trần Thùy
—————————
Doanh nghiệp & Đầu tư (Pháp luật) 19-12-2020:
https://doanhnghiepvadautu.net.vn/nhung-diem-moi-cua-luat-doanh-nghiep-va-luat-dau-tu-2020/
(68/946)