(ĐBND) – Năng lực tài chính của doanh nghiệp BOT ngoài vốn chủ sở hữu, cam kết tài trợ vốn của ngân hàng còn có cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ. Tuy nhiên, “nếu vẫn áp dụng trần chi phí lãi vay 30% như hiện nay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì công ty mẹ không muốn hỗ trợ tài chính cho công ty con và ngược lại”, Tổng giám đốc Tập đoàn Cường Thuận IDICO Nguyễn Xuân Quang nêu ý kiến.
Trái quy định?!
Theo đại diện doanh nghiệp, dự án BOT thường đòi hỏi vốn lớn, cần từ 2 nhà đầu tư trở lên liên danh đấu thầu dự án. Khi trúng thầu, liên danh nhà đầu tư này phải lựa chọn hình thức đầu tư là thành lập pháp nhân (doanh nghiệp dự án BOT) để quản lý và triển khai dự án. Điều này đồng nghĩa, năng lực tài chính của doanh nghiệp BOT ngoài vốn chủ sở hữu, cam kết tài trợ vốn của ngân hàng có cam kết hỗ trợ tài chính từ công ty mẹ.
Ảnh minh họa
Chiểu theo quy định tại Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Nghị định 20), Nghị định 68/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20 (Nghị định 68), Nghị định 132/2020/NĐ-CP (Nghị định 132), việc công ty mẹ hỗ trợ tài chính cho công ty con BOT bị coi là giao dịch liên kết. Theo đó, doanh nghiệp bị khống chế chi phí lãi vay ở mức 30% (thay vì 20% theo Nghị định 20) của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tổng giám đốc Tập đoàn Cường Thuận IDICO Nguyễn Xuân Quang cho rằng, quy định này gây rất nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình công ty mẹ – công ty con nói chung và các dự án BOT nói riêng. Thực tế, các dự án BOT phát sinh giao dịch liên kết nhiều do công ty mẹ bắt buộc phải cam kết hỗ trợ công ty con. Đồng thời, vì cấu phần xây lắp triển khai theo phương án tự thực hiện nên sẽ tận dụng nguồn lực sẵn có của công ty mẹ và các công ty con của cùng một công ty mẹ.
“Quy định chi phí lãi vay khống chế ở mức 30% theo quy định tại Điều 1 Nghị định 68 đang trái với khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo đó, tổng chi phí lãi vay trong kỳ vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ cũng không phải là “các khoản chi không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế” như nêu tại khoản 2 Điều 9 Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 156, Luật Ban hành các văn bản quy phạm pháp luật 2015 thì trong trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật có quy định khác nhau về cùng một vấn đề thì áp dụng văn bản có hiệu lực pháp lý cao hơn”, ông Quang phân tích.
Xem xét lại đối tượng áp dụng
Cần nhắc lại rằng, Nghị định 20 ban hành nhằm mục tiêu hạn chế tình trạng chuyển giá trong khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lợi dụng chi phí lãi vay để chuyển lợi nhuận từ Việt Nam ra nước ngoài. Tuy nhiên, ngay khi ban hành đã gặp phải phản ứng của doanh nghiệp khi khống chế trần chi phí lãi vay 20% với tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ngày 24.6.2020, Nghị định 68 tăng giới hạn này lên 30% sau khi trừ lãi tiền gửi, tiền vay; cho chuyển tiếp chi phí lãi vay sang 5 năm tiếp theo và mở rộng đối tượng miễn áp dụng quy định khống chế. Nghị định 132 được ban hành ngày 5.11.2020 tiếp tục giữ nguyên trần chi phí lãi vay 30%, bổ sung đối tượng miễn áp dụng quy định đối với các dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác).
Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức cho rằng, việc quy định chi phí lãi vay khống chế ở mức 30% vẫn “nhầm đối tượng”, “đang có sự cào bằng” tất cả đối tượng doanh nghiệp có giao dịch liên kết nhưng với mục đích hoàn toàn khác nhau.
Ông Đức phân tích, với chi phí lãi vay, nếu doanh nghiệp chi đúng, chi thật, hợp lý, hợp lệ thì “không có lý do gì để bị loại trừ”. Việc loại trừ chỉ được đặt ra trong trường hợp mọi thứ đều hợp pháp, hợp lệ nhưng có hoạt động chuyển giá, chuyển hết lợi nhuận ra nước ngoài, trên cơ sở hợp thức hóa bằng các giao dịch liên kết.
Nói cách khác, điểm cốt yếu ở đây là quy định trần chi phí lãi vay không phải áp dụng với doanh nghiệp có giao dịch liên kết hay có chi phí lớn, mà là có chuyển giá hay không. Giới hạn này cần thiết đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài có doanh thu cao, thị phần lớn, tăng trưởng mạnh, lợi nhuận lớn nhưng không nộp thuế doanh nghiệp vì cứ hạch toán lỗ. Đối với doanh nghiệp không có yếu tố chuyển giá sẽ không đủ điều kiện cần thiết tối thiểu áp vào chính sách này.
“Chính cách làm hiện nay cho thấy có sự nhầm lẫn cơ bản từ mục tiêu ngăn chặn chuyển giá thành ngăn chặn giao dịch liên kết”, Giám đốc Công ty Luật ANVI nhấn mạnh. Đồng thời, ông cho rằng “cần nhanh chóng và dũng cảm sửa sai” trong quy định về trần chi phí lãi vay áp dụng cho tất cả doanh nghiệp trong và ngoài nước.
Ở góc độ doanh nghiệp, Tổng Giám đốc Tập đoàn Cường Thuận IDICO Nguyễn Xuân Quang cho rằng, “nếu vẫn áp dụng trần chi phí lãi vay 30% như hiện nay khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp thì công ty mẹ không muốn hỗ trợ tài chính cho công ty con và ngược lại, công ty con cũng không muốn vay công ty mẹ và vay của nhau khi cùng chung công ty mẹ”.
Dẫn thực tế tại một dự án BOT ở Bình Thuận, ban đầu ngân hàng cam kết tài trợ vốn theo tỷ lệ 80%, còn lại là vốn chủ sở hữu, nhưng sau đó nâng tổng mức đầu tư khiến ngân hàng chỉ cam kết hỗ trợ 70%, Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư Quốc lộ 91 Cần Thơ – An Giang Trần Như Hoàng đặt vấn đề: Nếu không vay từ công ty mẹ thì lấy đâu ra nguồn vốn bù đắp vào 10% vốn chủ sở hữu để thực hiện dự án? Do vậy, Chính phủ cần sớm xem xét lại quy định tại Nghị định 68 và Nghị định 132 về trần chi phí lãi vay 30% nhằm gỡ tín dụng cho các dự án BOT giao thông, ông Hoàng đề xuất.
Đan Thanh
—————————
Đại biểu Nhân dân (Doanh nghiệp) 31-12-2020:
https://daibieunhandan.vn/tran-chi-phi-lai-vay-lam-kho-doanh-nghiep-bot-th6f4wxpoq-52221
(294/1.293)