2.674. Phòng khám Thiên Hòa có dấu hiệu vi phạm nhiều luật.

(TP) – Luật sư Đinh Anh Tuấn, Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Quang cho rằng, hành vi của PK Thiên Hòa nhiều dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Luật sư Đinh Anh Tuấn – Giám đốc Cty Luật hợp danh Thiên Quang

Trong văn bản gửi trả lời Tiền Phong, Cty Luật hợp danh Thiên Quang nhận định việc nhân viên lễ tân PK Thiên Hòa cung cấp thông tin cho khách hàng có nhu cầu khám chữa bệnh như nêu tại bài báo “Tái diễn phá thai trái phép ở các PK tư?” là trái quy định của Luật Khám bệnh chữa bệnh (KBCB).

Cụ thể: Khoản 3 Điều 6 “Các hành vi bị cấm” của luật này quy định: “Hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, trừ trường hợp cấp cứu”. Trường hợp nêu trong bài báo nêu không phải là trường hợp cấp cứu; việc nhân viên lễ tân (sau khi đã gọi điện hỏi ý kiến nội bộ) trả lời khách hàng PK đồng ý tiếp nhận nạo phá thai bệnh nhân vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn của PK đã vi phạm điều khoản trên.

Việc người bệnh (hoặc người nhà của người bệnh) không được giải thích đầy đủ về dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp (cần đến cơ sở khám chữa bệnh tuyến cao hơn), không được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh chính xác (bởi đơn giản biểu giá này không phải do PK Thiên Hòa quy định) đã vi phạm Khoản 1 Điều 7 và  khoản 2 Điều 11 Luật KBCB. Cụ thể, Khoản 1 Điều 7, Luật KBCB quy định, người bệnh “Được tư vấn, giải thích về tình trạng sức khỏe, phương pháp điều trị và dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phù hợp với bệnh”. Khoản 2 Điều 11 của luật này cũng quy định, người bệnh “Được cung cấp thông tin về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, giải thích chi tiết về các khoản chi trong hóa đơn thanh toán dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh”.

Cũng theo Cty Luật hợp danh Thiên Quang, Khoản 3 Điều 52 luật KBCB về “Quyền của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” quy định cơ sở khám chữa bệnh “Được thu các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh theo quy định của pháp luật”. Quy định trên đây cho phép hiểu cơ sở khám chữa bệnh chỉ được thu các khoản chi phí khám bệnh, chữa bệnh, không được thu các khoản khác như chi phí môi giới, giới thiệu.

Cty Luật hợp danh Thiên Quang cũng nhận định, việc nhân viên lễ tân PK Thiên Hòa cung cấp thông tin cho khách hàng có nhu cầu khám chữa bệnh như nêu tại bài báo là trái quy định của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Cụ thể, luật này cấm tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác về uy tín, khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp hàng hóa, dịch vụ.

Cty Luật hợp danh Thiên Quang nhận định: Việc “liên kết” để được hưởng “hoa hồng” giữa các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay là khá phổ biến, xâm hại nghiêm trọng đến quyền lợi của người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh. “Đề nghị báo Tiền Phong mở diễn đàn công khai, rộng rãi về đề tài này để tiếp nhận thêm nhiều ý kiến của đông đảo bạn đọc trong và ngoài ngành y tế; qua đó báo cần tập hợp các ý kiến và có văn bản kiến nghị với Bộ Y tế và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam, để chấn chỉnh hiện tượng trên đây, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho người bệnh” – Công văn của Cty Luật hợp danh Thiên Quang nêu.

Luật sư Lại Xuân Cường, Văn phòng Luật sư Quốc Thái

Hành vi gợi ý chuyển, chuyển bệnh nhân đến bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh chuyên môn khác vì mục đích vụ lợi bị xử lý theo qui định tại khoản 3 điều 28 nghị định 176/2013/NĐ_CP. Theo đó phạt tiền từ 5 đến 10 triệu đồng đối với hành vi “Chỉ định sử dụng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh hoặc gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác vì mục đích vụ lợi”.

Luật sư Phạm Sỹ Chung – Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC):

Bài báo chỉ mang tính cảnh báo chứ chưa khẳng định đích danh PK Thiên Hòa vi phạm pháp luật. Do đó, việc lãnh đạo PK yêu cầu Báo Tiền Phong phải đăng bài cải chính hoặc xin lỗi là không có cơ sở.

Luật sư Lê Hồng Quân- Công ty Luật Công Phúc

Bài báo dựa trên thông tin thu thập thực tế tại PK Thiên Hòa. Đồng thời PK này cũng xác nhận không có chức năng thực hiện việc phá thai quá 7 tuần nên bài viết phản ánh đúng sự thật. Bài viết (bao gồm tít bài và hình ảnh) được thực hiện đúng theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của báo chí; quyền và nghĩa vụ của nhà báo; không có dấu hiệu vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động báo chí.

Luật sư Trương Thanh Đức 

Việc quảng cáo để nhận bệnh nhân quá phạm vi chuyên môn được phép rồi chuyển cho cơ sở khác làm tốn tiền bạc và thời gian của bệnh nhân, hạn chế khả năng được lựa chọn các cơ sở khám chữa bệnh khác ngoài cơ sở do PK đó giới thiệu đi. Về mặt quản lý nhà nước về thuế, doanh nghiệp phải nộp thuế với mọi khoản doanh thu, kể cả việc nhận phần trăm hoa hồng của cơ sở y tế khác. Vì thế, có thể thanh kiểm tra về thuế đối với việc nhận hoa hồng này.

Minh Hạnh – Bảo An ghi

SỸ DŨNG (LƯỢC GHI)


Tiền phong (Bạn đọc) 17-6-2019:

https://www.tienphong.vn/ban-doc/phong-kham-thien-hoa-co-dau-hieu-vi-pham-nhieu-luat-1429304.tpo

(110/1.093)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,884