2.682. Tiền tỷ đem gửi tiết kiệm ở ngân hàng, làm sao để an toàn?

(NĐT) – Giới chuyên gia cho rằng, nếu ngân hàng tuân thủ các quy định một cách tuyệt đối thì người gửi tiền tiết kiệm tại ngân hàng không bao giờ phải lo mất tiền.

Tiền gửi bị chiếm đoạt, trách nhiệm ngân hàng ra sao?

Giới chuyên gia nhìn nhận, sự việc của ông Đặng Nghĩa Toàn và bà Tạ Thị Thu Trang (vợ ông Toàn) đứng tên trên 3 sổ tiết kiệm gửi tại ngân hàng, tổng trị giá 52 tỷ đồng nhưng không thể rút ra được không phải là hiếm gặp.

Trao đổi với PV, luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay, nếu như ngân hàng làm đúng, thì người dân khi gửi tiền tiết kiệm vào đây thì không bao giờ mất tiền.

Nói về trách nhiệm của ngân hàng khi tiền gửi của khách hàng bị chiếm đoạt, bị lợi dụng, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh rằng, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách.

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng bị chiếm đoạt, ngân hàng phải có trách nhiệm hoàn trả cho khách.

“Tiền gửi tiết kiệm của người dân đã hoàn tất gửi vào ngân hàng thì tiền thuộc trách nhiệm quản lý của ngân hàng. Mọi quyền lợi của người gửi tiền vẫn được đảm bảo, và ngân hàng sẽ phải trả cả gốc lẫn lãi cho khách hàng theo đúng quy định”, luật sư Đức cho hay.

Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế cũng nêu quan điểm, trong việc đảm bảo an toàn tiền gửi cho khách hàng, các tổ chức tín dụng nhận tiền gửi phải đặt quyền lợi hợp pháp của khách hàng lên trên hết.

Các tổ chức tín dụng phải đảm bảo khả năng thanh khoản, trước hết là tuân thủ đảm bảo các tỷ lệ an toàn theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. “Các tổ chức tín dụng phải tuân thủ đúng theo các quy định của pháp luật và của Ngân hàng Nhà nước về đảm bảo an ninh, an toàn tiền gửi cho khách hàng, theo quy định về tiền gửi tiết kiệm tại Thông tư 48/2018/TT-NHNN và tiền gửi có kỳ hạn quy định tại Thông tư 49/2018/TT-NHNN”, TS. Cấn Văn Lực nói.

Gửi tiết kiệm tại ngân hàng an toàn đến đâu?

Chia sẻ với PV, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính, ngân hàng – nhìn nhận: Để bảo vệ ngân hàng và khách hàng trước những thất thoát và thiệt hại xảy ra, các ngân hàng nên áp dụng chặt chẽ Thông tư 48/2018/TT-NHNN, Thông tư 49/2018/TT-NHNN và xây dựng những quy định nội bộ bảo đảm các giao dịch liên quan đến tiền gửi phải được thực hiện trong khuôn viên của các địa điểm giao dịch chính thức của ngân hàng.

“Các ngân hàng cần có những chương trình đào tạo cán bộ nhân viên ngân hàng về các quy định hiện hành liên quan đến sự an toàn tiền gửi, đặc biệt, cần có sự quan tâm tới các chương trình đào tạo về đạo đức trong kinh doanh”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.

Nói về việc khi người gửi tiền tại ngân hàng bị mất sổ tiết kiệm sẽ có ảnh hưởng như thế nào, vị chuyên gia nhấn mạnh việc trước hết, khách hàng phải báo ngay cho ngân hàng, ngân hàng sẽ thực hiện việc phong toả tài khoản sổ tiết kiệm này.

TS. Nguyễn Trí Hiếu nhìn nhận, đạo đức trong kinh doanh, nhất là ngành ngân hàng cần được chú trọng.

“Nếu có một ai đó cố tình lấy cắp sổ để ra ngân hàng rút tiền, dùng sổ để cầm cố, bảo lãnh cũng không thể được. Bởi muốn rút được tiền còn phải có chứng minh nhân dân và chữ ký khớp với thông tin đã đăng ký khi mở sổ. Ngân hàng phát hành thấy sổ được mang đi tất toán không phải chính chủ thì phải có trách nhiệm thu giữ sổ ngay và báo cho chủ sở hữu của nó biết. Chỉ có chính chủ hoặc người được ủy quyền mới có thể tất toán sổ, dùng sổ cầm cố, bảo lãnh”, vị chuyên gia nói.

Với những kinh nghiệm trong nghề, ông Hiếu cho biết, thực tế, không ít khách hàng khi muốn gửi tiết kiệm đã không trực tiếp đến điểm giao dịch của ngân hàng thực hiện thủ tục theo quy định. Một số khách hàng khác thì cần sự kín đáo khi giao dịch với ngân hàng và ngần ngại khi phải đến phòng giao dịch để thực hiện nộp tiền hay rút tiền.

Những cách thức giao dịch ngoại lệ này đã tạo điều kiện cho tội phạm, đặc biệt trong những trường hợp mà sự giao tiếp giữa khách hàng và các cán bộ cao cấp của ngân hàng ngày càng gắn bó đến mức độ khách hàng đặt hết niềm tin vào cán bộ ngân hàng.

“Trường hợp này rất dễ phát sinh rủi ro cho số tiền trong tài khoản của khách hàng. Nếu gặp phải nhân viên không trung thực, giao sổ tiết kiệm giả mạo hoặc sau đó không đưa tiền về kho quỹ, không nhập lên hệ thống thì số tiền của khách hàng rất dễ bị chiếm đoạt”, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho hay.

Cũng có khách hàng đã làm việc lâu năm với một số nhân viên ngân hàng, trở nên thân thiết nên khi gửi tiền đã chủ quan cho nợ sổ tiết kiệm hoặc các giấy tờ chứng nhận tiền gửi, từ đó có thể xảy ra chiếm đoạt tài sản.

Ông Hiếu cũng nhấn mạnh đến việc khách hàng không nên giao dịch ngoài giờ làm việc ngay cả khi cán bộ ngân hàng sẵn sàng hỗ trợ “ngoài giờ”. Bởi, trong trường hợp cán bộ bị cướp hay bị tai nạn trên đường, mất số tiền đang vận chuyển về phòng giao dịch thì ngân hàng sẽ từ chối ghi sổ số tiền gửi của khách hàng đã giao.

Nguyễn Thu Huyền

———————–

Người đưa tin (Tài chính – Ngân hàng) 25-01-2021:

https://www.nguoiduatin.vn/tien-ty-dem-gui-tiet-kiem-o-ngan-hang-lam-sao-de-an-toan-a503908.html

(163/1.063)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

436. Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài...

Bình luận về Luật siêu dễ - Luật Quản lý tài sản công. Cố vấn: Luật...

Phỏng vấn 

4.415. Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc...

Ngân hàng 'nước rút' xác thực sinh trắc học trước giờ G. (NĐT) -...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 235,905