2.691. Gia hạn nộp thuế, tiền thuê đất: Cần thiết để khoan sức dân

(KTĐT) – Ngay đầu tháng 3/2021, thông tin Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đồng ý đề nghị xây dựng nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất trong năm 2021 như đề xuất của Bộ Tài chính, đã nhận được sự đồng tình và đánh giá tích cực của giới DN cả nước.

Chủ trương đúng, kịp thời

Theo tờ trình, Bộ Tài chính kiến nghị Chính phủ gia hạn cho DN 5 tháng tiền thuế giá trị gia tăng. Ngân sách dự kiến giảm 68.800 tỷ đồng. Thuế thu nhập DN tạm nộp của 2 quý đầu năm cũng được đề nghị gia hạn 3 tháng, áp dụng cho một số DN thuộc diện hỗ trợ. Ước tính số thuế khoảng 40.500 tỷ đồng. Các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong ngành, lĩnh vực nhất định cũng được gia hạn thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập cá nhân phát sinh phải nộp của năm 2021, với số thuế dự kiến là 1.300 tỷ đồng.

 Giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Internet.

Về tiền thuê đất, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn với số tiền phải nộp kỳ đầu năm 2021 với một số đối tượng, số tiền khoảng 4.400 tỷ đồng. Tổng số tiền dự kiến được hoãn, giãn nộp thuế dự kiến là 115.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính cho biết, số thu ngân sách của năm 2021 không bị ảnh hưởng vì người nộp thuế vẫn phải hoàn thành nghĩa vụ thuế vào cuối năm 2021.

Các chuyên gia kinh tế đánh giá, đây là động thái đúng đắn và kịp thời. Việc hoãn, giãn thuế là vô cùng cần thiết trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, DN đang phải thực hiện mục tiêu kép, vừa sản xuất, vừa chống dịch như hiện nay. Việc gia hạn thuế có nghĩa DN tạm thời chưa phải nộp thuế vào ngân sách nhà nước, được sử dụng số tiền thuế gia hạn đó vào các hoạt động kinh doanh, có thêm nguồn lực tài chính.

Giám đốc Công ly Luật ICC Việt Nam Nguyễn Thanh Tùng nhận định, về cơ bản DN được hưởng lợi khoảng 8 – 10%/năm, 4 – 5% cho mỗi kỳ thuế gia hạn 5 tháng, do không phải đi vay ngân hàng nên không phải trả lãi suất.

“Chính sách này rất hiệu quả bởi độ bao phủ rộng, và đặc biệt thiết thực đối với nhóm DN vừa và nhỏ, siêu nhỏ, DN trong lĩnh vực thương mại. Bởi vốn dĩ, những đối tượng DN trên không dễ dàng tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng, nên việc gia hạn thuế như khoản vay tín chấp rất thiết thực”- luật sư Nguyễn Thanh Tùng nói.

Ban hành sớm để chính sách hiệu quả

Ở khía cạnh DN, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch thương mại Nam Đăng Lê Xuân Vinh (phường Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) cho biết, qua tìm hiểu tại tờ trình của Bộ Tài chính thì thủ tục để được gia hạn lần này khá đơn giản. Về cơ bản các đối tượng được gia hạn nộp thuế năm 2020 có thể tiếp tục là đối tượng gia hạn của năm 2021. Cho nên ông Lê Xuân Vinh kiến nghị ngành thuế có thể xây dựng phương án kế thừa những thủ tục hành chính về gia hạn thuế năm 2020, chuyển tiếp cho 2021 đối với DN, hộ cá nhân không có thay đổi đối tượng được gia hạn. Điều này sẽ giúp giảm bớt thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN.

Là đơn vị kinh doanh trong lĩnh vực khách sạn tại khu vực phố cổ Hà Nội, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch thương mại Nam Đăng phản ánh, các DN trong ngành chủ yếu được hỗ trợ kéo dài thời hạn nộp thuế, còn tiền thuê đất rất ít DN được gia hạn vì vướng quy định.

Bởi điều kiện để DN được gia hạn nộp tiền sử dụng đất là phải ngưng hoạt động ít nhất 15 ngày. Trong khi đó, nhiều nhà hàng, khách sạn dù không có khách, doanh thu sụt giảm vẫn không thể thông báo đóng cửa, ngưng hoạt động. Do vậy, ông Lê Xuân Vinh đề xuất xem xét điều chỉnh các quy định theo hướng mềm dẻo, thiết thực với DN hơn.

Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức phân tích thêm, từ đầu năm đến nay, tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và chưa thấy điểm dừng. Do vậy việc ban hành ngay nghị định là rất cần thiết, không để chậm trễ quá lâu làm giảm hiệu quả của chính sách.

“Việc Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính khẩn trương xây dựng dự thảo nghị định theo trình tự, thủ tục rút gọn, trước ngày 20/3 đã cho thấy sự quan tâm của Chính phủ với người dân và cộng đồng DN. Ở thời điểm hiện nay, nhiều DN đã bắt đầu “ngấm đòn” từ đợt dịch bùng phát tháng 1/2021. Do vậy tiến độ ban hành quy định cần càng sớm càng tốt” – ông Trương Thanh Đức nói và cho biết thêm, Bộ tài chính cần nghiên cứu giảm các điều kiện thụ hưởng để có thêm nhiều DN hưởng lợi từ chính sách này.

Trong năm 2020, ngành Thuế đã tiếp nhận gần 185.000 giấy đề nghị gia hạn tiền nộp thuế của các tổ chức, cá nhân, qua đó thực hiện gia hạn nộp trên 87,3 nghìn tỷ đồng tiền thuế các loại và tiền thuê đất. Ngoài ra, còn có 14 DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước được gia hạn nộp trên 20.000 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt…

“Xét trên góc độ vĩ mô, khi được gia hạn thuế thì DN và người dân không chỉ có nguồn lực tài chính, hạn chế khó khăn, mà còn tác động cho việc thúc đẩy đầu tư tư nhân, kích thích tiêu dùng từ đó thúc đẩy sản xuất, tạo đà cho DN và nền kinh tế tăng trưởng.” – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Kế toán và Tư vấn thuế Trọng Tín Nguyễn Văn Được

NGUYÊN HẠNH

———————–

Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 11-3-2021:

http://kinhtedothi.vn/gia-han-nop-thue-tien-thue-dat-can-thiet-de-khoan-suc-dan-412482.html

(167/1.096)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.969. Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ...

Không gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN, nợ xấu gia tăng nhưng tốt...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,382