2.692. Cao tốc Bắc-Nam: Cửa nào cho nhà đầu tư nội?

(ĐV) – Dù cơ hội tham gia vào dự án Cao tốc Bắc Nam là rất ít song vẫn còn nhiều phương án cho doanh nghiệp nội.

Nhà đầu tư “tay không bắt giặc” nước nào cũng có

Ngày 10/7, Bộ GTVT sẽ chốt hồ sơ nhà đầu tư tham gia đấu thầu, sau đó chấm hồ sơ theo các tiêu chí đưa ra. Hiện các ban quản lý dự án đã phát hành được hơn 120 bộ hồ sơ sơ tuyển nhà đầu tư tại 8 dự án cao tốc Bắc – Nam, trong đó có 26 nhà đầu tư trong nước và 14 nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Pháp, Anh, Trung Quốc…

Có 26 nhà đầu tư nội tham gia mua hồ sơ dự thầu dự án cao tốc Bắc-Nam. Ảnh: ANTT

Đây là dự án lớn, rất nhiều doanh nghiệp trong nước mong muốn được tham gia, tuy nhiên, về phía các doanh nghiệp trong nước và cả các chuyên gia đều nhận định, có quá ít cơ hội cho các nhà đầu tư nội.

LS Trương Thanh Đức nhấn mạnh, tiêu chí quan trọng hàng đầu đối với một dự án siêu quốc gia như dự án cao tốc Bắc – Nam là phải bảo đảm được yêu cầu về chi phí và chất lượng.

Nhà đầu tư được lựa chọn phải là nhà đầu tư phù hợp nhất, có năng lực tốt nhất, chi phí tiết kiệm nhất nhưng phải tránh được tình trạng đội vốn, kéo dài thời gian, rẻ hóa đắt như từng xảy ra tại nhiều dự án trọng điểm quốc gia. Như vậy, doanh nghiệp nước ngoài hay doanh nghiệp trong nước muốn tham gia cũng đều phải đáp ứng được các điều kiện, tiêu chuẩn như vậy.

Những tiêu chí còn lại chỉ nhằm bổ sung thêm, giúp hoàn thiện hồ sơ làm căn cứ chọn lọc các nhà đầu tư có ưu thế trội hơn. Yêu cầu về năng lực tài chính hay đòi hỏi kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp cũng là hướng tới mục tiêu nói trên.

Vì đây là dự án quá lớn, quá mới, không thể vì mong mỏi muốn được tham gia của các doanh nghiệp trong nước mà ưu ái, ưu tiên, hạ tiêu chuẩn hoặc thực hiện theo tiêu chí riêng được. Như vậy rất khó có thể loại trừ được các nhà đầu tư yếu kém ngay từ vòng sơ tuyển.

Tuy nhiên, cần lưu ý, nhà đầu tư tay không bắt giặc không chỉ xảy ra với doanh nghiệp trong nước mà ngay cả với doanh nghiệp nước ngoài cũng có.

“Doanh nghiệp trong nước tay không bắt giặc còn có cơ chế để kiểm soát nhưng với doanh nghiệp nước ngoài thì gần như không thể kiểm soát được.

Hơn nữa, đánh giá năng lực tài chính của nhà thầu chỉ là một tiêu chí đánh giá nhằm hoàn thiện, hợp thức hóa hồ sơ dự thầu song rất khó thẩm định, đánh giá năng lực thật của nhà đầu tư nước ngoài một cách rõ ràng, minh bạch, tránh để chọn nhầm, chọn sai nhà đầu tư không xứng đáng”, ông Đức lưu ý.

Theo ông Đức, để hạn chế được tình trạng chọn nhầm, chọn sai nhà đầu tư không đủ năng lực thì vấn đề quan trọng là mọi quá trình thực hiện đều phải bảo đảm tính công khai, minh bạch, sòng phẳng, khách quan. Ngay từ khâu xây dựng chủ trương thực hiện dự án cho tới khâu thiết kế các gói thầu cũng phải bảo đảm khách quan, công bằng, không để tiêu cực, tham nhũng lái chủ trương, cũng không vì hướng tới lợi ích của một nhóm nào, của một nhà đầu tư nào mà nâng tiêu chí, đặt các điều kiện khó khăn nhằm loại bớt các doanh nghiệp đối thủ.

Cửa hẹp cho doanh nghiệp nội

Nhìn vào mặt bằng phát triển chung, LS Trương Thanh Đức chia sẻ rất tự tin với năng lực của doanh nghiệp trong nước nếu được giao thực hiện dự án này.

Tuy nhiên, như đã nói, đây là dự án rất lớn lại tổ chức đấu thầu quốc tế vì vậy doanh nghiệp trong nước cũng phải tuân thủ các quy định chung.

Mặc dù vậy, ông cho rằng vẫn có nhiều phương án để cho doanh nghiệp trong nước có thể tham gia được.

Muốn làm được như vậy, trước hết bản thân các nhà đầu tư nội cũng phải trải qua một quá trình tham gia vào các dự án xây dựng nhất định, phải chấp nhận đầu tư, thậm chí chịu thua lỗ để lấy kinh nghiệm. Hiện nay cái khó nhất của các doanh nghiệp nội là vấn đề về vốn và kinh nghiệm, như vậy, tự các nhà đầu tư phải tìm cách liên danh, hợp tác với nhau hoặc với nhà đầu tư nước ngoài để tạo nguồn vốn lớn.

Về kinh nghiệm, cơ bản vẫn phải là cơ chế từ phía nhà nước. Nếu thật sự muốn các nhà đầu tư nội tham gia được thì ngay từ đầu có thể xé nhỏ dự án phù hợp với năng lực, tiêu chí của các nhà đầu tư trong nước. Việc này phải được tính tới ngay từ đầu, trước thời điểm bán hồ sơ dự thầu.

Tiếp theo, cần tạo cơ chế cho các doanh nghiệp trong nước tham gia làm nhà thầu phụ để lấy kinh nghiệm, nâng cao năng lực.

Hoặc, có thể đặt ra các tiêu chí theo kiểu loại trừ, tức là đáp ứng được điều này thì có thể không cần điều kiện khác. Ví dụ, nếu có kinh nghiệm thì có thể không cần vốn mà được ngân hàng bảo lãnh…

“Nếu chỉ xét về năng lực, tôi tin có nhiều doanh nghiệp trong nước có thể thực hiện tốt dự án. Chúng ta đã có nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực, trình độ, kinh nghiệm ngang tầm quốc tế, chấp nhận thua lỗ để giữ chữ tín chứ không chạy theo lợi nhuận, với những doanh nghiệp như vậy thì hoàn toàn có thể tham gia được vào dự án này.

Quan trọng hơn, nếu doanh nghiệp trong nước có thể tham gia vào dự án này sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước tự tin hơn, từng bước làm chủ công nghệ, kỹ thuật, tránh bị phụ thuộc vào nhà đầu tư nước ngoài”, ông Đức nói.

Lam Nguyễn


Đất Việt (Doanh nghiệp) 09-7-2019:

http://baodatviet.vn/kinh-te/doanh-nghiep/cao-toc-bac-nam-cua-nao-cho-nha-dau-tu-noi-3383440/

(1.115/1.115)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,088