(KTĐT) – Nếu kéo dài tình trạng chênh lệch giá vàng cao thì sẽ gây ra nhiều hệ luỵ. Theo các chuyên gia, với thị trường vàng không theo diễn biến cung cầu, chênh lệch quá cao so với thế giới chắc chắn có thể làm giá được.
Giá vàng trong nước và quốc tế trên thị trường hiện tại có sự chênh lệch khá cao. Ảnh: Phạm Hùng | |
Nhà đầu tư rủi ro Theo chuyên gia Phan Dũng Khánh, thị trường vàng trong nước đang diễn biến giật cục và các DN vàng đang đẩy hết rủi ro về phía NĐT. “Chỉ khi nào nguồn cung vàng trong nước thoát khỏi sự khan hiếm thì khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế mới được rút ngắn, đồng thời nút thắt về ngành vàng nữ trang mới được tháo gỡ. Bên cạnh đó, người dân mua vàng cũng giảm được rủi ro lớn khi giá vàng trong nước luôn trong tình trạng đắt hơn giá vàng thế giới” – ông Khánh nhấn mạnh. Theo TS Nguyễn Trí Hiếu, thị trường vàng hiện nay không chỉ cao hơn rất nhiều so với thế giới 7 – 8 triệu đồng mà khoảng cách chênh lệch giữa mua và bán cũng lớn. Có thời điểm lên tới hơn 2 triệu đồng/lượng, điều này gây rủi ro thua lỗ cho các NĐT. Bởi, khi họ vừa mua xong đã lỗ chênh lệch mua bán, nếu giá trong nước quá cao đến lúc về bằng giá thế giới thì người mua sẽ lỗ nặng. Giả sử, DN vàng niêm yết giá mua vào 53 triệu đồng/lượng, giá bán ra 55 triệu đồng/lượng (chênh lệch mua vào bán ra là 2 triệu đồng). Nếu NĐT mua vàng ở mức giá 53 triệu đồng/lượng, thì phải đợi giá vàng lên trên 55 triệu đồng/lượng mới có thể hòa vốn. Với mức chênh lệch này, chỉ những người mua ở thời điểm giá vàng xuống mức 51 – 52 triệu đồng/lượng thì bán ra mới có lời. Còn lại thì vẫn đang lỗ khoảng 2 triệu đồng/lượng nếu bán ra ở thời điểm này. Ngược lại “nhà vàng” bỏ túi hơn 2 triệu đồng nhờ chênh lệch giá mua bán trong khi người dân thì chịu cảnh “mua cao bán thấp”. Trong trường hợp giá vàng thế giới “rung lắc”, DN vàng sẽ nhanh chóng hạ sâu giá mua vào, khi đó NĐT sẽ lỗ nặng. “Khi NĐT quyết định mua vàng sẽ phải mua với giá cao, nhưng khi bán lại cho các đơn vị này lại phải giao dịch với giá thấp” – TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết, giá vàng mua vào và bán ra chỉ chênh lệch nhau vào khoảng dưới 300.000 đồng/lượng là hợp lý. Các chuyên gia ước tính rằng với mức chênh như hiện nay, “nhà vàng” có thể lời hàng triệu đồng mỗi lượng. Với tình trạng buôn lậu vàng, theo Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam Đinh Nho Bảng, giá trong nước cao khiến giá thành sản xuất vàng trang sức tăng cao. DN khó tính toán hiệu quả kinh doanh vì giá vàng mua qua kênh không chính thống thường cao hơn nhiều so với giá trên thị trường quốc tế. Việc mua vàng trôi nổi trong nước cũng khó quản lý chất lượng, tăng thêm rủi ro vàng thật – vàng giả trên thị trường. Từ đây, cơ quan quản lý sẽ gặp khó trong quản lý thị trường vàng. Đáng nói là, giá đầu vào tăng cao thì một phần lớn chi phí được đổ cho người mua. “Trong làm ăn, đời nào người sản xuất kinh doanh chịu lỗ, nên chi phí này phần lớn người tiêu dùng phải gánh, khiến họ phải mua một món hàng giá cao hơn” – ông Bảng nói. Không liên thông, giá vàng sẽ còn bị thao túng Các chuyên gia cho rằng, thị trường vàng có hiện tượng làm giá, tạo chênh lệch cung – cầu ảo. Thực tế, thị trường vàng trong nước và thế giới về bản chất là không liên thông với nhau, luôn có độ trễ nhất định. Một số DN kinh doanh vàng trong nước có quyền đẩy giá lên để dự phòng rủi ro. Khi có một biến động bất thường trên thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới thường được kéo ra rất xa nhằm bảo đảm an toàn của các DN kinh doanh vàng. Do vậy, không ngạc nhiên khi có lúc giá vàng trong nước chênh lệch 2 triệu đồng/lượng so với giá vàng thế giới. “Ở đây có thể nhận thấy là đang có dấu hiệu làm giá của những người bán vàng với mục đích vừa phòng ngừa rủi ro biến động giá của thị trường, nhưng cũng vừa nhằm tối ưu lợi nhuận khi kéo chênh lệch giá mua bán lên tới cả triệu đồng mỗi lượng” – ông Phan Dũng Khánh bình luận. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, giá vàng trong nước không theo quy luật cung cầu, hiện nay không có quy định nào liên quan tới chênh lệch giá vàng trong nước và giá vàng thế giới hay chênh lệch giá mua – bán vàng. Thị trường vàng trong nước và thế giới về bản chất là không liên thông với nhau, luôn có độ trễ nhất định. Theo tìm hiểu, thị trường vàng Việt Nam nằm trong tay những “tay to”, tức là các nhà buôn vàng lớn. Hệ thống buôn sỉ vàng trên thị trường rất chằng chịt, liên kết chặt chẽ với nhau. Chính hệ thống này quyết định giá vàng trên thị trường. “Một khi giá đã phát đi, lập tức theo chân rết, giá đến các tầng trên rồi lan dần xuống các tầng dưới, đều đặn và không có chuyện phá rào”- ông Trương Thanh Đức nói. Ông Đức khuyến cáo NĐT không nên đu theo “sóng” vàng, không bị cuốn theo thị trường khi giá biến động mạnh để tránh thiệt hại. Bên cạnh yếu tố lợi nhuận từ giá, theo các chuyên gia nguyên nhân một phần do chính sách còn bất cập và việc quản lý còn lỏng lẻo khiến vàng trang sức, vàng nguyên liệu trở thành nơi “trú ẩn” của vàng lậu. Mặc dù, NHNN có cả Nghị định 24/NĐ-CP về quản lý thị trường vàng, Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư 22 về đo lường quản lý chất lượng vàng trang sức, mỹ nghệ buộc DN phải tuân thủ quy định đóng mã ký hiệu, hàm lượng, tuổi vàng, độ tinh khiết khi lưu thông… nhưng thực tế chỉ có các DN lớn làm việc này trong khi hầu hết các DN nhỏ đều không thực hiện. “Khi NHNN tăng cường quản lý chặt chẽ, yêu cầu vàng trang sức phải đủ tiêu chuẩn, đúng chất lượng, hàm lượng; thị trường không còn vàng trôi nổi, vàng kém chất lượng, người dân tin tưởng thì chắc chắn dân buôn vàng lậu cũng không còn cửa để làm ăn”- PGS.TS Ngô Trí Long cho biết. (Còn nữa)
|
THẢO NGUYÊN
———————–
Kinh tế & Đô thị (Kinh tế) 25-3-2021:
(179/1.353)