(GĐ) – Theo chuyên gia kinh tế, ở một chừng mực nhất định cần để cho người dân gánh chịu những rủi ro thì họ mới rút ra được bài học và phải tính đến việc phá sản cá nhân để các khoản nợ được giải quyết.
Phát biểu tại Tọa đàm thường niên lần thứ 5 về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển” khi đánh giá về tài chính tiêu dùng có góp phần đẩy lùi tín dụng đen hay không, Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng thị trường này có thể có liên quan nhưng không phải là công cụ để đẩy lùi tín dụng đen.
Tọa đàm thường niên lần thứ 5 về lĩnh vực tài chính tiêu dùng với chủ đề “Tài chính tiêu dùng – Sức sống mới sau hơn 10 năm phát triển”.
“Tín dụng đen cho vay ở hoàn cảnh và mục tiêu rất khác biệt như vay mượn để đánh cờ bạc…. còn việc lạm dụng mô hình này để cho vay tín dụng đen cũng sẽ khác”, ông Hiếu nói.
Về ý nghĩa và lợi ích của tài chính tiêu dùng, trên thực tế người dân đã có nhu cầu từ rất lâu nhưng không có cơ hội tiếp cận. Hiện nay, nhiều quốc gia thống kê số liệu thị trường này hàng ngày, hàng tuần để điều hành nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất.
“So với tài chính thông thường, việc cho vay này có rất nhiều thuận lợi cả về mặt thủ tục, tâm lý và đặc biệt là bảo đảm về tài sản khi cho vay. Do đó, tất cả các tiêu chí để phân biệt tài chính tiêu dùng với tín dụng chỉ là tương đối”, ông Phan Đức Hiếu nêu quan điểm.
Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng chỉ cần để thị trường này phát triển tự nhiên theo nhu cầu thị trường là thành công.
Chuyên gia kinh tế Phan Đức Hiếu – Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM).
Ông cho rằng bất kể hoạt động kinh doanh nào cũng có rủi ro, nhà nước không thể ngăn chặn tuyệt đối rủi ro này vì phải chấp nhận một mức độ rủi ro nhất định. Bên cạnh rủi ro của cá nhân thì còn có rủi ro của tổ chức tín dụng.
Từ những phân tích các rủi ro trên, ông Phan Đức Hiếu đưa ra 2 kiến nghị đối với lĩnh vực này gồm bảo vệ người tiêu dùng và bảo vệ tổ chức cho vay tín dụng.
Thứ nhất, đối với việc bảo vệ người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức người dân là rất quan trọng. Tuy nhiên, ở một chừng mực nào đó cũng phải để cho người dân gánh chịu những rủi ro nhất định thì họ mới rút ra được bài học cho mình. “Ngoài ra, cũng cần phải tính đến việc phá sản cá nhân để các khoản nợ được giải quyết”, ông Hiếu nói.
Thứ hai, để bảo vệ tổ chức cho vay, vấn đề tranh chấp kéo dài 2-3 năm, nhiều năm hoặc không có cơ hội giải quyết vấn đề nhanh gọn sẽ là rào cản lớn nhất để phát triển thị trường này.
“Nếu người vay không trả được nợ thì cũng cần phải có hệ thống riêng để giải quyết tranh chấp đấy một cách văn minh, nhanh gọn, công bằng để giảm thiểu rủi ro cho cả hai bên”, ông Phan Đức Hiếu đề xuất.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Trong khi đó, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI thì cho rằng trong 10 năm qua, tài chính tiêu dùng phát triển rất mạnh, nhưng hành lang pháp lý thì không thay đổi nhiều, nên đã trở thành một trong những nguyên nhân cản trở hoạt động này.
Đối với hoạt động tín dụng đen hiện nay, Luật sư Trương Thanh Đức nhận định 90% các hoạt động cho vay bên ngoài là bất hợp pháp, trá hình tài chính tiêu dùng và là nguy cơ trở thành tín dụng đen.
“Theo định nghĩa của cá nhân tôi, tín dụng đen có 3 dấu hiệu chính là cho vay bất hợp pháp, lãi suất bất hợp pháp và thu hồi nợ bất hợp pháp. Ít nhất 2/3 điều kiện đó mới là tín dụng đen và tài chính tiêu dùng không có các yếu tố đấy và không thể quy kết là tín dụng đen được”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
H.Nam
———————–
Gia đình (Tiêu dùng) 25-3-2021:
(174/825)