(TN) – Cần phải làm rõ vấn đề khi tổ chức đấu thầu quốc tế các dự án cao tốc Bắc – Nam, là nhằm mục tiêu thu hút vốn, nguồn lực, không kể là doanh nghiệp trong nước hay nước ngoài.
Cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, một phần trong cao tốc Bắc – Nam
Ảnh: Độc Lập
Theo một chuyên gia giao thông, với mức độ dày đặc các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia sơ tuyển 8 dự án cao tốc Bắc – Nam, tỷ lệ các doanh nghiệp hoặc liên danh nhà đầu tư có yếu tố Trung Quốc trúng thầu khi đấu thầu quốc tế là khá lớn.
Tuy nhiên, cần phải làm rõ vấn đề khi tổ chức đấu thầu quốc tế các dự án cao tốc Bắc – Nam, là nhằm mục tiêu thu hút vốn, nguồn lực, không kể là doanh nghiệp (DN) trong nước hay nước ngoài. Việc không hạ tiêu chí để mở rộng cửa hơn cho DN trong nước cũng nhằm tránh tình trạng chọn phải nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, yếu kém năng lực như đã từng xảy ra tại một số dự án mở rộng QL1 trước đây.
Với quy mô vốn đầu tư 4 – 5 tỉ USD, trong đó phần vốn góp (cả vốn tự có và vốn huy động) của nhà đầu tư lên tới 2 – 3 tỉ USD, việc các nhà đầu tư nước ngoài trúng thầu sẽ thu hút được một lượng lớn nguồn vốn bên ngoài vào phát triển hạ tầng. Khi đó, DN trong nước tham gia thầu sẽ đóng vai trò nhà thầu, có thêm việc làm trong bối cảnh dự án ngành giao thông ít ỏi hiện nay. Đại diện Công ty CP xây dựng và đầu tư Phương Thành thừa nhận, nếu trúng thầu, DN trong nước như Phương Thành sẽ là nhà thầu xây dựng, lợi nhuận sẽ chia theo tỷ lệ vốn góp, nhưng quan trọng hơn là việc làm được giải quyết.
Song ở khía cạnh khác, việc huy động vốn bằng mọi giá không phải là lựa chọn tốt nếu nhìn vào bài học nhãn tiền từ các dự án sử dụng vốn vay chậm tiến độ hiện nay. Theo luật sư Trương Thanh Đức, có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc DN nội thường “thất thế” trước DN ngoại khi tham gia đấu thầu tại các dự án giao thông trọng điểm. So với DN trong nước, các DN nước ngoài có nhiều kinh nghiệm, công nghệ tiên tiến hơn, đủ tiềm lực tài chính để ứng vốn làm trước; trong khi DN nội phải tự xoay xở vay vốn trong bối cảnh điều kiện cho vay, lãi suất ngân hàng ngày càng siết chặt. Chưa kể quá trình thực hiện, nhiều rủi ro về giải phóng mặt bằng, nhà nước chậm giải ngân…
Theo ông Đức, việc tận dụng nguồn vốn FDI đầu tư cho hạ tầng giao thông là điều hoàn toàn hợp lý, nhưng nếu không có sự cân nhắc, chọn lọc kỹ lưỡng, rất dễ dẫn đến tình trạng DN trong nước không có công ăn việc làm, trong khi các dự án lần lượt rơi vào tay nhiều nhà đầu tư không đủ năng lực, chậm tiến độ, đội vốn, gây bức xúc trong xã hội. Điển hình là các dự án có sự tham gia của phía nhà thầu Trung Quốc như tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông cùng nhiều dự án giao thông, thủy điện khác. “Dù nguyên tắc thị trường là đấu thầu công khai, minh bạch, bình đẳng, không có sự phân biệt đối xử với bất cứ nhà thầu nào nhưng với quá nhiều bài học từ các công trình có sự tham gia của nhà thầu Trung Quốc có nhiều bất cập, tiêu cực, cần hết sức cẩn trọng trước khi quyết định “bắt tay” với các nhà đầu tư đến từ quốc gia này”, ông Đức cảnh báo.
Vị luật sư này nhận định về luật, không thể thay đổi, phân biệt nhưng hoàn toàn có thể dùng “đề bài” cùng “phương pháp chấm thi” để hạn chế các nhà đầu tư kém năng lực. Cụ thể, về các gói thầu, quy định thiết kế, tiêu chuẩn phải đặt ra các tiêu chí cụ thể về năng lực, tiến độ, không đặt nặng vấn đề giá vì nhà đầu tư có thể đưa giá thầu thấp nhưng khi thực hiện tiến độ chậm, chất lượng kém còn gây đội vốn lên gấp nhiều lần. Khi chấm thầu, ngoài chuyên môn lý luận, xét duyệt hồ sơ dự thầu, ban chấm thầu cần có cả kinh nghiệm thực tiễn, phân tích bằng cảm quan để phát hiện ra các điểm yếu của từng nhà đầu tư. Đối với các DN dính quá nhiều “vết” như Trung Quốc, cần xem xét thực chất, tìm ra tận cùng vấn đề, không chỉ máy móc dựa trên các con số, hồ sơ họ “vẽ” ra mà cần có quan điểm, đánh giá khắt khe hơn nhiều.
“Cần minh bạch, công khai tất cả các khâu để ngăn chặn tình trạng nhà đầu tư yếu kém “bắt tay”, “đi đêm” với các cán bộ quản lý để giành dự án, khiến các nhà đầu tư tốt, có năng lực, làm ăn nghiêm chỉnh nhưng cũng bị loại. Cuối cùng, thiệt hại là người dân, nhà nước cùng cả nền kinh tế gánh chịu. Bên cạnh đó, có thể xem xét chia nhỏ các gói thầu cùng cơ chế, chính sách khuyến khích để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư trong nước có thể tham gia, thắng thầu”, luật sư Đức nói.
Hà Mai
———
Thanh niên
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/dung-de-bai-de-loai-nha-dau-tu-kem-nang-luc-1104193.html
(629/992)