(TT) – PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế cho biết: Tín dụng tiêu dùng phát triển sẽ kích thích hệ thống bán lẻ trong nền kinh tế phát triển; đồng thời, kích thích các ngành công nghiệp chế biến chế tạo.
Chủ trương kích cầu thị trường nội địa thông qua thúc đẩy tiêu dùng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Chính phủ trong bối cảnh COVID-19.
Theo TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng của BIDV, trong 10 năm qua, tín dụng tiêu dùng (TDTD) tại Việt Nam tăng trưởng mạnh. Dư nợ TDTD cuối năm 2020 đạt khoảng 1,8 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 20% tổng dư nợ nền kinh tế, gấp 2,5 lần so với năm 2012 (khoảng 8%).
Đặc biệt, trong điều kiện của dịch bệnh COVID-19, nhiều doanh nghiệp đang tái cấu trúc quá trình sản xuất kinh doanh và hướng mạnh vào việc đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng nội địa. Việc cho vay tiêu dùng, cho vay tín chấp dành cho nhóm khách hàng dưới chuẩn được các công ty tài chính tiêu dùng nhắm tới. Số liệu thống kê mới đây của hệ thống ngân hàng cho thấy, hiện có khoảng 47% người Việt tham gia vay tiền nhưng chỉ có 18,5% là vay từ những TCTD và các tổ chức tài chính chính thức, còn lại là vay từ người thân, bạn bè hoặc tín dụng “đen”.
Tuy nhiên TS Cấn Văn Lực cho rằng: Thị trường TDTD còn có một số bất cập như: Quy mô nhỏ, thị trường phát triển còn tập trung chủ yếu vào một số công ty lớn; kiến thức về tài chính – tín dụng của người dân hạn chế; thiếu thông tin minh bạch, dữ liệu chuẩn về khách hàng; bản thân các công ty tài chính còn khó khăn về huy động vốn (do thị trường vốn còn chưa phát triển), thông tin đôi khi còn thiếu minh bạch, năng lực nhân viên và trình độ công nghệ không đồng đều, bộ máy cồng kềnh dẫn đến chi phí hoạt động cao.
Theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), mặc dù ngành ngân hàng luôn có nhiều giải pháp để đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp nhưng quá trình cấp tín dụng vẫn gặp khó khăn.
“Các nhu cầu vay vốn tiêu dùng cấp bách thường khó chứng minh mục đích sử dụng vốn và khả năng trả nợ; hoạt động cấp tín dụng nói chung, trong đó có cho vay đối với các nhu cầu tiêu dùng vẫn phải đảm bảo chất lượng nợ, an toàn vốn. Ngân hàng Chính sách xã hội chưa bổ sung nguồn vốn kịp thời để cho vay các chương trình tín dụng chính sách phục vụ tiêu dùng của người nghèo, các đối tượng chính sách, đặc biệt là cho vay giải quyết việc làm, cho vay học sinh, sinh viên… trong khi nhu cầu của người dân rất lớn”, bà Phạm Thị Thanh Tùng cho biết.
Vì vậy, theo NHNN, một số khách hàng tìm đến các kênh tín dụng phi chính thức do thói quen tiêu dùng, mục đích vay vốn không hợp pháp hoặc không đủ điều kiện vay vốn tại các nguồn cung cấp tín dụng chính thức nên phát sinh nhiều vụ việc tranh chấp, ảnh hưởng đến danh tiếng của các công ty tiêu dùng do nhầm tưởng các đối tượng vay vốn là công ty tài chính tiêu dùng.
Để thúc đẩy TDTD, ông Đinh Trọng Thịnh cho rằng: Tiềm năng phát triển của tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Với dân số gần 100 triệu người, nền kinh tế tăng trưởng cao và ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng nhanh, sức tiêu thụ hàng hóa ngày càng tăng cùng xu thế phát triển của nền kinh tế, Việt Nam đang được đánh giá có triển vọng hàng đầu trong khu vực để phát triển tài chính tiêu dùng.
“Nếu như các ngân hàng thương mại chủ yếu tập trung vào nhóm khách hàng đạt chuẩn cấp tín dụng, có thu nhập thường niên từ khá trở lên, có điểm tín dụng cao, có lịch sử tín dụng tốt và cung cấp các khoản vay tiêu dùng có tài sản đảm bảo, gói vay lớn thì các công ty tài chính lại chọn phân khúc mà ngân hàng không thể đáp ứng. Với nhóm đối tượng dưới chuẩn, là người có thu nhập trung bình hoặc thấp, không chứng minh được thu nhập, chưa có lịch sử tín dụng hoặc điểm tín dụng thấp, khó tiếp cận được với nguồn vốn của các ngân hàng”, ông Đinh Trọng Thịnh cho biết.
Theo TS Cấn Văn lực, NHNN cần tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý trong việc quản lý, giám sát các công ty tài chính; tạo điều kiện cho các công ty tài chính quy mô vừa và nhỏ phát triển nhằm tăng tính cạnh tranh thông qua việc thu hút vốn từ nhà đầu tư nước ngoài, tiếp nhận vốn ưu đãi quốc tế; sớm hoàn thiện cơ sở dữ liệu dân cư Quốc gia. Phía công ty tài chính cần rà soát, điều chỉnh chiến lược kinh doanh; phát triển mô hình kinh doanh mới phù hợp với xu hướng thị trường trong và sau dịch bệnh. Đồng thời, chú trọng phát triển các nền tảng công nghệ phục vụ cho vay tiêu dùng, giảm chi phí, tăng năng suất lao động, phối hợp phát triển các mô hình kinh doanh mới (Fintech, cho vay ngang hàng, Mobile Money…).
Thời gian tới, theo bà Phạm Thị Thanh Tùng, NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD tập trung nguồn vốn, đáp ứng kịp thời, đầy đủ nhu cầu vay vốn hợp pháp của người dân; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, phát triển các dịch vụ cho vay, thanh toán trực tuyến, gắn với cải cách thủ tục hành chính để tạo điều kiện người dân; tiếp tục tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống của các TCTD, đặc biệt các công ty tài chính, bảo đảm tuân thủ đúng pháp luật.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, hoạt động cho vay tiêu dùng nói chung, cho vay tiêu dùng của các TCTD nói riêng phát triển khá mạnh trong 10 năm qua nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Đặc biệt, tình trạng tín dụng đen (cho vay bất hợp pháp, lãi suất bất hợp pháp và thu hồi nợ bất hợp pháp) không những không suy giảm, mà còn gia tăng một cách trầm trọng, lãi suất thực tế lên đến hàng trăm % mỗi năm.
Bài và ảnh: Minh Phương/Báo Tin tức
———————–
Tin tức (Thị trường Tài chính) 25-3-2021:
(95/1.203)