(PNSK) – Những mẩu rao vặt “cần cho con” đều có chung một điệp khúc “Hoàn cảnh của em khó khăn nên không nuôi được con…”. Sự thực có phải vậy?
Mẹ mong ai đó xin thật lòng để con có sự sống” (?!)
“Em năm nay 28 tuổi, từng đổ vỡ trong hôn nhân, là mẹ của một bé gái, giờ bé 8 tuổi.
Sau khi ly hôn, e đã ở vậy suốt 6 năm, rồi có quen một người đàn ông, anh ta kể về hoàn cảnh và cuộc đời.
Thời gian quen nhau chừng hơn một năm, anh ta ngỏ ý muốn tiến đến. Phụ nữ nhẹ dạ, em cũng khao khát một mái ấm, rất nhiều lần e nói chuyện kết hôn, nhưng a ta kể về gia đình…
Em chấp nhận không danh phận… rồi chuyện gì đến cũng đến, em mang thai với anh ta. Ban đầu anh ta cũng chăm sóc, quan tâm lo lắng, nên em cũng yên tâm, đi làm xa nhưng cũng hay về với em. Giờ thai được 33 tuần thì tự dưng bặt vô âm tín, em nhắn tin gọi điện anh ta không nghe, rồi khóa máy. Em chới với, hoang mang và mất phương hướng, cả bầu trời trước mắt như một màu đen vậy, em đau khổ tột cùng.
Giờ bỏ thai thì không đành vì quá to, em lại không thể sinh ra hai đứa con mỗi đứa mang một họ mà trong khi cả hai người bố nhẫn tâm bỏ. Hoàn cảnh em lại khó khăn vì cũng đang phải nuôi con một mình.
Em viết lên đây mong gia đình anh chị nào hiếm muộn, không thể sinh con nhận nuôi bé. Em không có đòi hỏi gì, chỉ mong gia đình anh chị thật tâm, tình người đầy ắp, cao cả nuôi con khôn lớn trưởng thành trong một gia đình có cả bố lẫn mẹ. Em xin chân thành cảm ơn”.
Mẹ trẻ lên mạng cho con vì hoàn cảnh khó khăn. Ảnh chụp màn hình.
Trên mạng, không khó để bắt gặp những lời tâm sự của bà mẹ mang thai ngoài ý muốn khiến người đọc cảm thương đến rớt nước mắt như thế! Hầu như bà mẹ nào khi lên mạng cho con cũng đều cho biết họ có “hoàn cảnh khó khăn”, “cần tìm một gia đình tốt và yêu thương bé”.
Mỗi người một hoàn cảnh, một câu chuyện, một lý do khác nhau nhưng chung quy lại, quyết định đem con đi cho là bước đường cùng của họ.
“Ai muốn xin con nuôi, trong hôm nay đẻ”. Ảnh chụp màn hình.
Tuy nhiên, cũng có những bà mẹ lên mạng rao cho con ngắn gọn, kiệm lời đến tàn nhẫn. “Mình còn 3 ngày nữa sinh, ai cần xin con nuôi inbox mình nhé”, “01678..xxx, sắp sinh”.
Có bà mẹ sau một hồi kể lể khó khăn thì “chốt”: “Ai thật lòng muốn xin con thì inbox em mới cho số điện thoại gặp mặt. Nếu như ai chê em xấu sợ sinh bé không được đẹp thì chắc em phải phá bỏ rồi. Rất mong ai đó thật lòng để con em có sự sống”.
Mối lo đứa trẻ “ảo” và những màn kịch lừa đảo
Trong vai người có nhu cầu xin con nuôi, chúng tôi liên hệ với một bà mẹ có số điện thoại 090297..xxx tại TP.HCM. Qua điện thoại, bà mẹ này xác nhận chị có hai đứa con một trai một gái và có nhu cầu cho con. Chị thật thà bảo: “Đúng là tôi viết lên mạng như vậy nhưng còn đang suy nghĩ. Có gì sẽ liên hệ lại sau”.
Liên hệ với số điện thoại khác 093569..xxx, bà mẹ tại Đà Nẵng nói: “Đã cho con rồi chị ơi”.
Mẹ lên mạng tìm con nuôi vì lỡ làm mất con. Ảnh chụp màn hình.
Đôi khi, “cho con gấp” còn là một màn kịch hoàn hảo nhằm che mắt thiên hạ. Tại diễn đàn cho nhận con nuôi này, một bà mẹ đã thú nhận: “Em vô tình làm mất con, nhà chồng em khó nên bây giờ em cần tìm một bé dự sinh cuối tháng 3 đầu tháng 4…
Ai thật tâm cho thì liên hệ với em ạ. Em có bầu nhưng thai bị chết lưu tháng thứ bảy, nhà chồng muốn em có cháu, em không dám nói sự thật. Giờ em muốn xin một bé trai, ai thật tâm cho bé thì liên hệ với em, bao nhiêu cũng được ạ, số điện thoại 0981..xxxx”.
Lời cảnh báo trên hội cho nhận con nuôi trên mạng. Ảnh chụp màn hình.
Không ai kiểm chứng được rốt cuộc bà mẹ có con ngoài ý muốn lên đây cho con là thật hay họ chỉ là những kẻ cò mồi, lợi dụng sự khát khao có con của các gia đình hiếm muộn để kiếm tiền trục lợi? Chính admin của diễn đàn này cũng ra lời cảnh báo về mối nguy bị lừa đảo này.
Coi chừng lĩnh án tù chung thân!
Thời buổi vô sinh hiếm muộn gia tăng, xin con nuôi là nhu cầu “nóng” của không ít gia đình. Tuy nhiên, nếu không cẩn thận thì cuộc xin cho con nuôi sẽ bị biến tướng thành cuộc ngã giá “cò kè bớt một thêm hai”.
Trao đổi với PV Phụ nữ Sức khỏe, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết: “Quyền được nuôi con nuôi là một trong những quyền nhân thân đã được thừa nhận trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, Luật Nuôi con nuôi năm 2010. Nếu như hai bên xin cho con nuôi tự nguyện trao tặng cho nhau một khoản tiền bồi dưỡng, hỗ trợ, cám ơn đúng nghĩa thì là hoàn toàn bình thường, hợp lý.
Khoản 3, Điều 21 về “Sự đồng ý cho làm con nuôi”, Luật Nuôi con nuôi năm 2010 đã quy định sự đồng ý cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ phải là hoàn toàn tự nguyện, trung thực, không bị ép buộc, không bị đe dọa hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI. Ảnh: LSCC
Ngược lại, nếu như dùng tiền bạc mang tính chất mặc cả như điều kiện đổi chác, mua bán thì cả hai bên đã phạm pháp và có dấu hiệu vi phạm Điều 151 về “Tội mua bán người dưới 16 tuổi”, Bộ luật Hình sự 2015. Mức án phạt tù cao nhất có thể lên đến chung thân.
Theo luật sư Trương Thanh Đức, trong trường hợp tự nguyện xin/ cho con nuôi trực tiếp hay qua mạng, thì người xin con nuôi vẫn có thể phải chịu hậu quả nếu đứa trẻ đã bị bệnh lây nhiễm nguy hiểm hay mắc bệnh hiểm nghèo.
Bên cạnh đó, nếu không làm đầy đủ các thủ tục pháp lý theo luật định thì người nhận con nuôi có thể không được pháp nhận thừa nhận, bất kỳ lúc nào cũng có thể bị bố hoặc mẹ đứa trẻ đòi lại con, thậm chí bị tố cáo là bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em.
Trong trường hợp bà mẹ rao cho con, nhận tiền hỗ trợ rồi trốn tránh thực hiện lời hứa cho con thì có thể bị coi là lừa đảo nếu có thủ đoạn gian dối, vi phạm Điều 174 về “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, Bộ luật Hình sự năm 2015, nếu lừa đảo từ 2 triệu đồng trở lên.
Kể cả trường hợp không thể hiện rõ thủ đoạn gian dối, thì người nhận tiền sẽ phạm tội lạm dụng chiếm đoạt tài sản từ 4 triệu đồng trở lên theo Điều 175, Bộ luật Hình sự năm 2015.
“Người cho con nuôi cần cân nhắc thật kỹ lưỡng. Việc cho con có thực sự lại lợi ích tốt đẹp cho đứa con mà mình buộc phải dứt bỏ tình máu mủ ruột già hay không?
Đừng để phải hối tiếc, ân hận bởi không có cơ sở để bảo đảm rằng sau này đứa trẻ sẽ không bị lợi dụng vào mục đích trục lợi, vô nhân đạo khác.
Về phía người xin con nuôi, họ phải tuân thủ các quy định của Luật Nuôi con nuôi như phải hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên; có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi; có tư cách đạo đức tốt; đặc biệt là phải được sự đồng ý bằng văn bản của cha mẹ đứa trẻ và phải đăng ký việc nuôi con nuôi tại cơ cơ quan nhà nước có thẩm quyền”, Luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh
Thu Hà
—————–
Phụ nữ sức khỏe (Nhịp sống 24h) 23-7-2019
(609/1.545)