(TBTC) – “Ngành điện không thể giữ mãi độc quyền” là ý kiến chung của các chuyên gia trao đổi tại buổi tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện Việt Nam”, do Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) tổ chức ngày 30/3, tại Hà Nội.
Các diễn giả thảo luận tại buổi tọa đàm. Ảnh: Green ID
Việt Nam chưa có thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, bà Ngụy Thị Khanh – Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, theo bản dự thảo Quy hoạch điện VIII, trong 10 năm tới, mỗi năm ngành điện cần 13 tỷ USD vốn đầu tư cho cả nguồn và lưới điện. Đây là một số tiền lớn, cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Một cơ chế chính sách cho thị trường điện cạnh tranh là cần thiết để thu hút vốn đầu tư xã hội hóa, FDI.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới, thị trường điện cạnh tranh đem lại lợi ích cho tất cả các bên, cụ thể: giải quyết được bài toán về giá điện minh bạch, hiệu quả; tạo môi trường khuyến khích đầu tư có hiệu quả; tạo cơ hội thuận lợi cho việc phát triển năng lượng sạch.
Theo bà Khanh, Việt Nam đang có thị trường bán buôn cạnh tranh, nhưng mới chỉ có một người mua là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), nên vẫn chưa hình thành một thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh. Nhìn vào các ngành khác như viễn thông, việc phá vỡ độc quyền đã đem lại rất nhiều lợi ích cho người dân, đất nước, giúp Việt Nam có tên trong bản đồ viễn thông thế giới. Thành tựu từ ngành viễn thông cho thấy nhiều bài học cho các ngành khác như ngành điện.
Tại buổi tọa đàm, PGS.TS. Nguyễn Đức Thành – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) cho rằng, thị trường viễn thông và thị trường điện giống nhau về mặt kỹ thuật khi đều có tính độc quyền tự nhiên, rất khó phá vỡ nếu không có chính sách đặc biệt. Thị trường điện hiện có 4 khâu: sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Các phân khúc thị trường này tạo ra thị trường điện nói chung và mỗi phân khúc lại có 1 thị trường riêng.
Hiện nay, thị trường sản xuất đang mở cửa cạnh tranh, dù EVN vẫn chiếm khoảng 2/3 thị trường, tuy nhiên các doanh nghiệp tư nhân vẫn có nhiều cơ hội tham gia thị trường này. Thị trường truyền tải với hệ thống trục truyền tải, đường cao thế 500kV có tính độc quyền cao, là độc quyền tự nhiên, khó phá vỡ. Thị trường phân phối, bán lẻ hoàn toàn có thể cạnh tranh, tuy nhiên EVN vẫn đang giữ thế độc quyền.
Cần chuyển đổi cơ chế từ dễ quản lý sang dễ làm giàu
Chia sẻ về kinh nghiệm xóa bỏ độc quyền trong ngành viễn thông, TS. Lê Doãn Hợp – nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông cho biết, không có lĩnh vực nào không có cạnh tranh mà lại lành mạnh. Việt Nam cần phải có cơ chế thúc đẩy cạnh tranh, chấp nhận cạnh tranh trong tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có ngành điện. Để thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh, cần chuyển đổi cơ chế từ dễ quản lý sang dễ làm giàu, thay đổi tư duy quản lý sang tư duy phục vụ, quản lý theo nguyên tắc vì sự phát triển, bỏ các nguyên tắc quản lý truyền thống.
“Một lĩnh vực mà nhiều đầu tư quá là lãng phí và chỉ có một nhà đầu tư là độc quyền, cần có chính sách vừa chống độc quyền, vừa chống lãng phí. Để phá vỡ độc quyền, ngành điện cần rà soát xem có bao nhiêu đối tượng tham gia vào hoạt động, từ đó, tính toán tìm ra lợi ích chung, cơ chế chung để khuyến khích, kích hoạt sự tham gia của các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tư nhân. Đặc biệt, cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để minh bạch các hoạt động của ngành điện” – TS. Lê Doãn Hợp nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến này, TS. Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cũng nhấn mạnh, ngành điện không có gì là không cổ phần hóa được. Như với ngành Ngân hàng, hiện nay thị phần của ngân hàng thương mại cũng đã vượt các ngân hàng vốn nhà nước (52/48%). Nghị quyết 55 năm 2020 của Bộ Chính trị đã nói rất rõ về việc thu hút vốn đầu tư từ khu vực tư nhân, FDI để phát triển điện lực. Tuy nhiên, Luật Điện lực lại chưa thể hiện được rõ điều này.
Theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật Anvi, Luật Điện lực khái quát có 3 thị trường: phát, truyền, bán. Luật chỉ ra 3 thị trường này là tự do cạnh tranh nhưng thực tế triển khai lại không được như trong văn bản pháp luật quy định. Vì vậy, cần làm mới Luật Điện lực, tinh thần như Luật Bưu chính, viễn thông thì mới tạo ra sự cạnh tranh, phát triển trong ngành điện. Thêm vào đó, cạnh tranh cần phải giải quyết từ giá, giá mua điện phải bằng nhau và có sự điều tiết bằng thuế. Ví dụ đánh thuế môi trường với điện than.
Thêm ý kiến về vấn đề này, TS. Hoàng Xuân Lương – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho rằng, chỉ có tạo ra thị trường cạnh tranh, thu hút được nguồn lực của tất cả các thành phần kinh tế thì các lĩnh vực kinh tế mới thành công, trong đó có ngành điện. Để tạo thị trường điện cạnh tranh cần pháp luật hóa, có cơ sở pháp lý vững chắc.
Ngành điện không thể giữ mãi độc quyền, Bộ Công thương phải suy nghĩ thật cẩn thận, tính toán các giải pháp để mang lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt, cần có cơ chế giá, cơ chế thuế phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo./.
Mai Lâm
———-
Thời báo Tài chính (Kinh doanh) 30-3-2021:
https://thoibaotaichinhvietnam.vn/nganh-dien-khong-the-giu-mai-doc-quyen-16459.html
(113/1.139)