2.709. Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện 

(ĐBND) – Sáng 30.3, Liên minh Năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA) phối hợp Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức tọa đàm “Gỡ nút thắt đầu tư của ngành điện”. Tại đây, các chuyên gia đề xuất sửa đổi Luật Điện lực để tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư vào ngành điện, tạo lập và phát triển thị trường điện cạnh tranh.

Nhiều lợi ích từ thị trường điện cạnh tranh

Theo dự thảo Quy hoạch điện VIII, tổng vốn đầu tư phát triển điện lực giai đoạn 2021 – 2030 khoảng 128,3 tỷ USD; trong đó vốn cho nguồn điện là 95,4 tỷ USD, cho lưới điện khoảng 32,9 tỷ USD. Cơ cấu trung bình vốn đầu tư nguồn và lưới là 74%/26%. Như vậy, trung bình mỗi năm cần đầu tư khoảng 12,8 tỷ USD.

Giám đốc GreenID Ngụy Thị Khanh cho rằng, nhu cầu vốn như vậy rất lớn nên cần có sự tham gia của các thành phần kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân. Tuy nhiên để thu hút được đầu tư tư nhân vào ngành điện, cần có cơ chế để bảo đảm cho nhà đầu tư tham gia một cách công bằng.

Một nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới chỉ ra rằng, khi có môi trường cạnh tranh đúng nghĩa và được kiểm soát tốt từ cơ quan điều tiết của Nhà nước, thị trường điện cạnh tranh mang lại lợi ích rất lớn cho cả người sử dụng điện và các nhà đầu tư phát triển nguồn. Từ đó, sẽ giải quyết được bài toán giá điện một cách hiệu quả. Thị trường cũng đưa ra cơ chế giá điện bán lẻ hiệu quả cho khách hàng dùng điện cuối cùng vì họ sẽ được hưởng lợi từ các giai đoạn cạnh tranh ở các khâu phát điện, phân phối điện và bán lẻ điện. Thị trường cạnh tranh còn tạo ra môi trường khuyến khích đầu tư hiệu quả dựa trên tình hình thị trường hơn là dựa trên chỉ thị và cơ chế xin – cho. Đồng thời, cơ hội để phát triển năng lượng sạch sẽ nhiều hơn, giúp hệ thống điện có thể tích hợp nhiều năng lượng sạch hơn nhằm góp phần bảo vệ môi trường.

Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế và chiến lược (VESS) PGS.TS. Nguyễn Đức Thành cho biết, thị trường điện nước ta hiện có bốn khâu là sản xuất, truyền tải, phân phối, bán lẻ. Các phân khúc thị trường này tạo ra thị trường điện nói chung và mỗi phân khúc lại có một thị trường riêng. Hiện nay, thị trường sản xuất đang mở cửa cạnh tranh, dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) vẫn chiếm khoảng 2/3 thị trường nhưng các doanh nghiệp tư nhân vẫn có nhiều cơ hội tham gia thị trường này.

Cần sửa Luật Điện lực

Mặc dù vậy, lộ trình xây dựng thị trường điện cạnh tranh ở nước ta vẫn còn gian nan bởi liên quan đến đặc thù độc quyền tự nhiên của ngành điện.

Hệ thống điện Việt Nam hiện nay có khoảng 51% công suất đặt được huy động và vận hành theo hình thức gián tiếp và không tham gia xác định giá thị trường điện cạnh tranh khâu phát điện. Các tổng công ty phát điện Genco 1, 2, 3 hiện được tách riêng nhưng đây chỉ là tách về mặt hành chính, các Genco vẫn thuộc sở hữu phần lớn là của EVN và được hạch toán chung về chi phí của EVN. Như vậy, mặc dù Việt Nam đang có thị trường bán buôn cạnh tranh, nhưng mới chỉ có một người mua là EVN nên vẫn chưa hình thành thị trường điện cạnh tranh hoàn chỉnh.

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam) TS. Phạm Xuân Hòe cho rằng, Nghị quyết 55-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nói rất rõ về việc thu hút vốn tư nhân, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để phát triển điện lực. Tuy nhiên, Luật Điện lực chưa thể hiện được rõ điều này.

Do đó, theo LS. Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật Anvi, điều quan trọng hiện nay là cần sửa đổi Luật Điện lực “sao cho có tinh thần như Luật Bưu chính, Luật Viễn thông thì mới tạo ra sự cạnh tranh, phát triển trong ngành điện”. Thêm vào đó, cạnh tranh cần phải giải quyết từ giá, giá mua điện phải bằng nhau và có sự điều tiết bằng thuế. Ví dụ, các cơ quan quản lý có thể đánh thuế môi trường với điện than; nếu điện gió, điện xanh tốt cho môi trường không phải đánh thuế.

Cùng quan điểm, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc TS. Hoàng Xuân Lương cho rằng, để tạo thị trường điện cạnh tranh cần pháp luật hóa, có cơ sở pháp lý vững chắc. “Bộ Công thương phải tính toán các giải pháp để mang lại lợi ích cho người dân. Đặc biệt, cần có cơ chế giá, thuế phù hợp tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tham gia, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng tái tạo”.

Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương cho rằng nếu không kiểm soát được sự độc quyền về truyền tải điện sẽ hạn chế về đa dạng điện năng. Do vậy, cần sửa Luật Điện lực, giám sát toàn bộ mạng lưới điện và phải sử dụng công cụ giá để điều tiết tiêu dùng linh hoạt hơn. Các cơ quan quản lý nếu có thể thì nên xây dựng các bảng giá điện theo giờ một cách phù hợp, ông Doanh đề xuất.

Minh Trang

———————–

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế phát triển) 31-3-2021:

https://www.daibieunhandan.vn/go-nut-that-dau-tu-cua-nganh-dien-gawbtcpgeh-55522

(102/1.224)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,105