(NĐT): Sau nhiều lần tổ chức bất thành, cơ quan quản lý nhà nước đã phát đi tín hiệu chính thức yêu cầu Eximbank tiến hành ĐHĐCĐ nhằm tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông và đảm bảo ổn định hoạt động của nhà băng này.
Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM (Cục II) ngày 3/7/2019 có công văn số 1089/CụcII.4 gửi ban lãnh đạo Eximbank, gồm Chủ tịch và các Thành viên HĐQT, Trưởng Ban và các Thành viên Ban kiểm soát cùng Ban điều hành nhà băng này.
Theo đó, Cục II yêu cầu Chủ tịch HĐQT và ban lãnh đạo Eximbank thực hiện tổ chức ĐHĐCĐ và đề nghị ĐHĐCĐ thông qua các quyết định thuộc thẩm quyền của ĐHĐCĐ theo đúng quy định của pháp luật, đảm bảo tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông, đảm bảo hoạt động của Eximbank ổn định, an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.
Văn bản do Cục trưởng Nguyễn Văn Dũng ký nêu rõ Chủ tịch và các Thành viên HĐQT, Trưởng Ban và các Thành viên BKS cùng Ban điều hành Eximbank chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật trong trường hợp không tổ chức ĐHĐCĐ thành công theo quy định; không tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông…và những rủi ro, tổn thất, thiệt hại (nếu có) đối với Eximbank.
“Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng TP.HCM yêu cầu HĐQT, BKS, Ban điều hành Eximbank nghiêm túc thực hiện các nội dung chỉ đạo nêu trên”, văn bản của Cục II khẳng định quan điểm của cơ quan quản lý nhà nước.
Công văn số 1089/CụcII.4 của Cục Thanh tra, Giám sát Ngân hàng TP.HCM cho thấy NHNN bắt đầu hết kiên nhẫn với “lộn xộn” thời gian qua tại Eximbank
Trước đó, ĐHĐCĐ thường niên ngày 26/4/2019 đã không thể diễn ra do không đủ túc số (ít hơn 65% cổ phần tham dự tối thiểu theo Điều lệ). Đại hội lần 2 dự kiến vào ngày 25/5 bất ngờ bị huỷ chỉ trước ít ngày. Đại hội sau đó ngày 21/6 tưởng chừng sẽ diễn ra thành công khi có tới 94% cổ phần tham dự, song cuối cùng vẫn “vỡ” khi Quy chế Đại hội không được thông qua, cùng tranh cãi gay gắt và “bài vở” của các nhóm cổ đông lớn.
Theo các tờ trình công bố, ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 của Eximbank dự kiến xem xét nhiều nội dung quan trọng như Báo cáo hoạt động của HĐQT, Ban điều hành, Ban Kiểm soát; Báo cáo tài chính; Tờ trình phân phối lợi nhuận; Kế hoạch kinh doanh 2019; Thù lao và ngân sách hoạt động của HĐQT, Ban kiểm soát; Tờ trình về dự án trụ sở số 7 Lê Thị Hồng Gấm (Quận 1, TP.HCM); các tờ trình về thay đổi điều lệ, trong đó có bổ sung thêm 1 người đại diện theo pháp luật là Chủ tịch HĐQT (hiện nay chỉ có TGĐ).
Các nội dung quan trọng mang tính “kim chỉ nam” trong năm 2019 chưa được ĐHĐCĐ thông qua đang ảnh hưởng không nhỏ tới tình hình hoạt động của Eximbank. Đơn cử, nhà băng này suốt nhiều tháng nay không có người đại diện theo pháp luật, trong bối cảnh quyền TGĐ Nguyễn Cảnh Vinh chưa được NHNN chấp thuận. Bản thân việc bổ nhiệm vị này vào cuối tháng 5/2019 cũng còn gây nhiều tranh cãi.
Loạt diễn biến vừa qua khá tương đồng với năm 2015, khi ĐHĐCĐ thường niên tháng 7 năm đó không có nội dung bầu HĐQT nhiệm kỳ mới, để rồi phải đợi tới Đại hội bất thường vào cuối tháng 12/2015 mới bầu được ra HĐQT nhiệm kỳ 2015-2020, phần lớn vẫn tại vị cho đến nay.
Năm đó, Eximbank “đổi chủ” khi xuất hiện các nhóm cổ đông mới như Hoàn Cầu, Âu Lạc. Những biến động liên tục tại Eximbank thời gian qua cũng đi kèm với loạt dấu hiệu thay đổi trong cấu trúc sở hữu, khi nhóm Hoàn Cầu muốn thoái hết vốn, cùng với sự tham gia của các nhóm mới, trong đó có Tập đoàn Thành Công của Đại gia đất Bắc Nguyễn Anh Tuấn.
Theo dữ liệu của Nhadautu.vn, có hàng trăm triệu cổ phiếu Eximbank được chuyển nhượng trong vài tháng đầu năm, đặc biệt từ sau Tết âm lịch. Số cổ phiếu này chưa đủ 6 tháng để các nhóm mới cử đại diện vào HĐQT. Do vậy, không loại trừ khả năng mặc cho yêu cầu của NHNN, các nhóm này sẽ tác động để trì hoãn Đại hội thêm một thời gian nữa, tới khi họ cảm thấy nắm chắc được quyền định đoạt cho số cổ phiếu Eximbank trị giá nhiều nghìn tỷ đồng của mình.
Trên thực tế, cho tới nay không có diễn biến mới cho thấy Eximbank sẽ sớm tổ chức ĐHĐCĐ tiếp theo.
Trao đổi với Nhadautu.vn, Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhận định sau cuộc họp bất thành do không thông qua được Quy chế ngày 21/6, về bản chất Eximbank vẫn chưa tiến hành được ĐHĐCĐ thường niên nên cần sớm tổ chức để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cổ đông cũng như tuân thủ yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.
“Theo Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp nói chung và ngân hàng nói riêng phải tổ chức ĐHĐCĐ thường niên trong 4 tháng đầu năm, trường hợp đặc biệt có thể gia hạn lên 6 tháng nhưng phải được sự chấp thuận của Bộ KHĐT[1] hoặc Ngân hàng Nhà nước. ĐHĐCĐ thường niên có nghĩa vụ và trách nhiệm thông qua các chủ trương, chính sách, kế hoạch phát triển quan trọng nhất của công ty. Việc Eximbank lần lữa tiến hành ĐHĐCĐ rõ ràng là đang trì hoãn sự phát triển của ngân hàng này”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích, lưu ý thêm ở lần Đại hội tới đây, tỷ lệ tham dự tối thiểu sẽ phải bắt đầu lại ở mức 65% như đối với Đại hội lần đầu.
An Dương
—————–
Nhà đầu tư (Tài chính) 30-7-2019:
https://nhadautu.vn/nhnn-yeu-cau-eximbank-tien-hanh-dai-hoi-co-dong-2019-d25949.html
(210/1.074)
[1] Phòng Đăng ký kinh doanh