2.717. Cấm đòi nợ thuê: Không dễ thuyết phục!

(NLĐ) – Hoạt động đòi nợ thuê đang gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội nhưng sự tồn tại của dịch vụ này hơn 10 năm qua cho thấy sự cần thiết của nó

Mới đây, trong dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN), Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Biến tướng nhưng… khó bỏ

Theo lý giải của Bộ KH-ĐT, việc bổ sung ngành “kinh doanh dịch vụ đòi nợ” vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh theo quy định tại điều 6 nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước đối với dịch vụ này; hạn chế tình trạng một số cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động đòi nợ thuê gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự.

Hiện nay, Bộ Tài chính đang trong quá trình sửa đổi Nghị định 104 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hướng quản lý chặt hơn việc thành lập DN kinh doanh đòi nợ thuê như vốn điều lệ tối thiểu phải 2 tỉ đồng, các chức danh giám đốc yêu cầu phải có trình độ đại học. Đồng thời, đưa ra các điều kiện tiêu chuẩn đối với người lao động của công ty đòi nợ thuê như lý lịch, trình độ…

Bốn đối tượng ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam bị công an bắt giam vì có hành vi cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê Ảnh: TRẦN THƯỜNG

Dịch vụ đòi nợ thuê nở rộ ở hầu hết các tỉnh, thành trên cả nước. Trên trang web của Công ty Thu hồi nợ M.T (trụ sở ở Hà Nội), công ty giới thiệu có bề dày hơn 10 năm kinh nghiệm với đội ngũ luật sư, cán bộ thu nợ có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực này. Một công ty khác hiện có 3 văn phòng giao dịch ở Hà Nội, cũng “khoe” sở hữu và xây dựng một đội ngũ cán bộ chuyên viên thu hồi nợ với bề dày kinh nghiệm cao, chủ yếu là các luật sư (LS), tiến sĩ, thạc sĩ hoạt động lâu năm trong lĩnh vực pháp luật xử lý nợ cùng với biện pháp thu hồi nợ linh hoạt, hiệu quả phù hợp với quy định của pháp luật.

Thực tế, dịch vụ đòi nợ thuê bị biến tướng đã gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội. Từ một dịch vụ kinh doanh được pháp luật điều chỉnh, các phương thức đòi nợ đã vượt ra ngoài khuôn khổ pháp luật khi xảy ra hàng loạt vụ giam giữ người trái pháp luật, đe dọa, “khủng bố” tinh thần để đạt được mục đích đòi được nợ.

Tuy nhiên, LS Trần Tuấn Anh (Đoàn LS TP Hà Nội) không đồng tình với việc cấm dịch vụ kinh doanh đòi nợ thuê. Theo ông, kinh doanh dịch vụ đòi nợ đã có khuôn khổ pháp lý hoạt động từ năm 2007 đến nay. Đó là Nghị định 104 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Bên cạnh đó còn có Thông tư số 110 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 104, trong đó hướng dẫn chi tiết việc thực hiện chế độ báo cáo và chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của các DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

LS Trần Tuấn Anh phân tích việc cá nhân, tổ chức ủy quyền việc đòi nợ cho một DN được cấp phép về hoạt động này là hoàn toàn phù hợp với pháp luật cũng như thực tiễn cuộc sống. “Trong thực tiễn có thể phát sinh các khoản nợ giữa hai bên nhưng không phải cá nhân hay tổ chức nào cũng có thể tự mình đòi những khoản nợ đó nên dịch vụ thu hồi nợ thuê đã có trong hơn 10 năm qua cho thấy tính cần thiết của nó. Mấu chốt ở đây là cơ quan quản lý nhà nước sẽ quản lý, giám sát dịch vụ này như thế nào để không biến tướng” – LS Trần Tuấn Anh nhấn mạnh.

Nâng cao năng lực quản lý thay vì cấm đoán

Đó là nhận định của chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu về việc ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê có thể sẽ bị cấm.

Ông Hiếu cho rằng cơ quan nhà nước đang nhìn từ góc độ tiêu cực của dịch vụ này nên cấm để “đỡ phiền”. Là người có nhiều năm công tác và nghiên cứu ở nước ngoài, đặc biệt tại Mỹ, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho biết các DN đòi nợ thuê là một mô hình rất bình thường ở các nền kinh tế trên thế giới. “Ở nhiều nước, các ngân hàng, tổ chức tín dụng, DN, thậm chí là cá nhân khi phát sinh các khoản nợ, họ đều thuê các đơn vị đòi nợ chuyên nghiệp để thu hồi, có trả phí theo quy định” – ông Hiếu nhấn mạnh.

Từ thực tiễn trên thế giới, ông Hiếu cho rằng công tác quản lý dịch vụ này ở Việt Nam còn nhiều bất cập, nảy sinh các tiêu cực, biến tướng, trong khi cơ quan nhà nước cũng chưa làm tròn trách nhiệm kiểm tra, giám sát và xử lý các vi phạm phát sinh.

“Các công ty đòi nợ ở nước ngoài rất chuyên nghiệp, nhân viên được đào tạo bài bản, họ ví đòi nợ là một nghệ thuật. Ở Mỹ, họ đưa ra các quy định, nhân viên của công ty đòi nợ không được phép gọi điện cho con nợ vào ban đêm, để tránh quấy nhiễu, làm phiền” – ông Hiếu dẫn chứng.

Đồng tình, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, cho rằng đề xuất đưa ngành kinh doanh dịch vụ đòi nợ vào danh mục ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh là không hợp lý. Nhìn nhận dịch vụ đòi nợ đã phát sinh một số yếu tố tiêu cực nhưng LS Đức nhấn mạnh ngành kinh doanh nào cũng có những mặt hạn chế nhất định nhưng nhìn trên tổng thể, đây vẫn là dịch vụ cần thiết trong nền kinh tế.

Theo ông Đức, dịch vụ đòi nợ đã được pháp luật thừa nhận nhiều năm nay, đã có khung khổ pháp lý để điều chỉnh. Tuy nhiên, các chính sách này cần tiếp tục được hoàn thiện. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan trực tiếp tham gia vào các trường hợp khi xảy ra rủi ro, nâng cao trách nhiệm với người dân hơn.

Chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cũng đề xuất thay vì đưa ra quy định cấm, cơ quan nhà nước cần phải “nhìn thẳng, nhìn thật” trong công tác quản lý, giám sát để dịch vụ này hoạt động lành mạnh. Ngoài ra, cần có những quy định rõ ràng, đi vào chi tiết hơn như hành vi mà DN kinh doanh đòi nợ không được làm để đạt mục đích. Vị chuyên gia này cảnh báo việc cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ làm phát sinh các hiện tượng đòi nợ bất hợp pháp khác, khi đó nhà chức trách càng gặp khó trong quản lý.

Công ty đòi nợ được làm gì?

Điều 7 của Nghị định 104 quy định rõ các biện pháp trong hoạt động dịch vụ đòi nợ. Cụ thể, DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ đại diện cho chủ nợ được thực hiện các biện pháp thích hợp để thu thập, phân tích, đối chiếu các thông tin liên quan, xác định rõ các khoản nợ. Đồng thời, thông báo việc đòi nợ và đề nghị khách nợ cung cấp thông tin, phối hợp hỗ trợ hoặc áp dụng các biện pháp thích hợp, phù hợp với luật pháp để khách nợ thực hiện nghĩa vụ trả nợ.

Cuối cùng, DN kinh doanh dịch vụ đòi nợ được nhận tài sản do khách nợ hoặc tổ chức, cá nhân khác liên quan giao để thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ theo ủy quyền của chủ nợ.

Minh Chiến

—————–

Người lao động (Thời sự trong nước) 05-8-2019

https://nld.com.vn/thoi-su/cam-doi-no-thue-khong-de-thuyet-phuc-20190804220311392.htm

(163/1.443)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.977. Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần...

Kiểm soát đầu cơ bất động sản: Cần nhiều hơn một chính sách...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,865