(BĐS) – Cơn sốt đất nền đi qua “lấp đầy” túi tiền của một số người nhưng lại khiến rất nhiều người khác phải khổ sở, chỉ biết ước mong chuyện mua đất, dựng nhà được dễ dàng như thời cha ông.
Khóc vì sốt đất
“Người giàu lại càng giàu, còn dân nghèo như tôi khổ càng thêm khổ vì giá đất tăng. 10 năm xa quê đi làm công nhân mà gần như vẫn trắng tay”, anh Tuyên (quê Vĩnh Long) đang làm việc ở một khu công nghiệp thuộc quận 7 (TP.HCM) kể. Anh cho biết thêm, thời gian đầu khi mới đến làm việc, anh cũng đã dò hỏi giá đất ở huyện Củ Chi và tính toán sẽ phấn đấu đi làm, tiết kiệm trong khoảng 6 năm để đủ tiền mua đất, xây nhà. Nhưng rồi vài năm lại có sốt đất, giá bị đẩy lên nên anh tìm mãi vẫn không có mảnh đất ưng ý như ngày trước anh tính toán. Nếu chọn đất dự án thì lại sợ dính bẫy dự án ma như Alibaba.
Không riêng anh Tuyên, rất nhiều người lao động thu nhập thấp đi làm vất vả nhưng giấc mơ mua nhà thì ngày càng xa vời. “Chuyện mua đất, xây nhà, nuôi con thời ngày xưa tưởng như rất bình thường thì ngày nay sao mà căng thẳng, nặng gánh quá đỗi”, chị Lành – công nhân tại khu công nghiệp Nam Thăng Long (Hà Nội) chia sẻ.
Cơn sốt đất đi qua “lấp đầy” túi tiền của một số người nhưng lại khiến rất nhiều người khác phải khổ sở, đó là những người có nhu cầu thực muốn mua đất làm nhà, đặc biệt là những người có thu nhập trung bình và thấp.
Ông Nguyễn Minh Khang, thành viên Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP Đầu tư LDG cho biết, trên thực tế, cứ 100 người tay ngang nhảy vào “cơn sốt” theo tâm lý đám đông thì đến 80 người trắng tay, chỉ 20 người còn lại thắng.
Cơn sốt đất xảy ra khắp cả nước đã thu hẹp cơ hội sở hữu nhà của rất nhiều người. Ảnh minh họa
Không riêng người dân, nhiều doanh nghiệp bất động sản cũng “than trời” vì giá đất cao ảnh hưởng trực tiếp đến việc giải phóng mặt bằng và đền bù, từ đó làm tăng chi phí đầu vào và làm chậm tiến độ dự án. Các dự án nhà giá rẻ, nhà ở xã hội cũng vì thế mà không dễ để triển khai.
Tin quy hoạch không phải “tội đồ”
Nguồn cơn và kịch bản của bao nhiêu cơn sốt đất suốt hàng chục năm qua dường như đã quá quen thuộc, đó là việc giới đầu cơ lợi dụng các thông tin quy hoạch để thổi giá thị trường. GS.TS Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng cho rằng, thông tin quy hoạch không phải là “tội đồ” dẫn đến sốt đất. Khi có thông tin quy hoạch, cơ quan chức năng cần công bố càng rộng rãi càng tốt, đảm bảo tính minh bạch, đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, thông tin chỉ công bố khi dự án quy hoạch đã được chính thức phê duyệt để tránh tình trạng đầu cơ.
Những “đơn thuốc” như đánh thuế nhằm chặn thổi giá, đầu cơ… đã được nhắc đến rất nhiều lần. Nhưng vấn đề áp dụng đơn thuốc này vào quá trình chữa trị vẫn còn nhiều điều để bàn bạc, xem xét.
Để xử lý một cách bài bản và mạnh tay việc đầu cơ đất đai và những giao dịch bất hợp pháp, luật sư Trương Thanh Đức từng trả lời báo chí rằng cần phải dựa chính vào công cụ kinh tế thị trường, trong đó thuế là yếu tố quan trọng hàng đầu khi giao dịch đầu cơ đất. Những cá nhân, tổ chức mua đi bán lại bất động sản liên tục hoặc sở hữu quá nhiều bất động sản phải áp một mức thuế cao hơn.
Bên cạnh đó, cần có giải pháp mạnh với các cán bộ, công chức với người trong cuộc nắm thông tin quy hoạch. Những giao dịch có dấu hiệu bất thường, không qua đấu giá phải được xem xét, xử lý nghiêm. Văn bản quy phạm pháp luật phải tăng cường tính răn đe. Người nào đầu tư đất đai không hiệu quả, để hoang hóa sẽ bị thu hồi, thậm chí không bồi hoàn.
Cũng theo luật sư Trương Thanh Đức, cần cập nhật các số liệu liên quan đến thị trường bất động sản lên trang web thay vì dùng hồ sơ theo cách cũ để tránh tình trạng lợi dụng thông tin sau đó thổi giá, tạo bong bóng.
Khi giấc mơ xây nhà dễ dàng như thời cha ông không thể thành hiện thực, người mua chỉ biết trông chờ vào “biệt dược” điều trị sốt đất và động thái kiểm soát, bình ổn giá nhà đất từ các cơ quan chức năng.
Khánh Trang
———————–
Bất động sản 28-4-2021:
(211/883)