2.723. Nên thu hay không thu thuế GTGT đối với thư tín dụng?

(TCDN) – Hoạt động thư tín dụng (L/C) phải thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) hay không thu thuế GTGT là vấn đề tranh cãi trong thời gian gần đây.

Ngân hàng, doanh nghiệp sợ hồi tố?

Tại Tọa đàm trực tuyến “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng” vừa diễn ra chiều nay (11/5), ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thư tín dụng (L/C) là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ.

Việc này vẫn được thực hiện trong rất nhiều năm. Tuy nhiên, đến ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục thuế địa phương rà soát, hướng dẫn các tổ chức tín dụng trên địa bàn có hoạt động này thực hiện kê khai, nộp thuế GTGT. Theo đó, toàn bộ các khoản thu liên quan nghiệp vụ thư tín dụng, không phân biệt có cam kết bảo lãnh hay không có cam kết bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011.

“Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ tới các tổ chức tín dụng và chính doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.

Ông Phòng dẫn chứng, về phía các tổ chức tín dụng, điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là khả năng bị hồi tố. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu tổ chức tín dụng rà soát, kê khai và nộp thuế GTGT đối với các khoản tu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011. Các ngân hàng thương mại cũng băn khoăn do bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế VAT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các tổ chức tín dụng và khách hàng doanh nghiệp.

Dưới góc độ ngân hàng, bà Phùng Nguyễn Hải Yến, Phó Tổng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam chia sẻ, đối với khách hàng, ngân hàng đã có khảo sát thì thấy rằng, hiện tại khách hàng giao dịch với ngân hàng qua các biểu phí và như thế việc giao dịch với khách hàng sẽ khó hơn và giải thích bổ sung thuế GTGT cho khách hàng là không khả thi. Bên cạnh đó còn là thời gian phát sinh nghĩa vụ thuế kéo dài nhiều năm, nhiều khách hàng đã thay đổi.

Theo bà Yến, các khoản thu liên quan đến thư tín dụng các tổ chức tín dụng (TCTD) đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước đây theo biểu phí công bố tại từng thời điểm thu phí, khả năng để được các khách hàng nộp bổ sung thuế GTGT do quy định lại thuế suất là rất khó. Đối với các TCTD, nộp bổ sung thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT với số tiền rất lớn. Phạt kê khai sai và Tiền chậm nộp không có nguồn phù hợp để thực hiện…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, “thu thuế với L/C, nếu cứ nói một cụm L/C thì vừa đúng luật vừa trái luật. Đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng, trong khi đó L/C là thư tín dụng. Mặc dù khái niệm cơ bản vẫn còn nhiều rắc rối, chúng ta nên bóc tách nghiệp vụ và giải quyết. Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách ra, cái gì thu cái gì không cho rõ ràng”.

L/C là hoạt động lưỡng tính

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch VTCA.

Bà Nguyễn Thị Cúc – Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam (VTCA) cho biết, hiện nay có hai cách hiểu về L/C. Một bên coi L/C là phương thức thanh toán, một bên coi là hình thức bảo lãnh.

“L/C theo thuật ngữ, khái niệm là một cam kết thanh toán có điều kiện bằng văn bản của một tổ chức tài chính (ngân hàng) với điều kiện bên thụ hưởng phải xuất trình toàn bộ chứng từ… trong định nghĩa cũng có một phần nói L/C là bảo lãnh. Luật Ngân hàng quy định tổ chức tín dụng là hình thức thanh toán nhưng thông tư hướng dẫn của NHNN lại coi L/C là hình thức bảo lãnh. Vậy 2 điều đó khác nhau”, bà Cúc nêu phân tích.

Đồng thời, Chủ tịch VTCA cho biết, thư L/C chỉ đơn giản là thanh toán thì chịu thuế GTGT, thư tín dụng mà tính chất bảo lãnh thì không chịu thuế GTGT. Do vậy việc gộp cả 2 đều phải chịu thuế là không khách quan.

“Chúng ta cần phải xem xét lại văn bản, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Ngân hàng mà chưa hiểu cần phải xác định lại cho cụ thể, xử lý các vướng mắc. Từ đó cơ quan thuế sẽ căn cứ theo đó để thực hiện”, bà Cúc kiến nghị.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Vietcombank cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước cần thống nhất bảo lãnh thanh toán của TCTD trong phương thức thanh toán L/C mà TCTD đóng vai trò ngân hàng phát hành thư tín dụng thuộc hoạt động cấp tín dụng (không phân biệt trường hợp khách hàng không ký quỹ/có ký quỹ đủ hoặc không đủ 100% giá trị L/C). Và theo đó, các khoản phí L/C liên quan đến cam kết bảo lãnh thanh toán là đối tượng không chịu thuế GTGT.

Ông Nguyễn Văn Phụng, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, ngay từ năm 2010, nhiều ngân hàng đã phân định rõ trong tín dụng những vấn đề nào là thư tín dụng thì không áp thuế GTGT, cái nào là dịch vụ thông thường thì các tổ chức tín dụng đã kê khai để nộp thuế GTGT.

“Hiện nay chúng tôi cùng ngân hàng xác định thư tín dụng gắn với với tín dụng đơn thuần thì không cần nộp thuế còn những giao dịch liên quan đến thanh toán thì phải nộp thuế”, ông Phụng nói.

Tuy nhiên, ông Phụng khẳng định, quan điểm của ngành thuế không bao giờ đặt vấn đề truy thu không theo quy định của pháp luật. Thời gian tới, các cơ quan nhà nước sẽ ngồi lại với nhau để tháo gỡ vần đề này trên tinh thần, đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đồng thời, tiếp tục lắng nghe để có thêm thông tin có quyết sách tham mưu cho Bộ Tài chính giải quyết vấn đề này.

An Nhiên

———————–

Tài chính doanh nghiệp (Thuế & cuộc sống) 11-6-2021:

https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/nen-thu-hay-khong-thu-thue-gtgt-doi-voi-thu-tin-dung-d20914.html

(95/1.210)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,088