2.725. Bùng nổ cho vay không gặp mặt

(TN) – Theo Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình, có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang hoạt động tại VN sau khi mô hình này đổ vỡ tại nước sở tại.

Sàn cho vay ngang hàng Tima có nhiều địa điểm giao dịch khắp nơi

Ảnh: Khả Hòa

Chỉ một thời gian ngắn, có hàng trăm công ty trong và ngoài nước tham gia lĩnh vực cho vay ngang hàng, không cần gặp mặt với mức lãi suất cực cao, trong đó có nhiều công ty đến từ Trung Quốc, đất nước vừa trải qua tình trạng vỡ nợ hàng loạt mô hình cho vay ngang hàng sau một thời gian nở rộ.

Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình mới đây đã gây choáng cho thị trường tài chính trong nước khi công bố, có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang hoạt động tại VN sau khi mô hình này đổ vỡ tại nước sở tại.

Hoạt động tại Công ty Vay Mượn – một trong nhiều công ty cung cấp dịch vụ P2P tại VN

Ảnh: Ngọc Thắng

Còn theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển công nghệ ngân hàng Đại học Quốc gia TP.HCM, tính đến tháng 5.2019 có 155 công ty công nghệ tài chính (Fintech) đang hoạt động ở VN. Trong đó tập trung nhiều ở mảng tiền số, chuyển tiền, blockchain, phân tích xếp hạng tín nhiệm thanh toán và ví điện tử. Riêng số đơn vị thực hiện cho vay là 25 DN. Trước đó, vào tháng 4, số liệu công bố khảo sát thị trường của các bộ ngành do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đưa ra cho biết tại VN có khoảng 40 công ty cho vay ngang hàng, trong đó có khoảng 10 công ty có nguồn gốc từ Trung Quốc, Indonesia, Singapore…

Lãi suất lên đến 600 – 700%/năm

Chưa biết con số chính xác là bao nhiêu nhưng những sàn giao dịch kết nối giữa người có tiền cho vay và người đi vay mà không cần gặp mặt (hay còn gọi là cho vay ngang hàng – P2P Lending) như Tima, Vaymuon.vn, Fiin, huydong.com, Doctordong… đã được nhiều người biết đến. Các gói vay được cung cấp tương tự với những công ty tài chính, từ tín chấp, thế chấp đến mua trả góp như vay tín chấp theo lương, vay trả góp theo ngày, vay theo sổ hộ khẩu, hóa đơn điện nước, vay cầm cố tài sản, vay cầm cố ô tô đang thế chấp ngân hàng, vay mua ô tô, nhà trả góp… đều có lãi suất “cắt cổ”.

Chủ tịch Tập đoàn NextTech Nguyễn Hòa Bình mới đây đã gây choáng cho thị trường tài chính trong nước khi công bố, có khoảng 60 – 70 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho vay ngang hàng của Trung Quốc đang hoạt động tại VN sau khi mô hình này đổ vỡ tại nước sở tại

Hôm qua (8.8), dạo một vòng qua các sàn cho vay ngang hàng trên thị trường cho thấy, lãi suất vẫn trên trời. Tại trang doctordong.vn, mức phí và lãi được giới thiệu nếu khách vay 1 triệu đồng trong 30 ngày thì tổng số tiền khách phải trả là 1.391.000 đồng. Tính ra cả lãi và phí tương ứng 39,1%/tháng, tương đương gần 470%/năm.

Chưa dừng lại ở đó, khách hàng còn phải đóng thêm phí dịch vụ tư vấn tài chính và phí quản lý khoản vay (phí này sẽ cụ thể theo giá trị từng khoản vay), phí bảo hiểm khoản vay hay sẽ chịu phạt 300.000 đồng/lần nếu thanh toán trễ hạn… Tương tự, nhiều sàn cho vay qua mạng khác chỉ giới thiệu lãi suất từ 1,2 – 2%/tháng, tương đương tối đa chỉ 24%/năm.

Nhưng hàng loạt chi phí khác mà khách hàng sẽ phải trả thêm như phí quản lý khoản vay, phí phạt trễ hạn, phí bảo hiểm, phí tư vấn… thì người vay tiền qua các dịch vụ trên mạng có thể sẽ trả tổng cộng với lãi suất cắt cổ lên đến 600 – 700%/năm.

Lãi suất cắt cổ, cao hơn cả lãi “chợ đen” nhưng dịch vụ này vẫn thu hút khá nhiều người, bởi việc giao dịch theo kiểu thuận mua vừa bán nên diễn ra nhanh chóng và đặc biệt giảm hàng loạt thủ tục giấy tờ. Đối với nhà đầu tư, lợi nhuận cao hơn rất nhiều so với gửi tiết kiệm nên họ vẫn bất chấp rủi ro hòng kiếm lợi.

Vỡ ở Trung Quốc, tràn sang VN?

Theo thông tin đăng trên Bloomberg hồi đầu năm nay, tổng nợ xấu của cho vay ngang hàng tại Trung Quốc lên tới 192 tỉ USD. Hơn 50 triệu người tham gia vào sàn giao dịch cho vay trực tuyến trước đó đã mất trắng, nợ nần, thậm chí phải tìm đến cái chết. Do đó, dù không có số liệu chính xác bao nhiêu công ty đang cho vay ngang hàng cũng như số lượng DN nước ngoài vào VN, nhưng ông Trần Đại Dương, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Interloan (đơn vị quản lý sàn P2P Interloan vừa được triển khai), thừa nhận: Bên cạnh những công ty trong nước, trên thị trường có xuất hiện một số công ty P2P có vốn nước ngoài. Thị trường P2P của Trung Quốc cũng chia thành 2 nhóm: nhóm hoạt động bài bản và nhóm còn lại không bài bản, không có biện pháp bảo vệ nhà đầu tư tham gia cho vay, lãi suất cho vay cao.

“Trong trường hợp những công ty P2P nước ngoài thuộc nhóm thứ 2 vào sẽ ảnh hưởng xấu cho thị trường. Chúng tôi mong chờ cơ quan chức năng sớm có những quy định về các hoạt động cho vay ngang hàng để những công ty đáp ứng được các điều kiện có thể hoạt động tốt hơn”, ông Dương cảnh báo và đề xuất.

Trước đó, Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) đã nhiều lần đưa ra cảnh báo về việc người tiêu dùng cần nghiên cứu kỹ trước khi chấp nhận vay qua mạng, đặc biệt về lãi suất và các loại phí khác. Mới đây vào giữa tháng 7, NHNN cũng phát đi cảnh báo về dịch vụ cho vay ngang hàng tại VN. Theo đó, một số đối tượng có thể lợi dụng mô hình P2P thực hiện hành vi bất hợp pháp như: tín dụng đen, cho vay nặng lãi, cho vay cầm đồ biến tướng, hoạt động tài chính đa cấp, chiếm dụng vốn của người dân… Trong một số trường hợp, công ty P2P Lending và công ty cầm đồ có dấu hiệu vi phạm luật Các tổ chức tín dụng khi thực hiện hoạt động ngân hàng dưới hình thức cấp tín dụng. NHNN nhấn mạnh pháp luật VN hiện nay chưa có quy định về hoạt động P2P Lending, nên hoạt động này có nguy cơ bị tấn công mạng đánh cắp thông tin gây thiệt hại cho các bên tham gia.

Không ai quản lý sàn cho vay

Hầu hết những công ty đang cung cấp dịch vụ vay qua mạng đều công bố đăng ký giấy phép hoạt động qua sở kế hoạch – đầu tư các tỉnh, thành. Ví dụ sàn octordong.vn có đơn vị chủ quản là Công ty TNHH MTV tư vấn tài chính LGC được Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.HCM cấp ngày 25.12.2015.

Theo thông tin trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN, đây là công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là hỗ trợ dịch vụ tài chính chưa được phân vào đâu (trừ bảo hiểm và bảo hiểm xã hội). Bên cạnh đó, còn đăng ký hoạt động khác như điều hành các website sử dụng công cụ tìm kiếm; Lập trình máy vi tính; Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan…

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Tima (sở hữu sàn cho vay tima.vn) được cấp phép kinh doanh bởi Sở Kế hoạch – Đầu tư TP.Hà Nội với các ngành nghề hoạt động gồm đại lý môi giới, đấu giá hàng hóa; Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Lập trình máy vi tính; Xử lý dữ liệu, cho thuê và các hoạt động liên quan…

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, nhận định các DN thực hiện dịch vụ P2P hiện nay đăng ký qua các ngành nghề làm dịch vụ, tư vấn tài chính thì không phải là ngành kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, các DN có thể đăng ký 10 ngành nghề, nhưng cũng có thể lên 400 ngành khác nhau mà không ai cấm.

Và thực tế sau đó, DN hoạt động thế nào, có đúng ngành nghề kinh doanh hay không thì không ai biết. Chỉ khi nào có khiếu kiện thì mới áp dụng các luật liên quan xử lý. Hơn nữa, các quy định hiện hành của VN vẫn cho phép nhiều tổ chức cho vay như tiệm cầm đồ. Tuy nhiên, P2P là hoạt động có sự pha trộn giữa nhiều loại hình khác nhau. Nếu NHNN xem nó là một ngành kinh doanh có điều kiện thì cần sớm ban hành khung pháp lý để có sự quản lý, tránh những rủi ro lan truyền khiến hàng triệu người bị mất tiền.

Đồng quan điểm, theo TS Nguyễn Khắc Bảo, Trưởng khoa Tài chính (Trường ĐH Kinh tế TP.HCM), nhiều nước và VN vẫn khá lúng túng trong việc quản lý các loại hình kinh doanh mới. Nhà nước cần phải đưa ra thông điệp rõ ràng hơn. Đó là cần tạo ra hành lang pháp lý liên quan để DN yên tâm hoạt động, hạn chế rủi ro cho người tiêu dùng.

Dịch vụ này nên cần được quản lý, phải sớm đưa ra các quy định liên quan. Ví dụ như chỉ cho vay tối đa bao nhiêu? Hoặc người tham gia cho vay tối đa là bao nhiêu? Không thể cứ cảnh báo chung chung mãi còn các dịch vụ vẫn phát triển và hệ lụy sẽ khó lường cho cả nền kinh tế.

Luật sư Trương Thanh Đức

Tổng giá trị cho vay ước đến năm 2019 khoảng 181 tỉ USD và đến năm 2023 vào khoảng 290 tỉ USD với 51 triệu khoản vay, Trung Quốc đang dẫn đầu thị trường cho vay ngang hàng trên toàn cầu. Các loại hình P2P Lending phổ biến hiện nay là cho DN vay (kinh doanh, mua tài sản, các khoản phải thu, nông nghiệp) và cho cá nhân vay (tiêu dùng, mua ô tô, mua nhà, cầm đồ). Tại VN, sự tăng trưởng các dịch vụ P2P Lending khá nhanh chóng. Năm 2019 khoảng 32 triệu khoản vay, với tốc độ tăng trưởng 5,8% thì đến năm 2023 sẽ có khoảng 41 triệu khoản vay.

Ông Bradley C.Lalonde (đồng sáng lập, thành viên điều hành Công ty quản lý Quỹ đầu tư Vietnam Partners)

 

Mai Phương – Thanh Xuân

—————–

Thanh niên (Tài chính KD) 09-8-2019:

https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/bung-no-cho-vay-khong-gap-mat-1112577.html

(251/1.930)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,848