(CT) – Hoạt động thư tín dụng (L/C) phải thu thuế giá trị gia tăng (GTGT) là vấn đề đang gây tranh cãi trong thời gian gần đây. Đặc biệt, việc ngành Thuế “hồi tố”, truy thu thuế GTGT đối với dịch vụ L/C trong 10 năm năm qua tạo gánh nặng tài chính lớn đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) và khách hàng doanh nghiệp.
Không khả thi khi truy thu thuế dịch vụ L/C
Tại Tọa đàm trực tuyến “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng” diễn ra chiều 11/5, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) – cho biết: L/C là một phương thức bảo lãnh thanh toán quốc tế, thực chất là một cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành, bảo đảm là người mua sẽ thanh toán tiền mua hàng hóa cho người bán khi các điều kiện quy định trong L/C được thực hiện đúng và đầy đủ. Trong nhiều năm qua, các TCTD vẫn thực hiện đầy đủ theo quy trình này.
Tuy nhiên, ngày 22/4/2020, Tổng cục Thuế có Văn bản số 1606/TCT-DNL chỉ đạo các Cục thuế địa phương: L/C là hình thức cung ứng dịch vụ thanh toán theo quy định tại Khoản 15 Điều 4 Luật các TCTD 2010, do vậy sẽ thuộc đối tượng chịu thuế VAT. Theo đó, các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C phải chịu thuế giá trị gia tăng kể từ ngày 1/1/2011. “Điều này ảnh hưởng không nhỏ tới các TCTD và chính doanh nghiệp”, Phó Chủ tịch VCCI nhấn mạnh.
Ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI – phát biểu tại tọa đàm |
Ông Phòng nêu dẫn chứng, về phía các TCTD, điều khiến các ngân hàng lo lắng nhất hiện nay là khả năng bị “hồi tố”. Hiện các cơ quan thuế địa phương đang yêu cầu TCTD rà soát, kê khai và nộp thuế đối với các khoản thu từ L/C phát sinh từ ngày 1/1/2011. Các ngân hàng thương mại cũng băn khoăn do bản chất thuế GTGT là thuế gián thu, nên việc “hồi tố”, truy thu thuế này đối với dịch vụ L/C trong 10 năm qua là hoàn toàn không khả thi và bất hợp lý, tạo ra gánh nặng tài chính rất lớn đối với các TCTD và chính doanh nghiệp.
Phát biểu tại toạ đàm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng (VNBA) – cho biết: Hiện phần lớn các nước trong khu vực và trên thế giới không áp dụng thu thuế GTGT của khách hàng đối với nghiệp vụ L/C như: Singapore, Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc, Australia, UK, EU. Ngoài ra có một số quốc gia, vùng lãnh thổ áp thuế trực tiếp (thuế thu nhập doanh nghiệp) đối với nghiệp vụ L/C (không phải là thuế gián thu như thuế GTGT) như: Thái Lan, Philippines, Trung Quốc, Đài Loan.
Theo ông Hùng, việc Tổng cục Thuế thu thuế GTGT đối với dịch vụ L/C là chưa phù hợp thông lệ quốc tế và pháp luật chuyên ngành ngân hàng, ảnh hưởng đến cả ngân hàng và doanh nghiệp, vì thuế GTGT là thuế gián thu (thu từ khách hàng), do vậy, từ nay, khi các doanh nghiệp có nhu cầu phát hành L/C, các ngân hàng sẽ thu thuế GTGT của doanh nghiệp, làm tăng chi phí của doanh nghiệp. Ngoài ra, các doanh nghiệp có thể bị truy thu nộp bổ sung tiền thuế GTGT đã phát sinh từ đầu năm 2011 đến nay cho ngân hàng để nộp ngân sách. Điều này, tạo gánh nặng rất lớn cho doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến ngày càng phức tạp, các doanh nghiệp đều đang hết sức khó khăn, Chính phủ và ngành ngân hàng đang có nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.
“Trong 10 năm qua đã có rất nhiều thay đổi, vì vậy theo VNBA, có thể có nhiều khách hàng không còn quan hệ giao dịch với TCTD hoặc đã giải thể, phá sản nên TCTD không thể thu thuế bổ sung từ khách hàng được và các TCTD cũng không thể ứng tiền ra để nộp thay cho doanh nghiệp” – Tổng Thư ký VNBA nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quốc Hùng – Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng – phát biểu tại toạ đàm |
Đồng quan điểm và nhìn nhận dưới góc độ thực tế của ngân hàng, bà Phùng Nguyễn Hải Yến – Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – chia sẻ: Các khoản thu liên quan đến L/C mà các TCTD đã thu của khách hàng trong giai đoạn trước đây theo biểu phí công bố tại từng thời điểm thu phí, khả năng để được các khách hàng nộp bổ sung thuế GTGT do quy định lại thuế suất là rất khó. Đối với các TCTD, nộp bổ sung thuế, phạt kê khai sai và tiền chậm nộp thuế GTGT với số tiền rất lớn. Phạt kê khai sai và tiền chậm nộp không có nguồn phù hợp để thực hiện…
Dưới góc nhìn của doanh nghiệp, đại diện Tổng công ty May 10 cho biết, thuế VAT là thuế đánh vào giá trị gia tăng, vào người tiêu dùng cuối cùng. Người dùng L/C là doanh nghiệp còn người tiêu dùng cuối cùng sẽ không dùng đến. Với L/C ngân hàng có phát hành và tính thuế GTGT thì doanh nghiệp sẽ kê khai khấu trừ đầu vào, ngân hàng thu thuế thì doanh nghiệp kê khai khấu trừ thuế, Nhà nước cũng không gia tăng ngân sách.
“Đối với doanh nghiệp, có đến 80% doanh thu từ xuất khẩu như Công ty May 10, hoàn thuế thường xuyên trong đó chi phí ngân hàng được hoàn thuế là dài nhất trong bảng kê. Do vậy, việc hồi tố thuế L/C sẽ không làm tăng thêm ngân sách cho quốc gia”, đại diện Tổng công ty May 10 phân tích.
Tìm giải pháp hài hòa lợi ích của các bên
Tại buổi tọa đàm, ông Nguyễn Xuân Bắc – Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) – cho rằng, L/C là hoạt động “lưỡng tính” vừa mang tính chất tín dụng, vừa mang tính chất thanh toán. Bản chất tín dụng của L/C là không thể phủ nhận. L/C mang bản chất là bảo lãnh trung gian giữa người mua và người bán, để đảm bảo hợp đồng được thực hiện.
Về mặt cơ sở pháp lý, ông Bắc cho rằng, nếu chỉ trích dẫn khoản 15, Điều 4 Luật các TCTD 2010 là chưa đầy đủ, mà cần phải trích dẫn thêm, ví như: Khoản 4, Điều 14; khoản 3, Điều 98… cũng tại Luật các TCTD 2010 thì mới hiểu đầy đủ bản chất của nghiệp vụ L/C.
Chiếu theo các điều luật tại Luật các TCTD 2010 thì Luật các TCTD 2010 không phủ nhận bản chất “lưỡng tính” của L/C. Như vậy, bản chất của L/C không thay đổi, các pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng vẫn theo mạch cũ cho rằng: L/C có hai bản chất vừa là cấp tín dụng vừa là thanh toán.
Trên thực tế, khi Bộ Tài chính có Công văn 11754/BTC-CST, các TCTD vẫn thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn về thuế đối với nghiệp vụ L/C. “Chúng tôi đề nghị không truy thu thuế L/C từ năm 2010. Nếu thực hiện theo Công văn 1606 sẽ tăng gánh nặng cho ngân hàng. Bởi, nếu phải nộp bổ sung thì việc phải tìm lại khách hàng sẽ không khả thi vì nhiều doanh nghiệp đã phá sản hoặc không còn giao dịch với khách hàng; truy thu thuế lại khách hàng từ 10 năm trước sẽ tạo áp lực lên việc kê khai và điều chỉnh thuế của khách hàng; truy thu thuế và tiền phạt (nếu có) sẽ tăng gánh nặng cho ngân hàng trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp” – ông Bắc nhấn mạnh.
Toạ đàm “Thuế GTGT với hoạt động thư tín dụng” diễn ra dưới hình thức trực tuyến |
Đại diện ngành Thuế, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Tổng cục Thuế – nhấn mạnh: Nếu nói Văn bản số 1606 của Tổng cục Thuế yêu cầu các khoản thu liên quan nghiệp vụ L/C bất kể có bảo lãnh hay không có bảo lãnh đều phải chịu thuế GTGT kể từ ngày 1/1/2011 là chưa đúng. Ông Phụng cho rằng, quá trình rà soát việc thực hiện Luật thuế GTGT và các pháp luật liên quan đối với nghiệp vụ thư tín dụng cho thấy sự không thống nhất trong nhận thức cũng như sự thực thi. Cơ quan thuế, ngân hàng mỗi nơi thực hiện một khác. Do đó, Tổng cục Thuế chỉ đạo các cơ quan thuế địa phương rà soát xem các ngân hàng đang thực hiện như thế nào để hướng dẫn họ thực hiện đúng quy định pháp luật.
“Hiện tại, cơ quan thuế và các ngân hàng đang cùng nhau xem lại, phần nào gắn với tín dụng thì khoanh lại không phải nộp, phần nào gắn với thanh toán thì nộp thuế GTGT. Các ngân hàng đều đang phối hợp mở lại sổ sách, dữ liệu để phân tích hoạt động L/C” – ông Phụng cho hay.
Để đảm bảo hài hòa lợi ích, các diễn giả đều thống nhất các bên cần ngồi lại với nhau để tìm ra giải pháp để tháo gỡ vần đề này trên tinh thần đúng pháp luật, đúng thẩm quyền. Đồng thời, các bên (đặc biệt là ngành Thuế) cần tiếp tục lắng nghe để có thêm thông tin có quyết sách tham mưu cho Bộ Tài chính giải quyết vấn đề này.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI – cho rằng: “Thu thuế với L/C, nếu nói một cụm L/C thì vừa đúng luật vừa trái luật. Đúng với phần dịch vụ thanh toán và sai với phần tín dụng, trong khi đó L/C là thư tín dụng. Mặc dù khái niệm cơ bản vẫn còn nhiều rắc rối, chúng ta nên bóc tách nghiệp vụ và giải quyết. Ngành thuế và ngân hàng cần ngồi lại cùng nhau và bóc tách ra, cái gì thu cái gì không cho rõ ràng”.
Hoàng Lan
———————–
Công thương (Ngân hàng) 12-5-2021:
(96/1.799)