2.735. Sẽ gắn nhãn như thế nào?

(ĐBND) – Theo dự thảo Thông tư quy định cách xác định sản phẩm, hàng hóa là của Việt Nam hoặc sản xuất tại Việt Nam do Bộ Công thương vừa công bố, một hàng hóa chỉ được xác định là hàng Việt Nam khi đồng thời thỏa mãn điều kiện: Công đoạn cuối cùng không phải gia công đơn giản và hàm lượng giá trị gia tăng nội địa tối thiểu là 30%. Một số ý kiến cho rằng, tỷ lệ bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là hàng hóa không đạt tỷ lệ này sẽ gắn nhãn như thế nào?

Tỷ lệ 30% có hợp lý không?

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, trong khi năng lực của doanh nghiệp Việt Nam còn yếu, việc đặt ra tỷ lệ 30% là hợp lý, nếu cao hơn doanh nghiệp sẽ khó đáp ứng. Thực tế, ngoài những mặt hàng nông sản được sản xuất hoàn toàn từ Việt Nam, còn lại tất cả các đồ dùng khác, đặc biệt là hàng sử dụng công nghệ, công nghiệp cao thì phần lớn nguyên liệu phải nhập khẩu. Tuy nhiên, theo ông Long, dự thảo Thông tư vẫn chưa bao quát hết những khả năng có thể xảy ra. Ví dụ, trường hợp mặt hàng không đạt hàm lượng giá trị gia tăng như quy định thì sẽ gắn nhãn như thế nào? “Dự thảo Thông tư phải quy định cụ thể hơn nữa”, ông Long nói.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty Luật ANVI Trương Thanh Đức cho rằng, đặt hàm lượng giá trị gia tăng nội địa bao nhiêu không quan trọng, có thể là 20%, 30% hay lên đến 80%. Quan trọng là những mặt hàng có giá trị gia tăng dưới mức đặt ra thì gọi là gì, giải quyết như thế nào. “Phải có cách xử lý chứ không thể không ghi gì, nếu không hóa ra là hàng giả hay sao?” – ông Đức nêu ý kiến.

Mới đây, đại diện Bộ Công thương cho biết: Đối với doanh nghiệp nhập khẩu đầu vào từ nhiều nước khác nhau, sản phẩm cuối cùng lại không đủ điều kiện để thể hiện là hàng hóa của Việt Nam thì doanh nghiệp sẽ thể hiện xuất xứ theo quy định Nghị định số 43/2017NĐ-CP quy định nhãn hàng hóa. Điều này có nghĩa doanh nghiệp tự xác định và tự chịu trách nhiệm, miễn là đừng ghi xuất xứ Việt Nam.

Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng lý giải như vậy không phù hợp và không thuyết phục. “Việt Nam đã mở cửa sâu rộng để hòa nhập vào thị trường thế giới, do đó nhóm hàng hóa có tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng dưới chuẩn sẽ ngày càng nhiều. Chúng ta phải giải quyết tổng thể chứ không chỉ giải quyết phần ngọn. Tức là, hãy giải quyết được bài toán “đặt tên” xuất xứ cho nhóm sản phẩm dưới mức tỷ lệ đặt ra, sau đó, mới đến tìm con số cụ thể”. Và theo ông Đức, hàm lượng giá trị gia tăng đạt 50% mới hợp lý.

Bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, áp dụng tỷ lệ 30% cho tất cả mặt hàng là không hợp lý. Đối với các ngành sử dụng nhiều lao động như dệt may, da giày thì hàm lượng giá trị gia tăng đạt 30% không khó. Nhưng với những ngành sử dụng ít lao động, chi phí nguyên vật liệu lớn thì tỷ lệ này lại trở thành trở ngại cho doanh nghiệp. Do đó, dự thảo Thông tư quy định cần phân loại theo nhóm sản phẩm, ví dụ sản phẩm cơ khí, sản phẩm điện tử, sản phẩm thô sơ, sản phẩm truyền thống… Trong từng sản phẩm phải quy định những bộ phận chính do doanh nghiệp Việt làm mới được coi là hàng Việt Nam.

Trước đó, trong cuộc trao đổi với báo chí ngày 14.8, Thứ trưởng Bộ Công thương Trần Quốc Khánh giải thích chi tiết vì sao tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa không cao hơn 30%, thậm chí tới 50% hoặc 60% như một số quốc gia. Ông Khánh nói, nếu bổ sung điều kiện sẽ dẫn tới tình huống “oái oăm” là cả thế giới công nhận, còn riêng Việt Nam lại không công nhận một sản phẩm nào đó là của mình. Bởi thực tế, nhiều sản phẩm Việt Nam chỉ cần đáp ứng hàm lượng gia tăng nội địa 30% đã được công nhận là xuất xứ Việt Nam khi xuất khẩu ra thế giới.

Không nên cấm ghi tiếng nước ngoài song song

Dự thảo Thông tư dự kiến áp dụng cho hàng lưu thông trên thị trường Việt Nam, bao gồm cả hàng nhập khẩu vào Việt Nam. Vì thế, theo dự thảo, hàng hóa không được ghi nhãn bằng tiếng nước ngoài, ví dụ “made in Vietnam” hay “product of Vietnam” mà ngôn ngữ thể hiện bắt buộc phải là tiếng Việt.

Theo Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) Trần Hữu Huỳnh, về lý thuyết, hàng nội địa phục vụ cho tiêu dùng trong nước sẽ ghi tiếng Việt để dễ nhận biết. Nhưng trong trường hợp hàng hóa đó được mua lại để xuất khẩu, khi đó họ sẽ ghi như thế nào? Chính quy định này lại trở thành rào cản, trở ngại, bởi vì hàng hóa tùy thuộc vào thị trường yêu cầu. Việt Nam đang hòa nhập rất sâu rộng, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam cũng rất nhiều, các cá nhân nước ngoài đến Việt Nam với nhiều mục đích khác nhau như du lịch, định cư rất đông, chứ không phải chỉ có riêng người Việt Nam sinh sống. Nếu quy định như trên sẽ hạn chế việc tiêu thụ hàng hóa, ông Huỳnh nói.

Hơn nữa, khi doanh nghiệp có cơ hội xuất khẩu hàng hóa sang các nước khác thì việc quy định không được ghi ngôn ngữ nước ngoài sẽ không phù hợp. Theo ông Huỳnh, “không ai chỉ nghĩ lô hàng này bán trong nội địa, còn lô kia để xuất khẩu cả”, do vậy không cần thiết phải quy định bắt buộc không được ghi tiếng nước ngoài.

Quy định bắt buộc ghi tiếng Việt trong thị trường nội địa là nguyên tắc quốc gia, mỗi cửa hàng cửa hiệu phải ghi bằng tiếng Việt, tiếng nước ngoài phải viết nhỏ hơn. Theo Luật sư Trương Thanh Đức, nếu xác định là hàng tiêu thụ trong nước thì bắt buộc phải ghi tiếng Việt, tuyệt đối không được chỉ ghi tiếng nước ngoài, nhưng không nên cấm ghi thêm tiếng nước ngoài song song, bởi vì rất nhiều người nước ngoài ở Việt Nam mua hàng.

Ngoài ra, các chuyên gia cũng cho rằng, Thông tư mang tính chất khuyến nghị, hướng dẫn thực hiện. Khi xảy ra tranh chấp sẽ dựa vào đó để giải quyết thông qua các cơ quan, tổ chức thứ ba. Do đó, Bộ Công thương không cần phải đứng ra cấp phép hay làm giấy chứng nhận khiến phát sinh chi phí. Doanh nghiệp sẽ tự công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm của mình.

Tuệ Anh

—————–

Đại biểu Nhân dân (Kinh tế) 19-8-2019:

http://www.daibieunhandan.vn/default.aspx?tabid=75&NewsId=424255

(292/1.265)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,849