2.742. Tài khoản bốc hơi vì chiêu lừa “nhân viên ngân hàng”

(IFM) – Gần đây, khách hàng của nhiều nhà băng tá hỏa bởi tài khoản ngân hàng “bốc hơi” sau khi nhận được cuộc điện thoại yêu cầu cấp mã OTP của các đối tượng tự xưng là nhân viên ngân hàng. Chiêu lừa đảo này không mới, nhưng ngày càng tinh vi.

Cùng với sự phát triển kinh tế số, các chiêu lừa đảo trong lĩnh vực ngân hàng đang ngày càng tinh vi hơn

Nghe điện thoại, mất hàng chục triệu đồng

Chia sẻ với phóng viên Báo Đầu tư, anh Đoàn Trần Tuấn Tú, đại lý vé máy bay Lion Fly – chủ thẻ Techcombank – cho biết, cách đây không lâu, anh nhận được tin nhắn đặt vé của một nữ khách hàng qua Facebook. Trong quá trình trao đổi, người này gửi cho anh Tú toàn bộ hình chụp hộ chiếu, Visa, thẻ ngân hàng của cá nhân lẫn chồng, con (các thông tin hoàn toàn trùng khớp với tài khoản Facebook).

Sau khi tạo được niềm tin cho anh Tú, đối tượng cho biết sẽ chuyển tiền quốc tế Western Union để thanh toán tiền vé và gửi link chuyentienquocte… để anh Tú đăng nhập. Sau đó, một số điện thoại lạ gọi đến, tự xưng là nhân viên ngân hàng, yêu cầu anh Tú cung cấp mã OTP và địa chỉ email để nhận tiền. Ngay sau khi cung cấp, tài khoản của anh Tú bị trừ gần như toàn bộ (9,9 triệu đồng).

“Bản thân tôi là người rất cẩn trọng, cũng đọc rất nhiều bài báo về tình trạng giả nhân viên ngân hàng và lừa đảo liên quan đến chuyển tiền quốc tế, thế nhưng không hiểu sao lúc đó cứ như bị thôi miên”, anh Tú cho biết.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Hồng Nhung, một khách hàng của Vietcombank cho biết, giữa tháng 8/2019, một người tự xưng là nhân viên Vietcombank gọi đến, thông báo có một khoản tiền gửi đến tài khoản của chị bị treo và yêu cầu chị cung cấp một số thông tin để hoàn tất thủ tục nhận tiền, bao gồm cả mã OTP. Ngay sau khi chị Nhung cung cấp thông tin, tài khoản bị trừ toàn bộ tiền. Một người bạn của chị Nhung cũng bị mất 15 triệu đồng với chiêu lừa như vậy.

Trên các diễn đàn trên mạng xã hội, hình thức lừa đảo trên được các đại lý bán vé máy bay, các shop bán hàng online đưa ra để cảnh tỉnh lẫn nhau từ lâu. Có người bị mất hàng trăm triệu đồng. Do đó, kinh nghiệm được các đại lý vé và cộng đồng bán hàng online chia sẻ là cứ khách đòi chuyển tiền quốc tế và bắt nhập link nhận tiền hoặc có điện thoại lạ tự xưng nhân viên ngân hàng đòi mã OTP thì phải ngay lập tức chặn vì 100% là lừa đảo.

Mới đây nhất, ngày 22/8, công an TP. Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã tiếp nhận đơn của anh Đ.T, khách hàng Vietcombank. Theo trình báo của anh T., ngay sau khi anh thực hiện giao dịch chuyển tiền cho vợ anh, thì lập tức có người tự xưng là nhân viên Vietcombank gọi đến, yêu cầu anh T. báo vợ chuyển lại số tiền 70 triệu đồng trên do đang bị lỗi. Khi anh T. không đồng ý, đối tượng “đổi chiêu” yêu cầu anh giữ máy để xác nhận các mã tổng đài gửi về (để xác nhận giao dịch này là đúng chủ, không bị lỗi). Không nghi ngờ, ngay sau đó tổng đài gửi về 3 mã xác nhận OTP qua điện thoại, anh T. mất cảnh giác và đã đọc cho “nhân viên rởm” trên. Vừa đọc xong, toàn bộ số dư trong tài khoản của anh (gần 10 triệu đồng) cũng đội nón ra đi.

Cung cấp thông tin mật khẩu, mã OTP: Giao chìa khóa cho kẻ trộm

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính – ngân hàng, với các trường hợp khách hàng để lộ thông tin bảo mật như trên, dù “tường lửa” của ngân hàng vững chắc đến đâu thì cũng không thể phát hiện được. Trên thực tế, theo TS. Lực, nhiều khách hàng vẫn còn cả tin, dễ dãi, chưa bảo mật tốt thông tin cá nhân của mình, cho người quen mượn tài khoản giao dịch… Do đó, để phòng ngừa rủi ro, ngoài việc đầu tư cho công nghệ bảo mật của ngân hàng, bản thân khách hàng cũng phải nâng cao ý thức bảo mật.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, không phải trường hợp tài khoản bốc hơi nào cũng là do lỗi của ngân hàng. Với các ví dụ trên, rõ ràng, khách hàng đã bị lừa vì sự chủ quan của mình.

Trên thực tế, các chiêu lừa trên rất “kinh điển”, đã xuất hiện nhiều năm nay. Chưa kể, hầu hết các ngân hàng đều đã có thông báo, gửi thư hoặc tin nhắn cảnh báo tới khách hàng. Tuy vậy, vẫn có khách hàng mắc lừa do đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank cho biết, cùng với sự phát triển của công nghệ, các ngân hàng cũng luôn phải đấu tranh với các thủ đoạn lừa đảo tinh vi lợi dụng thông tin, đáng chú ý là tình trạng giả danh cán bộ ngân hàng, yêu cầu khách hàng cung cấp mã OTP để chiếm đoạt tiền của khách hàng, làm tổn hại đến uy tín nhà băng.

Thực tế, một số ngân hàng như VPBank trong tin nhắn cung cấp mã OTP cho khách hàng đã có khuyến cáo: “Không cung cấp mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng”, song nhiều người vẫn lơ là, mất cảnh giác và sập bẫy kẻ gian.

Nhiều khách hàng cho hay, khi bị mất tiền trong tài khoản, họ phản ánh lên ngân hàng thì được tư vấn báo công an để điều tra. Tuy nhiên, cơ hội đòi lại được tiền là rất thấp, ngay cả khi ngân hàng hỗ trợ phong tỏa tài sản của bên nhận tiền, vì thường đối tượng rút sạch tiền từ tài khoản ngay sau khi lừa thành công.

Giới chuyên gia khuyến cáo, ngân hàng số phát triển, các hình thức lừa đảo trên môi trường mạng cũng ngày càng tinh vi và chuyên nghiệp hơn. Đặc biệt, giới tiểu thương, những người bán hàng online là đối tượng bị giới lừa đảo nhắm tới. Để bảo vệ bản thân, bản thân chủ tài khoản các ngân hàng cũng phải nâng cao kiến thức tài chính, thực hiện các nguyên tắc bảo mật, đặc biệt bảo mật mã pin, mật khẩu truy cập, OTP, mật khẩu email… Nếu cung cấp các thông tin này cho bên thứ ba thì không khác gì giao chìa khóa cho kẻ trộm.

“Ngân hàng đã nhiều lần khuyến cáo khách hàng là không cung cấp thông tin thẻ, mã OTP theo yêu cầu từ các cuộc gọi lạ xưng danh là nhân viên ngân hàng hoặc đối tác ngân hàng. Thực tế, ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân, thông tin bảo mật, đặc biệt là mật khẩu, mãi truy cập, mã OTP… Vì vậy, nếu có người tự xưng là nhân viên ngân hàng yêu cầu cung cấp những thông tin này, chắc chắn đó là đối tượng lừa đảo”.

Ông Nguyễn Thành Long, Phó tổng giám đốc VPBank

Hà Tâm

—————–

Infomoney 27-8-2019:

https://infomoney.vn/tai-khoan-boc-hoi-vi-chieu-lua-nhan-vien-ngan-hang-d106088.html

(56/1.313)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,842