(TN&MT) – Sự phát triển ổn định của thị trường bất động sản thời gian qua có sự đóng góp lớn lao của báo chí. Báo chí chính là cầu nối giúp cơ quan quản lý hoàn thiện hệ thống pháp luật, giúp nhà đầu tư có thông tin kịp thời, minh bạch và chính xác nhất.
Lực lượng “113” của thị trường BĐS
Một thập kỷ qua, thị trường bất động sản đã có bước phát triển ổn định và bền vững. Nhiều chính sách pháp luật về đất đai, xây dựng, đầu tư đã được hoàn thiện giúp thị trường ngày càng trở nên minh bạch.
Nhớ lại thời điểm tác nghiệp cách đây 10 năm, nhà báo Phạm Minh Thắm – phụ trách chuyên mục Kinh tế (Thời báo Doanh nhân) chia sẻ: Năm 2008, khi loại hình nhà chung cư bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội, việc giao dịch giữa chủ đầu tư – sàn phân phối – khách hàng diễn ra rất lộn xộn do luật pháp chưa quy định cụ thể về loại hình nhà ở này.
Phổ biến nhất là tình trạng bán nhà “trên giấy” dưới hình thức hợp đồng góp vốn, hợp đồng vay vốn. Dự án chưa được giao đất, chưa giải phóng xong mặt bằng, chưa làm bất cứ thủ tục pháp lý gì vẫn được đem ra bán. Nội dung hợp đồng góp vốn trả bằng lãi suất nhưng kèm theo cam kết bán nhà. Đến khi dự án không triển khai, người mua nhà tại nhiều dự án đã làm đơn khiếu kiện, gây bất ổn cho xã hội.
Một góc khu đô thị Xa La quận Hà Đông (Hà Nội). Ảnh: Hoàng Minh |
“Ngày đó, các tòa soạn nhận rất nhiều đơn khiếu kiện. Bản thân tôi đã viết hàng chục bài báo để phản ánh bất cập về việc “bán nhà trên giấy”. Nhiều dự án như chung cư Hesco Văn Quán (Hà Đông), chung cư Vân Canh, hay dự án Tricom (Hoài Đức) đến bây giờ vẫn chưa giải quyết tranh chấp xong. Bởi, chủ đầu tư sau khi huy động cả trăm tỷ đồng của khách hàng nhưng vẫn không triển khai dự án” – Nhà báo Phạm Minh Thắm chia sẻ.
Sau khi báo chí phản ánh nhiều về thực trạng này, các Bộ, ngành liên quan đã đồng loạt bổ sung và đưa thêm các điều khoản vào 2 bộ Luật quan trọng là Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở. Kèm theo đó là Nghị định 71 và các Thông tư hướng dẫn ra đời.
Trong đó quy định rõ, việc bán nhà hình thành trong tương lại phải đảm bảo các yêu cầu cụ thể: chủ đầu tư phải thực hiện xây dựng xong cốt 00; có văn bản bảo lãnh của ngân hàng, đồng thời phải được Sở Xây dựng xác nhận dự án đủ điều kiện để bán hàng… thì mới được ký hợp đồng mua bán. Nhờ đó, người mua nhà không còn mua phải rủi ro.
“Khi Nghị định 71/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực, thị trường trở nên minh bạch hơn. Các dự án chấm dứt tình trạng huy động vốn bất hợp pháp, các vụ tranh chấp cũng đã giảm đi rất nhiều. Tôi thực sự thấy vui mừng bởi từ những bài báo phản ánh thực tiễn đã tác động được đến cơ quan quản lý. Các bộ luật được ban hành ngày càng chặt chẽ, rõ ràng” – nhà báo Nguyễn Yến, Báo điện tử VTC News đánh giá.
Từ đầu năm đến nay, trên thị trường bất động sản đã xảy ra hiện tượng tăng trưởng bất thường tại nhiều khu vực như Bắc Giang, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Khánh Hòa… Chỉ trong 1 – 2 tháng, giá đất tăng 20 – 40%.
Trước thực tế này, nhiều cơ quan báo chí đã vào cuộc điều tra. Hàng trăm bài báo đã ra đời vạch trần thủ đoạn làm giá, tạo sóng ảo của các chủ đầu tư, các sàn bất động sản và các nhà đầu tư để cảnh báo người mua nhà.
Ngay lập tức, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng, Bộ Công an, các tỉnh thành nhanh chóng vào cuộc để chấn chỉnh việc mua bán, giao dịch đất đai. Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thành lập đoàn thanh kiểm tra các khu vực đất đai nóng. Đồng thời, yêu cầu các địa phương siết chặt tình trạng tự ý phân lô, bán nền góp phần hạ nhiệt được cơn sốt đất.
Đánh giá về vấn đề này, ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhận định, báo chí không chỉ là cầu nối giúp phổ biến cơ chế, chính sách, pháp luật từ cơ quan quản lý đến doanh nghiệp, nhà đầu tư về tình hình bất động sản mà qua đó còn chuyển tải các phản ánh, kiến nghị, nguyện vọng của nhà đầu tư, doanh nghiệp và người tiêu dùng đến cơ quan quản lý.
Bạn đồng hành của người dân, doanh nghiệp
Ông Nguyễn Gia Long – Chủ tịch HĐQT Tập đoàn MB Land cho rằng, báo chí là kênh thông tin có sức ảnh hưởng đối với sự phát triển của thị trường bất động sản. Nhiều vấn đề nhờ có báo chí phát hiện và vào cuộc, tích cực phản ánh mà thị trường bất động sản trở nên tốt hơn như tình trạng sốt đất thời gian qua, hay các vấn đề như phòng cháy chữa cháy, quản lý vận hành nhà chung cư…
“Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, Tập đoàn MB Land đã nhận được sự đồng hành, hỗ trợ và phản ánh thông tin rất tích cực từ các cơ quan báo chí. Thông qua kênh thông tin này, doanh nghiệp đã nắm bắt được nhu cầu, tâm lý khách hàng, từ đó phát triển những sản phẩm phù hợp với người tiêu dùng” – ông Long khẳng định.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, hoạt động báo chí đã phản ánh chân thực, chuẩn xác và kịp thời các sự kiện, vấn đề chung trong lĩnh vực bất động sản. Nhiều bài báo đã đi sâu phân tích chuyên môn và trực tiếp làm việc với các cơ quan nhà nước để đưa ra các thông tin chính thức, là nguồn thông tin đáng tin cậy giúp người dân tiếp cận các dự án.
Với mục tiêu bảo vệ người mua nhà, báo chí đã nêu lên nhiều vấn đề, những quy định pháp luật và có những thay đổi từ các chủ đầu tư cần thực hiện đúng các quy định pháp luật về công bố hồ sơ pháp lý dự án, bảo đảm quyền lợi của khách hàng, giúp thị trường bất động sản ngày càng minh bạch trong thông tin và giao dịch. Các yêu cầu của thị trường buộc chủ đầu tư cần có tránh nhiệm cao hơn trong các giao dịch với người dân. Có thể thấy, những đóng góp của hoạt động báo chí giúp thị trường bất động sản phát triển ngày càng bền vững và ổn định hơn.
Từ những bài viết với các góc nhìn đa chiều, báo chí – truyền thông đã cung cấp, chuyển tải thông tin, đánh giá, phân tích về những vấn đề trên thị trường tới nhà đầu tư, doanh nghiệp, người tiêu dùng và cơ quan quản lý, góp phần làm tăng tính minh bạch, hiệu quả đối với các hoạt động trên thị trường bất động sản. Điều đó giúp người tiêu dùng có sự lựa chọn chính xác, an toàn.
Thuỳ Linh
—————-
Tài nguyên Môi trường (Bất động sản) 19-6-2021:
(83/1.343)