2.746. Môi trường kinh doanh Việt Nam: Ðột phá, thay vì cải biên, cải tiến

(ND) – Nhu cầu tái cơ cấu, thay đổi chiến lược kinh doanh, mô hình kinh doanh của doanh nghiệp (DN) do tác động của dịch bệnh đang rất lớn, cần cú huých từ môi trường kinh doanh thật sự thuận lợi, hậu thuẫn cho các ý tưởng đổi mới, sáng tạo.

Giá trị tạo ra từ thương vụ FPT – Base.vn không chỉ dừng lại ở việc giải bài toán chuyển đổi số của các DN vừa và nhỏ mà còn tạo ra hệ sinh thái sản phẩm của người Việt, đưa trí tuệ Việt Nam vươn tầm thế giới. Ảnh: FPT

Thay đổi lớn trong tư duy của doanh nghiệp

Không ai, ngay cả ông Nguyễn Tiến Đạt, Tổng Giám đốc AZA Travel, có thể nghĩ rằng, mảng kinh doanh bia thủ công mà công ty làm hai năm nay, có lúc lại là “phao cứu sinh”. Trước khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ tư, AZA Travel định tuyển thêm nhân viên bởi du lịch đã có dấu hiệu phục hồi, khách đặt tour dịp hè tăng cao. Nhưng giờ thì mọi việc đang ở thế “đi trên dây”.

Mới cuối năm 2019, các DN du lịch, lữ hành, khách sạn còn hào hứng với các kế hoạch tăng tốc, bứt phá cho năm 2020 và giai đoạn 2021 – 2025 khi Việt Nam lọt nhóm 10 quốc gia có mức tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới. Tốc độ phát triển vũ bão của ngành nhiều năm liên tục đã không chỉ mang lại kết quả kinh doanh ấn tượng mà thay đổi cả cấu trúc ngành du lịch. Các DN lớn, hệ sinh thái đa dạng xuất hiện với những thương hiệu đình đám, như Vingroup, Sun Group, FLC… tạo nên bức tranh hấp dẫn của ngành công nghiệp không khói.

Thậm chí, một vài DN lớn đã bước chân sang hàng không, với tham vọng mở rộng hệ sinh thái, khép kín vòng lợi nhuận của mình. Nhưng các kế hoạch đều đã thay đổi, nhiều tham vọng đã đóng lại, như quyết định dừng dự án hàng không Vinpearl Air vào tháng 1-2020 của Vingroup. Tân binh còn lại là Vietravel đang muốn tách Vietravel Airlines ra khỏi Vietravel. Đến ngày 31-3-2021, lỗ lũy kế đã hơn 102,2 tỷ đồng, không thể bù đắp cho các khoản lỗ đến từ Vietravel Airlines vừa mới bay thương mại vào tháng 1 này…

Với các DN quy mô nhỏ và vừa, tình hình khó khăn hơn. Trong khảo sát mới được thực hiện tháng 4 năm nay của Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), hơn 60% số DN lưu trú, lữ hành quốc tế đã phải giảm thời gian làm việc, cho lao động nghỉ, một phần năm số DN đã tính đến việc thay đổi lĩnh vực kinh doanh, nhiều DN nói có thể không tiếp tục làm du lịch.

“Phần lớn DN tham gia khảo sát cho rằng, mọi việc có thể trở lại bình thường sớm nhất vào giữa năm 2022. Nhưng khác với lần khảo sát vào năm 2020, nhiều DN đã chủ động thay đổi kế hoạch kinh doanh. Xu hướng liên kết kinh doanh, chuyển dịch ngành nghề nổi lên”, ông Hoàng Nhân Chính, Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch Việt Nam (TAB), người trực tiếp làm việc với các DN tham gia khảo sát cho biết.

Đặc biệt, đợt khảo sát này của TAB cũng cho thấy sự thay đổi lớn trong tư duy của DN về các gói chính sách hỗ trợ của Chính phủ. “Lúc đầu chúng tôi tưởng gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng của năm ngoái chưa thực hiện hết là mối quan tâm của DN. Nhưng không. Họ nói đến các phương án hỗ trợ để phục hồi, chuyển dịch, thay đổi nhiều hơn”, ông Chính nói và nhắc đến mong muốn giảm bớt các cuộc thanh tra, kiểm tra không cần thiết, mong muốn thuận lợi trong chuyển dịch ngành nghề, các phương án tiêm phòng vắc-xin cho người lao động…

“Cần xem lại các ngành nghề kinh doanh đang được khuyến khích đầu tư, như chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, mô hình kinh doanh mới…, có vướng mắc gì trong thực thi chính sách không, có cần thêm chính sách khuyến khích gì không…, từ đó có phương án trình Chính phủ, trình Quốc hội bổ sung. Mục tiêu là thúc đẩy tối đa các hoạt động đầu tư này để tạo năng lực mới cho nền kinh tế, tạo ra động lực chuyển đổi cơ cấu theo mục tiêu mà nền kinh tế đang cần. Các nút thắt trong thủ tục đầu tư cũng phải được tháo gỡ quyết liệt”- TS Nguyễn Đình Cung.

Tạo động lực chuyển đổi cơ cấu

Sự thay đổi tâm thế và cả tình hình kinh doanh của DN khiến một người nhiều năm nghiên cứu về DN, TS kinh tế Nguyễn Đình Cung cho rằng, những cải cách trong môi trường kinh doanh để tháo gỡ những nút thắt, rào cản trong các quy định mới thật sự là điều DN đang cần ngay vào lúc này.

“Có những ngành nguồn cầu bị đứt gãy, như du lịch, việc DN không thể trụ được hoặc chuyển sang ngành nghề kinh doanh khác chứng tỏ họ đã thấy xu thế phải thay đổi, dù đó là cơ cấu lại hoạt động, chiến lược kinh doanh, bộ máy tổ chức. Người lao động cũng vậy, cũng không ngồi nhà nhận tiền hỗ trợ và chờ quay trở lại công việc như năm ngoái, vì họ đã thấy tình thế, phải tìm kiếm việc làm mới. Đây là thời cơ để thực hiện nhanh các kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế, thay đổi cơ cấu lạc hậu, dịch chuyển sang các ngành nghề, lĩnh vực tạo nên giá trị gia tăng, dựa trên đổi mới – sáng tạo đang mở ra”, ông Cung chia sẻ quan điểm.

Trước đây, khi các hoạt động diễn ra bình thường, cho dù mô hình, cách thức, thậm chí, ngành nghề kinh doanh không còn phù hợp, DN và cả cơ quan quản lý nhà nước rất ít can đảm đưa ra quyết định thay đổi. Lý giải, ông Cung cho rằng, khi đơn hàng còn, lợi nhuận có, doanh nghiệp sẽ rất khó chi tiền cho các hoạt động đổi mới, sáng tạo, ứng dụng công nghệ mới hay thực hiện chuyển đổi số. Vốn đầu tư lớn là một lý do, nhưng quan trọng là động cơ thay đổi không lớn, nhất là khi các thủ tục để thực hiện các kế hoạch này thường rất phức tạp.

Trong khảo sát của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) về tình hình thực hiện Nghị quyết 02 và 35 về cải thiện môi trường kinh doanh và hỗ trợ DN, công bố vào tháng 4-2021, điểm đáng lưu ý là có đến 60% số DN cho biết phải cần tới các mối quan hệ để có được các thông tin của địa phương. Có tới 68% số DN phải hủy bỏ kế hoạch kinh doanh vì không thực hiện được thủ tục đúng hạn… Đáng chú ý, nhiều DN cho biết xảy ra tình trạng có nơi cải cách, có nơi chậm, có nơi thụt lùi.

Đặc biệt, nhiều chuyên gia kinh tế đặt câu hỏi, tại sao một nền kinh tế mở như Việt Nam mà thủ tục xuất nhập khẩu lại bị gây khó? Điều này sẽ khiến nỗ lực, hăng hái tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu của Chính phủ, người dân, DN rất khó được thực hiện.

Hay như câu chuyện của luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, người vừa phải mất vài tháng để hoàn tất thủ tục thành lập công ty luật của mình. “Mấy chục năm làm tư vấn cho DN, giờ tự mình khởi nghiệp mà vẫn thấy quá nhiêu khê. Thủ tục có thể nhanh nhờ ứng dụng công nghệ, nhưng tư duy của con người thì cải cách không đều, nên mới có cảnh cứ ba bước tiến lại một bước lùi”, ông Đức trăn trở.

Rõ ràng, khi cải cách không đều thì DN sẽ không cảm nhận được những thay đổi tích cực của môi trường kinh doanh. Nhưng khó khăn do Covid-19 đặt các DN vào tình thế không thể không thay đổi, không thể không tái cơ cấu. Thêm nữa, dịch bệnh cũng làm nên nhiều thay đổi trong hành vi, nhu cầu của người tiêu dùng, kích thích sự xuất hiện của các mô hình, cách thức kinh doanh mới.

Đơn cử trong ngành du lịch, nhu cầu đặt dịch vụ trực tuyến tăng cao, đòi hỏi về sự linh hoạt trong thanh toán, phục vụ khách hàng cũng tăng lên. “Trước đây, khách du lịch có thói quen đặt trực tiếp, giờ thì khác, họ muốn du lịch ít chạm. Nếu DN không chuyển đổi số kịp thời, có thể không đáp ứng yêu cầu của khách. Thậm chí, không chuyển đổi số, việc hoàn trả các khoản tiền do lịch trình thay đổi sẽ khó khăn, cũng là một điểm trừ về phục vụ, trong khi các DN nước ngoài làm việc này rất tốt”, ông Chính chia sẻ về đợt khảo sát người tiêu dùng, được thực hiện song song với đợt khảo sát DN du lịch.

Rõ ràng, môi trường kinh doanh Việt Nam đang cần cải cách thật sự đột phá, thay vì chỉ cải biên, cải biến, cải tiến, cải thiện.

MINH ÁNH

—————-

Nhân dân cuối tuần (Góc nhìn kinh tế) 19-6-2021:

https://nhandan.vn/goc-nhin-kinh-te/ot-pha-thay-vi-cai-bien-cai-tien-651359/

(121/1.647)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.421. Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của...

Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn...

Trích dẫn 

3.970. Đấu giá đất và những kẽ hở trong tổ...

Đấu giá đất và những kẽ hở trong tổ chức đấu giá. (VOV.vn) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 236,401