(DV) – Vụ Tập đoàn Asanzo của ông Phạm Văn Tam vướng nghi vấn hàng Trung Quốc đội lốt Việt Nam, theo luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, quy định bắt buộc phải ghi nhãn hàng hóa đã có từ hàng chục năm nay tuy nhiên việc không có hướng dẫn cụ thể, để doanh nghiệp (DN) tự thực hiện và chịu trách nhiệm gây ra nhiều bất cập.
Mới đây, ông Phạm Văn Tam, CEO tập đoàn Asanzo đã viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cơ quan chức năng chậm trễ đưa ra kết luận thanh tra sản phẩm mang thương hiệu Asanzo khiến doanh nghiệp lâm vào tình trạng túng quẫn. Nếu đến thời điểm 30/8/2019 vẫn chưa có kết luận thì Asanzo phải xem xét vấn đề tuyên bố phá sản. Nhân sự vụ việc này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, xung quanh sự việc này.
Theo đánh giá của ông, quy định về cách xác định sản phẩm, hàng hóa là sản phẩm, hàng hóa của Việt Nam hiện nay có những bất cập gì?
Quy định bắt buộc phải ghi nhãn cho hàng hóa đã có hàng chục năm nay không phải ngày một ngày hai. Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi đây là một trong những lỗ hổng không chấp nhận được của các cơ quan chức năng.
Vấn đề nằm ở chỗ, trong khi có quy định bắt buộc nhưng không giải thích cụ thể từng trường hợp phải ghi nhãn thế nào mà để DN tự làm tự chịu. Điều này nảy sinh bất cập cho DN khi có những sản phẩm ghi Việt Nam không được, Trung Quốc không xong mà không ghi cũng sai.
Do vậy, theo quan điểm của tôi, nếu đã đưa ra quy định, cần có cách giải thích, hướng dẫn cụ thể, cho doanh nghiệp một lối thoát chứ không thể để tình trạng như hiện nay. Có quy định nhưng khi xảy ra các trường hợp tranh chấp, tố cáo sai phạm lại không sớm đưa ra được kết luận đúng hay sai.
Việc xác định sai phạm về nhãn hàng, chỉ trong 15p là phải có ý kiến sơ bộ, sau 3 ngày phải trả lời dứt khoát đúng hay không. Còn việc DN có lợi dụng việc này đề trốn thuế, gian lận hay có vi phạm những cái gì thì sẽ điều tra thêm và là một khái niệm riêng.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI
Vừa qua, CEO của tập đoàn Asanzo Phạm Văn Tam có đơn kiến nghị Thủ tướng chính phủ về việc chậm đưa ra kết luận thanh tra về vụ việc DN bị tố “lừa đảo người tiêu dùng”, “hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt”. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng có dấu hiệu chậm trễ điều tra làm mất thời gian, gây thiệt hại lớn cho DN. Ông đánh giá về vấn đề này như thế nào?
Như tôi đã nói ở trên, khi đã có quy định về nhãn hàng thì chỉ trong 3 ngày là phải xác định được việc đúng hay không. Ở đây, tôi thấy vấn đề là lỗ hổng của pháp luật gây ra tình trạng xập xí xập ngầu, làm ngơ, vô trách nhiệm làm giết chết không chỉ một mà hàng nghìn DN.
Mới đây, bộ Công thương đưa ra dự thảo thông tư về hàng “Made in Viet Nam”, ông đánh giá thế nào về văn bản này? Liệu đây có phải là lời giải cho những vụ việc “nhập nhằng” xuất xứ gây bất an trong dư luận thời gian vừa qua?
Theo tôi, vấn đề bất cập từ nghị định 43 nằm trong các quy định về hàng hóa sản xuất, chế biến, lắp ráp tại Việt Nam không được hướng dẫn kỹ. Thông tư mới đi giải thích cho quy định bất cập bao nhiêu năm nay nhưng theo tôi mới chỉ đạt một nửa, vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Ví dụ như quy định ở đây cực kỳ tréo ngoe là phải ghi nhãn hàng với điều kiện là chế biến cơ bản cuối cùng tại Việt Nam. Tuy nhiên, theo tôi, từ “chế biến” sẽ không thể sử dụng trong trường hợp nói đến các ngành công nghiệp như lắp ráp ô tô hay TV, đồ điện tử.
Bên cạnh đó, tôi cho rằng giá trị gia tăng để ở mức 30 hay 50% không quan trọng, vấn đề mấu chốt là luật đã bắt buộc phải ghi nhãn hàng thì phải giải thích cụ thể. Hiện tại, quy định lại cho DN tự lựa chọn nhưng khi có vấn đề lại không biết phân xử thế nào, điều này ảnh hưởng đến việc sống còn của gần nửa triệu DN trên cả nước.
Theo luật sư, với những bất cập trên, các cơ quan chức năng, nhà hoạch định chính sách cần làm gì để tránh việc đẩy DN vào con đường “không lối thoát”?
Vấn đề mấu chốt là cần phải sửa lại gốc nghị định và trong mọi trường hợp cần phải có lối thoát cho DN. Trong trường hợp bắt buộc phải ghi nhãn hàng cần giải thích, hướng dẫn cụ thể, không ghi cái này thì ghi cái kia và đúng với các quy định của luật pháp.
Cần có quy định bao quát, xác định được nguyên tắc để DN có thể lựa chọn. Đối với các mặt hàng xuất khẩu có áp thuế, quy định xuất xứ cần chặt chẽ để đánh giá nhiều tiêu chí.
Đối với hàng tiêu thụ trong nước, tôi đánh giá, trên phương diện pháp lý, thông tin về xuất xứ Việt Nam chỉ là phụ thôi vì sản xuất ở Sài Gòn hay Hà Nội cũng không khác gì nhau. Vấn đề chính là Công ty nào sản xuất và xác định xem DN có gian lận thương mại, trốn thuế hay gì không? Việc xác định những sai phạm đó lại không đánh giá dựa trên yếu tố thông tin nhãn hàng của sản phẩm.
Xin cám ơn ông!
Thanh Phong
————
Dân Việt (Kinh tế) 28-8-2019:
(1.088/1.088)