2.747. Bùng phát lừa đảo chủ thẻ ATM qua điện thoại, mạng xã hội 

(HQ) – Gần đây, tình trạng người dân, nhất là người già, người sống tại vùng nông thôn nhận được tin nhắn, cuộc gọi giả danh ngân hàng, công an để lừa đảo, chiếm đoạt tài khoản liên tục diễn ra, dù đã có nhiều cảnh báo. 

Tin nhắn giả danh FE Credit để lừa đảo người dân đóng tiền (Ảnh nhân vật cung cấp)

Lừa đảo người “nhẹ dạ cả tin”

Cách đây không lâu, chị P.D. (Đống Đa, Hà Nội) nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, tự xưng là nhân viên ngân hàng T. Người này cho biết chị có một giao dịch treo cần kiểm tra lại, nên yêu cầu chị cung cấp thông tin cá nhân, thông tin về giao dịch gần nhất, mã số thẻ ngân hàng và cả mã OTP. Với tinh thần cảnh giác cao, lại thấy số điện thoại gọi đến là số máy cá nhân, chị gặng hỏi và yêu cầu cung cấp rõ tên tuổi, chi nhánh ngân hàng thì người này chỉ trả lời qua quýt rồi cúp máy.

Tuy nhiên, không phải ai cũng “tỉnh táo” như chị P.D. trong trường hợp nêu trên, bởi nhiều người dân, nhất là người già, người thiếu kiến thức về tài chính đã “nhẹ dạ cả tin” cung cấp thông tin cho đối tượng lừa đảo và bị chiếm đoạt tài sản.

Mới đây, Công an tỉnh Vĩnh Long đã tống đạt quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam 3 tháng đối với Phan Nhật Chường (29 tuổi, ngụ xã Tân Hạnh, huyện Long Hồ, Vĩnh Long) để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chường khai nhận, thông qua mạng xã hội, Chường giả danh nhân viên ngân hàng để tư vấn, mở thẻ cho khách hàng có nhu cầu vay vốn. Chường yêu cầu khách hàng chụp hình ảnh 2 mặt giấy CMND, thẻ ngân hàng và nộp lệ phí từ 500.000 đến 2 triệu đồng vào một tài khoản khác do Chường quản lý. Đồng thời, khi biết thông tin cá nhân và tài khoản ngân hàng của bị hại, Chường sẽ tiến hành các giao dịch qua cổng thanh toán trực tuyến, sử dụng mã OTP khách hàng cung cấp để chiếm đoạt tiền. Bằng thủ đoạn này, Chường đã lừa đảo, chiếm đoạt của một khách hàng ngụ tại TPHCM 76 triệu đồng.

Theo thống kê của Công an TP Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Công an TP đã nhận được 18 đơn, thư tố giác với tổng số tiền bị chiếm đoạt lên đến gần 33 tỷ đồng. Các vụ việc chủ yếu là tội phạm sử dụng điện thoại, internet để nhắn tin, gọi điện giả danh ngân hàng, yêu cầu người dùng cung cấp thông tin cá nhân, mật khẩu, mã pin, mã OTP để chiếm đoạt tiền và tài khoản ngân hàng. Theo cơ quan công an, các nạn nhân bị lừa đảo đều là người cao tuổi (đa số đều là phụ nữ, trên 70 tuổi) và phạm vi hoạt động của loại hình tội phạm này rộng khắp trên các tỉnh, thành trong cả nước.

Ngoài ra, một thủ đoạn mới là các đối tượng lừa đảo còn lợi dụng các chương trình khuyến mãi để lấy thông tin khách hàng. Ví dụ như chương trình khuyến mãi của một DN thương hiệu lớn, chúng sẽ gửi email, gửi link trang web giả thông báo về việc trúng thưởng mã khuyến mãi, hàng hóa… Khách hàng trúng thưởng được thông báo phải nộp một khoản lệ phí để nhận giải nên phải nhấp vào đường link để điền thông tin, địa chỉ, số tài khoản, thậm chí là mã OTP… vào các biểu mẫu giả. Khi có thông tin, kẻ lừa đảo sẽ thực hiện các giao dịch rút tiền và ăn cắp tài khoản.

Tự bảo vệ mình

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, trong những vụ việc như trên, cả người dân và ngân hàng đều là nạn nhân của những kẻ lừa đảo. Những vụ việc này không mới nhưng ngày càng tinh vi, vì thế người dân phải biết tự bảo vệ mình, không nên dễ dàng cung cấp mật khẩu, thông tin cá nhân cho người lạ.

Về phía trách nhiệm xử lý, vị luật sư này cho rằng, hiện nay đã có đủ văn bản pháp luật liên quan đến các loại tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tiền và tài khoản của người dân. Do đó khi xảy ra sự việc, cơ quan Công an sẽ phải vào cuộc xử lý. Với các ngân hàng, nếu hoạt động có sơ hở thì ngân hàng cũng phải chịu một phần trách nhiệm. Thời gian qua, các ngân hàng và cả các công ty trung gian thanh toán, ví điện tử đều đưa ra cảnh báo khách hàng về những thủ đoạn lừa đảo. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) lưu ý khách hàng, bất kỳ cuộc gọi, tin nhắn nào tự xưng là ngân hàng VPBank yêu cầu cung cấp mã OTP và thông tin cá nhân (số CMND, tài khoản, mật khẩu đăng nhập …) hoặc nộp phí để nhận thưởng đều là giả mạo. Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank) cũng phát đi cảnh báo về hiện tượng đang có nhiều đối tượng lợi dụng uy tín của các ngân hàng, thực hiện những hành vi giả mạo website, hotline để trục lợi, làm ảnh hưởng đến hình ảnh của các ngân hàng và tác hại trực tiếp đến quyền lợi, tài sản của khách hàng.

Các tổ chức tín dụng đều yêu cầu khách hàng khi có bất khi nghi vấn liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch phải thông báo ngay cho các cơ quan chức năng hoặc hệ thống ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời. Bên cạnh đó, khách hàng cũng cần tuyệt đối bảo vệ tài khoản cá nhân; không được cung cấp mật khẩu, mã xác thực OTP… cho người khác, kể cả người nhận là nhân viên của tổ chức tín dụng. Khách hàng cũng không cung cấp thông tin cá nhân vào trang web hay liên kết lạ. Ngoài ra, phía cơ quan Công an cũng yêu cầu người dân chủ động nâng cao kiến thức, nhận thức cho bản thân và gia đình, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình và gia đình trên internet.

Hương Dịu

————

Hải quan (Đời sống Đô thị) 29-8-2019:

https://haiquanonline.com.vn/bung-phat-lua-dao-chu-the-atm-qua-dien-thoai-mang-xa-hoi-110701.html

(143/1.117)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

437. Cải cách thể chế và tôn trọng thị trường...

Chùm 3 bài Việt Nam - Khát vọng hùng cường: Cải cách thể chế và tôn...

Phỏng vấn 

4.429. Củng cố pháp luật để phát triển trung...

Củng cố pháp luật để phát triển trung tâm tài chính. (KTVN) - Theo...

Trích dẫn 

3.976. Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động...

Cảnh giác hiện tượng rao bán bất động sản kiểu "phông bạt". (DV) -...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 237,842