(SGGP) – Tiếp tục thực hiện Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sau khi hết thí điểm và xem xét nâng lên thành luật trong vấn đề xử lý nợ xấu. Đó là kiến nghị các chuyên gia được đưa ra tại tọa đàm với chủ đề: “Nợ xấu trong đại dịch Covid-19 – Giải pháp hỗ trợ ngành ngân hàng và cộng đồng doanh nghiệp” do Báo Tiền Phong và Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức sáng 23-6.
Bên vay có trách nhiệm hơn trong trả nợ
Theo ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong, đại dịch Covid-19 đã tạo ra thử thách lớn, gây đứt gãy sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực nhạy cảm như vận tải, nghỉ dưỡng. Vấn đề nợ xấu với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trở nên trầm trọng khi dòng tiền của các doanh nghiệp bị suy yếu, đứt đoạn, thậm chí đứt hẳn, dẫn đến doanh nghiệp mất khả năng thanh toán. “Bóng ma” nợ xấu lại quay trở lại. Cuộc chiến chống Covid-19 được xác định sẽ phải kéo dài nhiều năm, vì vậy, vấn đề nợ xấu là cực kỳ quan trọng, có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung.
Ông Lê Xuân Sơn, Tổng Biên tập Báo Tiền Phong
Nghị quyết 42/2017/QH14 được Quốc hội thông qua vào 21-6-2017, có hiệu lực từ 15-8-2017 và được thực hiện trong vòng 5 năm. Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, thực hiện Nghị quyết 42, các TCTD được phép chủ động quyết định biện pháp xử lý khoản nợ là bán nợ, thu giữ tài sản cho dù có hay không có sự đồng ý của bên vay/bên bảo đảm đã tạo áp lực rất lớn buộc bên vay/bên bảo đảm phải có trách nhiệm trong việc trả nợ và phải hợp tác với các TCTD trong quá trình xử lý nợ nếu không muốn mất tài sản. Bên cạnh đó, thái độ của khách hàng trong việc phối hợp xử lý nợ xấu đã có chuyển biến. Nhiều khách hàng trước đây chây ì, thiếu thiện chí trong việc bàn giao tài sản, chống đối nhằm kéo dài thời gian xử lý thì sau khi có Nghị quyết 42 đã hợp tác với các TCTD, bàn giao tài sản để các TCTD xử lý phát mại và thu hồi nợ.
Nhờ các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần giải quyết nhanh, dứt điểm nợ xấu tại các TCTD thời gian qua, các TCTD đã xử lý được khối lượng khá lớn nợ xấu, lành mạnh hóa bảng cân đối, góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh của các TCTD, đồng thời góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Thực hiện Nghị quyết 42, từ ngày 15-8-2017 đến 30-4-2021, toàn hệ thống các TCTD đã xử lý được gần 350.000 tỷ đồng nợ xấu, trung bình khoảng 8.000 tỷ đồng/tháng, cao hơn khoảng 2 lần so với kết quả xử lý nợ xấu nội bảng trung bình tháng giai đoạn 2012-2017. Cũng theo ông Hùng, với những lợi ích mà Nghị quyết 42 mang lại thì cần thiết phải tiếp tục kéo dài việc thực hiện các quy định này sau khi hết thí điểm, khắc phục các bất cập và xem xét nâng lên thành luật.
Theo ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), ngay sau khi có Nghị quyết 42/2017/QH14, Chính phủ, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã hỗ trợ tối đa cho hoạt động xử lý, thu hồi nợ của VAMC. Lũy kế từ năm 2017 đến hết 31-5-2021, VAMC đã mua 336 khoản nợ của 192 khách hàng với 11.541 tỷ đồng dư nợ gốc và giá mua nợ đạt 11.628 tỷ đồng. Từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, kết quả thu hồi nợ của VAMC đạt 115.672 tỷ đồng, chiếm 65% tổng số thu hồi nợ lũy kế từ khi thành lập đến hết ngày 31-5-2021.
Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng Giám đốc VAMC
“Hiện tại, chúng tôi được Ngân hàng Nhà nước đồng ý xây dựng sàn giao dịch nợ xấu, khoảng đầu quý 3 sẽ ra đời”, ông Thắng nói và kiến nghị tiếp tục nâng tầm Nghị quyết 42 sau khi kết thúc thí điểm.
Cùng chia sẻ quan điểm, ông Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng cần tiếp tục kéo dài thực hiện Nghị quyết 42 sau khi hết thí điểm hoặc nâng tầm lên; đồng thời cần quy định chi tiết, khả thi hơn quy định về thủ tục rút gọn và cho phép xử lý các khoản nợ trước khi có Nghị quyết 42 vì những khoản nợ đó không chỉ xấu mà là rất xấu.
Nhiều vướng mắc
TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Kinh tế trưởng Ngân hàng TMCP BIDV cho rằng, Nghị quyết 42 là hành lang pháp lý hỗ trợ rất lớn cho công tác xử lý nợ, giúp các ngân hàng giải quyết cục máu đông tồn đọng từ thời kỳ khủng hoảng tài chính giai đoạn năm 2011-2013. Tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng cao nhất 1-3%. Như vậy 97- 99% đối tượng vay vốn là các khách hàng tốt. Việc có thể sớm xử lý các khoản nợ xấu giúp chính sách cho vay, giá cả cho vay và thủ tục vay vốn đối với khách hàng được thiết kế phù hợp hơn rất nhiều.
Chuyên gia Cấn Văn Lực
Tuy vậy, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết 42, nhiều vướng mắc cũng đã bộc lộ. Đó là sự vào cuộc, phối kết hợp của các cơ quan chức năng, địa phương còn chưa kịp thời, chưa đồng bộ và nhất quán.
Ví dụ, sau gần 1 năm Nghị quyết 42 có hiệu lực, đến ngày 15-5-2018 Tòa án nhân dân tối cao mới ban hành Nghị quyết số 03/2018/NQ-HĐTP (có hiệu lực từ ngày 1-7-2018) hướng dẫn áp dụng các quy định của Nghị quyết 42.
Nhưng trong đó, quy định về điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn chưa phù hợp với tính chất đặc thù của giao dịch cho vay, nhận thế chấp tài sản của TCTD. Chỉ cần bên vay không thống nhất với TCTD về dư nợ hoặc người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt hay từ chối thực hiện nghĩa vụ bảo đảm… thì tòa án sẽ không áp dụng thủ tục rút gọn. Kết quả, đến nay số lượng hồ sơ được áp dụng theo thủ tục rút gọn rất hạn chế.
Tại mỗi vụ thu giữ tài sản đảm bảo (TSĐB), công an và chính quyền địa phương vào cuộc không quyết liệt, dẫn đến hiện tượng chây ì, thậm chí hăm dọa cán bộ tín dụng đã xảy ra. Tại một số địa phương do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan khác nhau, hoạt động thi hành án ngân hàng còn chưa thật sự hiệu quả, nhiều vụ việc kéo dài… phát sinh nhiều chi phí cho đơn vị xử lý nợ.
Bên cạnh đó là những vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo do Nghị quyết 42 không quy định chế tài xử lý hoặc cơ chế, cách thức tiến hành cưỡng chế trong trường hợp bên bảo đảm, bên giữ tài sản không hợp tác; việc mua, bán, sang tên TSBĐ là quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất hình thành trong tương lai có nhiều vướng mắc.
Cùng với đó là khâu định giá, thẩm định giá khoản nợ và TSĐB khó khăn do thiếu hướng dẫn về cơ sở xác định giá trị khoản nợ và TSĐB trong khi khoản nợ xấu và TSĐB đi kèm có khác biệt so với nợ thông thường.
Cuối cùng là Việt Nam vẫn còn thiếu vắng một thị trường mua bán nợ chính thức thực sự, các nghiệp vụ phái sinh cho khoản nợ xấu (nhưng chứng khoán hóa) chưa có, dẫn đến thiếu nhà đầu tư có năng lực, thiếu tính thanh khoản của các khoản nợ; làm giảm tính hấp dẫn, giá trị và nguồn lực để xử lý các khoản nợ này; khiến quá trình mua – bán nợ theo giá thị trường càng khó khăn.
QUANG MINH
—————-
Sài Gòn Giải phóng (Ngân hàng – Chứng khoán) 23-6-2021:
https://www.sggp.org.vn/can-luat-hoa-viec-xu-ly-no-xau-740962.html
(80/1.512)