2.751. Vụ bán đất rúng động xứ Thanh: Thanh Hóa lúng túng trong việc xử lý?

(BĐS) –  Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa nhấn mạnh: “Lúc anh đương chức thì làm bậy, giờ về hưu không có nghĩa là không có trách nhiệm gì. Thậm chí, cần làm rõ xem họ có móc ngoặc để tham ô trong công tác quản lý đất đai hay không?”.

Liên quan tới vụ bán trái thẩm quyền gần 30ha đất tại các xã Quảng Đại, Quảng Hùng, Quảng Vinh (nay thuộc TP. Sầm Sơn), nguồn tin của phóng viên có được cho hay, thời kỳ 1994 – 1995 có khoảng gần 100 người là cán bộ thuộc Huyện ủy, UBND huyện Quảng Xương, cán bộ thuộc một số sở, ban, ngành, các đơn vị sự nghiệp tỉnh Thanh Hóa, cán bộ Trung ương với nhiều thành phần, chức danh nghề nghiệp được cho là liên quan tới hành vi mua bán trái thẩm quyền này. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa cho biết, sẽ đề nghị xử lý cán bộ có vi phạm, kể cả những người đã về hưu.

Cần xử lý cả đảng viên vi phạm

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa hôm 29/8 chia sẻ thông tin vụ việc trên với phóng viên Reatimes, rằng: “Lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đang giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành rà soát, xác minh vụ việc. Hiện tại, vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Tỉnh chưa nhận được báo cáo kết quả rà soát của Sở”.

Tuy nhiên, vị lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cam kết, sẽ đảm bảo quyền lợi của người dân theo đúng quy định của pháp luật trong vụ việc nêu trên: “Dứt khoát người mua hợp pháp thì phải đảm bảo quyền lợi cho họ!”, ông Quyền cam kết.

Trong khi đó, ông Hoàng Văn Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa khẳng định, sẽ đề nghị xử lý nghiêm túc cán bộ có vi phạm về hành vi mua bán đất trái thẩm quyền.

“Qua thanh ra, nếu sai đến đâu, chúng tôi kiến nghị xử lý đến đó. Cán bộ về hưu cũng phải đưa ra xử lý. Trung ương đã xử lý nhiều trường hợp có vi phạm nhưng đã về hưu thì địa phương cứ căn cứ vào đó để xử lý. Chúng tôi còn đang đề xuất, xem xét xử lý cán bộ là đảng viên có liên quan tới hành vi mua bán đất trái thẩm quyền. Bởi lẽ, họ là cán bộ – người có trình độ để nhận biết rằng, việc mua bán đó là trái thẩm quyền nhưng vẫn cố tình mua…”, ông Thế nói.

Thanh Hóa rúng động vì chính quyền xã bán gần 30ha đất trái thẩm quyền. Thiết kế: Công Trần.

Theo xác minh của phóng viên, số tiền mà các xã Quảng Hùng, Quảng Đại ,Quảng Vinh thu được từ hành vi bán đất trái thẩm quyền lên tới cả chục tỷ đồng. Tuy nhiên, không có bất cứ hồ sơ nào khẳng định số tiền bán đất đã được đưa vào ngân sách xã và phục vụ việc xây dựng công trình cơ bản tại địa phương.

Trong khi đó, hồ sơ, tài liệu lưu trữ tại huyện Quảng Xương liên quan tới việc mua bán đất được cho là đã thất lạc: “Do điều kiện lưu trữ hồ sơ không đảm bảo, di chuyển kho lưu trữ nhiều lần nên hư hỏng thất lạc. Hiện nay, UBND huyện Quảng Xương không còn lưu giữ hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sổ sách có thông tin về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhiều hộ nói trên”.

Một nguồn tin khả tín khác mà phóng viên có được cho hay, đến nay, cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra nhiều phương án giải quyết vụ việc nêu trên, nhưng tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thống nhất hướng xử lý cuối cùng.

“Cơ quan có thẩm quyền đã đưa ra nhiều phương án giải quyết, nhưng rất khó để thực hiện vì luật không quy định. Thực tế, đây là vụ việc có dấu hiệu lừa đảo vì xã bán đất không có trên thực tế. Tuy nhiên vấn đề này đang còn nhiều ý kiến tranh luận.

Phương án khác có phần khả quan hơn là trả lại tiền cho các hộ mua đất cộng với lãi suất ngân hàng 10%/năm. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, người mua phải chứng minh được rằng mình đã nộp tiền, có phiếu thu thật và số tiền đã thu được đưa vào ngân sách xã. Một phương án nữa là người mua kiện ra tòa để đòi lại quyền lợi”, nguồn tin đề nghị không nêu danh tính cho hay.

Quyền lợi của dân phải đặt lên hàng đầu

Đại biểu Phạm Văn Hòa, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, tình trạng mua bán đất trái thẩm quyền không chỉ diễn ra ở Thanh Hóa mà còn tái diễn ở nhiều địa phương khác trên cả nước.

“Thời kỳ này, nhiều địa phương buông lỏng quản lý về đất đai hết sức nghiêm trọng. Nhiều cán bộ tự tung tự tác xẻ đất công, đất rừng, đất quốc phòng để bán kiếm lời. Do đó, việc khắc phục những hậu quả, tồn tại của lịch sử là rất phức tạp”, vị Đại biểu phân tích.

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa.

Đề cập tới vụ mua bán đất rúng động xứ Thanh, vị Đại biểu Quốc hội cho hay, cần làm rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức có liên quan tới hành vi vi phạm nêu trên, kể cả cán bộ đương chức cũng như về hưu.

“Phải nhìn rõ thực tế, chính quyền địa phương là người phải chịu trách nhiệm chính, trực tiếp về hành vi mua bán đất trái thẩm quyền. Theo tôi, phải xem xét, truy cứu trách nhiệm đối với những đối tượng thực hiện hành vi bán đất trái thẩm quyền. Nếu người có liên quan tới hành vi bán đất trái thẩm quyền mất rồi thì thôi. Còn sống thì phải truy cứu trách nhiệm.

Lúc anh đương chức thì làm bậy, giờ về hưu không có nghĩa là anh không có trách nhiệm gì. Thậm chí, cần làm rõ xem có họ có móc ngoặc để tham ô trong công tác quản lý đất đai hay không? Anh bán đất để thu tiền nhưng người mua không có đất thì có dấu hiệu lừa đảo rõ nét rồi còn gì.

Cán bộ vi phạm để lại tồn tại lớn như vậy rồi phó mặc cho Nhà nước xử lý thì ai xử lý cho nổi. Cho nên, nếu cán bộ làm sai giờ đã về hưu cũng phải đưa ra xử lý. Những người này cần xem xét, xử lý trách nhiệm hình sự theo đúng quy định của pháp luật”, Đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Vị Ủy viên Ủy ban Pháp luật Quốc hội cho rằng, việc đảm bảo quyền lợi chính đáng của người mua đất hợp pháp trong trường hợp này phải được đặt lên hàng đầu: “Trước mắt, Nhà nước phải đảm bảo quyền lợi của người mua bán hợp pháp, đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Căn cứ vào từng trường hợp cụ thể, có thể bồi thường lại tiền, hoặc bố trí tái định cư cho họ. Nếu bồi thường cho người mua theo thời giá thì tôi cho rằng đó cũng là phương án có thể chấp nhận được.

Những trường hợp mua bán chỉ mới có giấy viết tay với nhau, không có sự xác nhận của địa phương hoặc cơ quan pháp luật thì người mua phải chịu trách nhiệm. Việc này cần giải quyết dứt điểm, để đảm bảo quyền lợi tối thượng của người dân”, vị Đại biểu nêu quan điểm.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho hay: “Trong trường hợp mua bán trái thẩm quyền mà Nhà nước không thu được 1 đồng nào về ngân sách thì cá nhân vi phạm phải bỏ tiền túi ra đền cho dân. Nếu câu chuyện mua bán đất trái thẩm quyền  liên quan tới trách nhiệm của Nhà nước thì Nhà nước phải chịu trách nhiệm.

“Tất cả các phương án xử lý đưa ra trong lúc này đều phải nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp, chính đang của người mua. Nếu đẩy dân ra tòa để khiếu nại, đòi quyền lợi thì đó là phương án bế tắc thậm chí có dấu hiệu “phủi tay” trách nhiệm. Trường hợp này, người mua chỉ có thiệt hại”, Luật sư Đức cho hay.

Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, phải xem lại nguyên tắc, nguyên lý nói chung của luật để xử lý vụ việc này một cách hợp lý, hợp tình : “Ở một số nước họ có án lệ. Có những vụ việc người ta xử lý “khác” với luật để đảm bảo quyền lợi tối thượng của người dân. Cho nên, ngoài câu chuyện về pháp lý còn cần tạo ra án lệ trong từng vụ việc cụ thể để xử lý”./.

Quốc Toản

————

Bất động sản (Thời sự) 30-8-2019:

http://reatimes.vn/vu-ban-dat-rung-dong-xu-thanh-thanh-hoa-lung-tung-trong-viec-xu-ly-20190830102428833.html

(230/1.595)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,041