(KHĐS) – Đề xuất Giải pháp Hạ dần lãi suất tiền gửi VND về mức 0%/năm của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đang vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, cho rằng thiếu tính thực tiễn và không phù hợp với Việt Nam.
Mục đích tốt nhưng không phù hợp
VAFI cho rằng, tiền gửi tiết kiệm VND cho kỳ hạn ngắn hạn và trung hạn đang ở mức 3,5 – 6,2%/năm là rất cao so với các nước trong khu vực và các nền kinh tế phát triển, dẫn đến lãi suất cho vay cũng cao hơn, trở thành bất lợi lớn cho cộng đồng doanh nghiệp cũng như đông đảo người tiêu dùng thuộc đối tượng thu nhập thấp và trung bình.
Trong khi đó, Việt Nam đã có những tiền đề vững chắc cả về chính trị, kinh tế để thực hiện đưa dần lãi suất tiền gửi về mức 0%/năm giống như các nước trong khu vực.
Theo TS Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam, VAFI đại diện cho tiếng nói và quyền lợi của các nhà đầu tư tài chính. Vì vậy, việc đưa ra đề xuất với mong muốn bảo vệ thị trường vốn đang phát triển và cộng đồng các nhà đầu tư tài chính là điều dễ hiểu, giống như bất kỳ hiệp hội khác cũng đều bảo vệ lợi ích của ngành đó.
Tuy nhiên, việc bảo vệ lợi ích của nhóm ngành cần phải cân đối trên lợi ích chung của toàn nền kinh tế và bối cảnh điều kiện của Việt Nam hiện nay.
“Đúng là nhiều nước trên thế giới, Mỹ, Đức và đặc biệt là các nước Bắc Âu giữ lãi suất tiền gửi ở mức rất thấp, hoặc gần bằng 0%, thậm chí lãi suất âm (người gửi tiền phải chi trả phí tiền gửi cho các khoản gửi tiết kiệm) như Nhật Bản. Thế nhưng, kinh tế Việt Nam không ở điều kiện tương tự, thậm chí có sự chênh rất lớn so với các nước đó. Không thể thấy người ta làm được thì mình cũng phải bắt chước theo”, TS Lê Duy Bình nhận định.
Ví dụ, mục tiêu lạm phát của Mỹ là dưới 2%, trong khi Việt Nam đang cố gắng khống chế lạm phát vài năm qua ở mức không quá 4%.
Hơn nữa, nhiều quốc gia có lãi suất tiền gửi 0% đều là những nền kinh tế lớn, thị trường vốn hay cơ cấu dân số và lực lượng lao động của họ không hề giống Việt Nam. Chưa kể vấn đề phúc lợi an sinh xã hội giữa Việt Nam và các quốc gia đó có một khoảng cách rất lớn.
Trong khi tại các nước phát triển đó sở hữu dân số già, dư thừa vốn thì Việt Nam lại dư thừa lao động nhiều hơn là vốn. Tâm lý người Việt vẫn ưu tiên dành dụm, tiết kiệm và chọn một kênh “trú ẩn” an toàn cho tài sản của mình mà vẫn sinh lời hợp lý như gửi tiết kiệm tại các tổ chức tín dụng.
Vì vậy, TS Lê Duy Bình cho rằng, mục đích của đề xuất này muốn hướng tới mặt tích cực của chính sách “tiền rẻ” là kích thích nền kinh tế, đặc biệt là phát triển thị trường chứng khoán. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, đề xuất này hoàn toàn không có cơ sở và không phù hợp. Có chăng, phải 50 – 70 năm nữa, chính sách hạ lãi suất tiền gửi về mức 0% này mới có thể áp dụng được tại Việt Nam một cách hợp lý.
Không thể sửa luật để ép hạ lãi suất
VAFI kiến nghị 5 giải pháp giúp nhanh chóng đưa lãi suất tiền gửi về mức 0% trong khoảng 2 năm nữa, trong đó lưu ý đến việc bỏ thuế chuyển nhượng trái phiếu, thuế lợi tức trái phiếu cho các đối tượng tổ chức, cá nhân đầu tư nhằm góp phần hạ lãi suất huy động.
Đặc biệt, VIFA đưa ra thắc mắc tại sao tiền gửi tiết kiệm lại không phải chịu bất kỳ khoản thuế nào, nhưng đầu tư vào trái phiếu thì phải chịu thuế?
Về vấn đề này, TS Lê Duy Bình cho biết, theo Luật Thuế, đối với các doanh nghiệp, tổ chức, thu nhập có lãi tiền gửi, lãi cho vay vốn bao gồm cả tiền lãi trả chậm, lãi trả góp, phí bảo lãnh tín dụng và các khoản phí khác trong hợp đồng cho vay vốn là thuộc Các khoản thu nhập khác đều phải chịu thuế Thu nhập cá nhân (TNCN).
Do đó, không thể có chuyện tiền gửi tiết kiệm không chịu bất kỳ khoản thuế nào như VIFA kiến nghị, mà phải nói rõ hơn là chỉ cá nhân khi gửi tiết kiệm vào ngân hàng không phải chịu thuế TNCN. Pháp luật hiện hành đã có sự phân biệt rõ ràng khi đánh thuế tiền gửi của cá nhân và doanh nghiệp, đảm bảo tính công bằng, hợp lý trong nghĩa vụ nộp thuế.
“Từ nhiều năm nay, vẫn có một số ý kiến đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với lãi tiền gửi tiết kiệm của cá nhân. Nhưng ngoài vấn đề về lý, cũng cần xét về tình. Chúng ta có hàng triệu người cao tuổi, những người cả đời chắt chiu dành dụm được khoản tiền tiết kiệm, gửi ngân hàng để sống dựa vào những đồng lãi ít ỏi hằng tháng. Nếu còn đánh thuế khoản lãi này nữa thì quá bất công với họ. Quá trình làm việc và cống hiến trước đây để nhận đồng lương của họ đã bao gồm thuế rồi. Giờ còn chút dưỡng già cũng thu thuế nữa thì quá là thuế chồng thuế, không có đạo lý”, TS Lê Duy Bình chia sẻ.
Do đó, cần phải phân biệt rõ giữa những khoản tích luỹ, tiết kiệm khác với đầu tư sinh lãi, tránh nhầm lẫn rồi đem ra so sánh khập khiễng.
Cũng bàn về vấn đề này, LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, không thể đánh đồng tất cả những khoản tiền gửi tiết kiệm rồi bắt phải thu thuế hay so sánh với những khoản đầu tư tài chính được.
“Chỉ đánh thuế lãi tiền gửi với người giàu, đại gia có lượng lớn tiền gửi tiết kiệm thôi. Mà thực tế, với lãi suất hiện nay, những “đại gia” đều chọn kênh đầu tư sinh lời khác hết rồi, đâu cần đưa lãi suất về 0%”, LS Trương Thanh Đức nhấn mạnh.
Nước ta có nền kinh tế đang phát triển và hệ thống ngân hàng còn non trẻ. Việc không đánh thuế thu nhập cá nhân trên tiền gửi tiết kiệm sẽ giúp ngân hàng phát triển ổn định hơn. Ngoài ra, cũng tránh được rủi ro khi người dân không có lựa chọn kênh gửi tiết kiệm ngân hàng sẽ ồ ạt đầu tư vào các lĩnh vực rủi ro khác như trái phiếu, bất động sản và chứng khoán khi thiếu kinh nghiệm và kiến thức tài chính.
Rất nhiều chuyên gia khác cũng đồng tình cho rằng, việc đề xuất sửa đổi luật, thông tư nhằm cố tình bó chặt con số lãi suất mà không đề cập đến nền tảng vĩ mô, cấu trúc xã hội, dân số, chính sách tiết kiệm và đầu tư là vô cùng thiếu sót và phi lý.
TUẤN THỦY
—————-
Khoa học & Đời sống 25-6-2021:
https://khoahocdoisong.vn/de-xuat-sua-luat-de-ep-ha-lai-suat-tien-gui-la-phi-ly-173219.html
(99/1.298)