(DNVN) – Đây chỉ là một trong nhiều ý kiến bàn luận về Thông tư 40/2021/TT-BTC hướng dẫn về thuế GTGT, thuế TNCN và quản lý thuế đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Thông tư 40 trở thành chủ đề “nóng” tại Hội thảo trực tuyến Chất lượng của Thông tư và Công văn- Góc nhìn từ doanh nghiệp do VCCI tổ chức mới đây.
Thông tư 40 do Bộ Tài chính ban hành ngày 1/6/2021 quy định các sàn thương mại điện tử (TMĐT) sẽ phải khai thay, nộp thuế thay cho người bán trên sàn đang gây nhiều phản ứng cho cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực TMĐT cũng như giới luật sư và chuyên gia.
Tại Hội thảo trực tuyến Chất lượng của thông tư và công văn – Góc nhìn từ doanh nghiệp, Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật ANVI) chia sẻ, ông đã giật mình khi đọc Thông tư 40 bởi cho rằng thông tư có 2 điểm sai.
“Luật chỉ quy định phía Việt Nam nộp thay thuế VAT cho người bán là người nước ngoài. Không có quy định nào liên quan đến VAT của bất cứ lĩnh vực nào phải nộp thay. Vậy sàn bán của sàn thì sàn nộp, người bán hàng trên sàn giống như thuê kiot ngoài vỉa hè. Về mặt pháp lý vấn đề này không ổn, rất tiếc chúng ta vừa ban hành Nghị định của Luật Quản lý thuế 2019 không có câu nào quy định sàn TMĐT phải nộp thay cho người bán, nhưng cuối cùng Thông tư 40 lại “đẻ” ra cái này. Đấy là thuế VAT”, Luật sư Trương Thanh Đức phân tích.
Luật sư Trương Thanh Đức.
Cũng theo vị luật sư này, với thuế TNCN, luật đã quy định rất rõ: Ai trả thu nhập thì người đó khấu trừ thuế, người đó nộp thuế thay. Nhưng trong trường hợp này, các sàn TMĐT có trả thuế cho người bán hàng nào đâu, sao lại bắt các sàn TMĐT phải trả thay. Điều này trái luật.
Bình luận về hạn chế của Thông tư 40, bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM cho biết, chúng ta đang trong bối cảnh dịch bệnh, Việt Nam đang khuyến khích phát triển các sàn TMĐT, nhưng Bộ Tài chính là đưa ra quy định về thuế gây tranh cãi.
“Nếu đọc vào văn bản thông tư này, cá nhân tôi thấy dường như Chính phủ có xu hướng muốn quản, muốn thu nhiều hơn là tạo ra sân chơi tốt, hiệu quả cho các bên, cho cả người tiêu dùng và DN. Và chúng ta nên thay đổi cách thức quản lý hơn là dùng cách thức, công cụ cũ chúng ta đang quản lý những ý tưởng mới, tư duy mới”, bà Thảo đánh giá.
Bà Nguyễn Thị Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh của CIEM.
Theo bà Thảo, đơn vị soạn thảo Thông tư 40 không để ý đến bối cảnh. Thực tế cho thấy, sự ra đời của Thông tư 40 trong bối cảnh TMĐT Việt Nam có sự tăng trưởng cao, tới 15% trong năm 2020, đạt quy mô 13,2 tỷ USD vô cùng ấn tượng, cao nhất Đông Nam Á và thuộc những quốc gia có mức phát triển thương mại điện tử cao nhất thế giới. Đặc biệt, đại dịch Covid-19 đang trở thành cơ hội “vàng” cho sự phát triển của các sàn giao dịch TMĐT.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp bởi Thông tư 40, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam chia sẻ, việc ban hành Thông tư 40 đã ảnh hưởng lớn, tác động lớn đến nhiều bên, không chỉ ban quản trị, sàn TMĐT, mà còn ảnh hưởng đến những người kinh doanh.
Ông Dũng giải thích, sàn giao dịch TMĐT không phải là đơn vị “trả thu nhập”, mà chỉ cung cấp hạ tầng công nghệ để kết nối người bán và người mua, giúp họ thực hiện giao dịch. Vì vậy, không thuộc đối tượng có nghĩa vụ kê khai, khấu trừ thuế thu nhập của người bán theo quy định.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng – Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam.
Những quy định trong Thông tư 40 có thể gây ra nhiều tác động lớn đối với hoạt động kinh doanh của các sàn thương mại điện tử, cũng như hàng trăm nghìn cá nhân kinh doanh trên sàn. Trong đó, sàn thương mại điện tử sẽ phát sinh thêm chi phí và phải bổ sung nguồn lực lớn nếu thực hiện quy định này.
Với phân tích trên, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam đề xuất, Tổng cục Thuế – đơn vị ban hành Thông tư 40 – nên phối hợp với đại diện Bộ Công Thương, các DN trong hiệp hội và các đơn vị truyền thông trong việc soạn thảo Thông tư. Theo ông Dũng, việc thu thuế trên TMĐT phải phù hợp. Hơn nữa, TMĐT liên quan đến công ty đa quốc gia, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới, việc ra bất cứ văn bản nào cũng đều liên quan đến các công ty đa quốc gia.
“Trong việc đưa lộ trình như thế nào cũng phải dựa trên thực tế. Nếu đưa ra thông tư mà việc thực hiện thực sự khó và không thực hiện được thì ai là người chịu trách nhiệm về việc không thực hiện được hoặc chậm trễ? Liệu DN có phải chịu trách nhiệm vì DN đã thực hiện không đúng thời hạn hay không?”, ông Dũng băn khoăn.
Theo ông Dũng, ngành TMĐT là một trong những ngành rất mới nên khi cơ quan quản lý Nhà nước ban hành thông tư nên tham khảo và phối hợp với các đơn vị liên quan, chẳng hạn như Bộ Công Thương, để có được Thông tư có chất lượng và mang tính thuyết phục.
Nguyệt Minh
—————-
Doanh nghiệp Việt Nam (Kinh tế) 28-6-2021:
(249/1.069)