2.767. “Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam không được, Trung Quốc không xong”

(DV) Trao đổi với Dân Việt, Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, các căn cứ được ông Phạm Văn Tam và các đồng sự đưa ra để “minh oan” cho Asanzo là chưa đủ, tuy nhiên, cũng không thể khẳng định có hành vi vi phạm. Dư luận vẫn cần có cái nhìn khách quan, công tâm hơn cho doanh nghiệp.

Sáng 17/09, tại Hà Nội, Công ty CP tập đoàn Asanzo tổ chức họp báo với nội dung “Chúng tôi được minh oan”. Tại buổi họp báo, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo cho biết, hiện nay, Asanzo đã có tất cả kết luận về các cáo buộc trong thời gian vừa qua, tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng không công bố chính thức nên tập đoàn phải tổ chức họp báo để “tự cứu lấy mình”.

Các nội dung được ông Phạm Văn Tam đưa ra để “minh oan” cáo buộc gian lận xuất xứ, thương mại gồm văn bản của các đơn vị Tổng cục Hải quan, VCCI, Cục Kiểm tra sau thông quan.

Theo LS. Trương Thanh Đức đánh giá, liên quan đến nội dung cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ, các văn bản được tập đoàn đưa ra làm căn cứ vẫn chưa đủ để khẳng định có vi phạm hay không? Tuy nhiên, vấn đề về ghi xuất xứ trên nhãn hàng bất cập do hệ thống luật chưa điều chỉnh, hướng dẫn cụ thể nên dù chưa thể khẳng định Asanzo đúng hoàn toàn nhưng chắc chắn không sai.

Tuy ông Phạm Văn Tam đã tự “minh oan” những vẫn chưa thể chắc chắn Asanzo có vi phạm gì hay không?

“Hiện nay, quy định về ghi xuất xứ trên nhãn hàng rất bất cập do luật không quy định, hướng dẫn chi tiết, cụ thể nên xảy ra tình trạng doanh nghiệp “ghi gì cũng sai”. Theo tôi đánh giá, văn bản của VCCI cũng chưa thể hiện rõ ràng nội dung có gian lận xuất xứ hay không. Vì như tôi đã nói từ trước, sử dụng thuật ngữ “chế biến cơ bản” ở nhiều trường hợp sẽ không hợp lý như đối với ngành công nghiệp ô tô hay điện tử.

Ngoài ra, việc hướng dẫn xác định tỉ lệ giá trị gia tăng sau quá trình “chế biến cơ bản” ở mức 30 hay 50% hoặc chỉ 5 hay 10% cũng chưa rõ ràng. Do vậy, doanh nghiệp sẽ rất khó khăn, ghi Việt Nam không được, Trung Quốc không xong mà không ghi cũng không được.” LS. Trương Thanh Đức chia sẻ

Bên cạnh đó, LS. Trương Thanh Đức cho biết thêm, việc các cơ quan chức năng chưa có kết luận Asanzo hoàn toàn “vô tội” nhưng việc chưa xác định có dấu hiệu vi phạm thì vẫn có thể đánh giá tập đoàn này hiện chưa có sai phạm trong quá trình hoạt động. 

“Theo tôi, hiện nay, các văn bản của các cơ quan chức năng cho thấy họ (tập đoàn Asanzo) không có dấu hiệu vi phạm các quy định về xuất xứ hàng hóa thì có thể khẳng định chưa có vấn đề gì. Nếu sau này, cơ quan chức năng có điều tra, ra kết luận khác thì là việc về sau.

Ngoài ra, về việc “kết tội” Asanzo gian lận thương mại, hiện nay, chưa có cơ quan nào kết luận có sai phạm hay không? Tuy nhiên, từ trước đến giờ đã có cơ quan nào khẳng định Asanzo gian lận thương mại hay trốn thuế đâu, hiện trạng chỉ là báo chí phản ánh và dư luận có nghi ngờ về việc này.” LS. Trương Thanh Đức nói.

Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI.

Nhận xét về sự kiện tự “minh oan” của tập đoàn Asanzo không có sự chứng kiến của cơ quan chức năng, LS. Trương Thanh Đức cho hay, các cơ quan chức năng đã có một số văn bản kết luận công khai, được báo chí tiếp cận, đưa tin nên không nhất thiết phải tổ chức họp báo. 

“Các cơ quan chức năng đã có các văn bản kết luận từ trước, báo chí đã tiếp cận, đăng tin rồi nên theo tôi, không cần thiết phải tổ chức họp báo. Hơn nữa, nếu lúc trước, các cơ quan có thẩm quyền xác định doanh nghiệp có vi phạm, xử phạt rồi, sau đó xác minh lại thấy không có lỗi cần đính chính mới gọi là “minh oan”.

Sau khi tổ chức họp báo “minh oan”, Asanzo tuyên bố hoạt động nhà máy trở lại nhưng chắc chắn không thể được như trước do đã thiệt hại nhiều về kinh tế, uy tín. Nhưng theo tôi dư luận cần có cái nhìn công bằng, khách quan, nhân văn hơn đối với doanh nghiệp.” LS. Trương Thanh Đức cho hay. 

Theo các chuyên gia pháp chế đánh giá, chỉ có kết luận của cơ quan có thẩm quyền hoặc cơ quan điều tra thì mới xác minh được hành vi sai phạm. Việc doanh nghiệp, cụ thể ở đây là tập đoàn Asanzo tự tổ chức họp báo “minh oan” gần như không có giá trị. Tuy nhiên, việc các cơ quan chức năng không đưa ra kết luận dứt khoát về nội dung vi phạm khiến doanh nghiệp rơi vào tình trạng khó xử.

Trước đó, ông Phạm Văn Tam đã viết tâm thư gửi lên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc cơ quan chức năng chậm đưa ra kết luận thanh tra sản phẩm thương hiệu Asanzo. Theo đó ngày 30/8/2019, là thời hạn được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu phải có kết luận chính thức, việc các cơ quan chậm trễ khiến doanh nghiệp lâm vào bước đường cùng, Asanzo đã phải xem xét vấn đề tuyên bố phá sản.

Chiều 16/9, trao đổi với Dân Việt, ông Phạm Văn Tam, chủ tịch HĐQT tập đoàn Asanzo cho biết, tập đoàn Asanzo đã nhận được tất cả các kết luận của cơ quan chức năng. Tuy nhiên, vì không có cơ quan nào họp báo công bố nên tập đoàn phải tổ chức để “tự cứu lấy mình”.

Tại buổi họp báo thời lượng 1 giờ đồng hồ sáng 17/09, trong đó, phần trình bày của ông Phạm Văn Tam cùng luật sư, cố vấn cho tập đoàn Asanzo chiếm một nửa thời gian. Các cơ quan báo chí có thể đặt mỗi người một câu hỏi trong 30 phút, với thời gian ít ỏi, nhiều vấn đề khúc mắc về cơ sở pháp lý để chứng minh vẫn chưa được làm rõ.

Thanh Phong 

————-

Dân Việt (Kinh tế) 18-9-2019:

http://danviet.vn/kinh-te/ls-truong-thanh-duc-asanzo-ghi-viet-nam-khong-duoc-trung-quoc-khong-xong-1015102.html

(791/1.158)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,040