(KTCK) – Theo thống kê, tổng giá trị nợ xấu của các ngân hàng hiện đang niêm yết (24 ngân hàng) là 91.244 tỷ đồng vào ngày 31/3/2021, tăng 3.948 tỷ đồng so với cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu/tổng dư nợ cũng tăng nhẹ 0,02% lên mức 1,41%.
Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) |
Báo cáo tài chính quý 1/2021 cho thấy, nhiều ngân hàng có nợ xấu tăng mạnh. Chẳng hạn như ACB nợ xấu tăng 61%, lên 2.954 tỷ đồng, VPBank nợ xấu tăng lên hơn 10.420 tỷ đồng, VietinBank nợ xấu hơn 8.950 tỷ đồng, Vietcombank nợ xấu lên hơn 7.690 tỷ đồng, MB lên hơn 4.180 tỷ đồng…
Việc Ngân hàng Nhà nước cho phép các ngân hàng giữ nguyên nhóm nợ làm cho bức tranh nợ xấu chưa phản ánh đúng thực tế. Nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng, nhất là tác động của đợt dịch lần này, có thể tình hình nợ xấu sẽ gia tăng nhanh.
Theo ước tính của các chuyên gia, nợ xấu của hệ thông ngân hàng có thể tăng lên 3% vào cuối năm nay và ước tính có thể lên tới 4,5% trong thời gian tới nếu dịch Covid kéo dài, khiến nhiều doanh nghiệp gián đoạn chuỗi sản xuất, đứt gãy dòng tiền, không có nguồn thu để trả nợ.
Nợ xấu đang tăng cao, trong khi đó, Nghị quyết 42 chỉ còn hơn 1 năm nữa là hết hiệu lực, sẽ khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng trong thời gian tới là rất lớn. Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, đang kiến nghị Chính phủ, Quốc hội kéo dài hiệu lực Nghị quyết 42.
Còn luật sư Trương Thanh Đức cho rằng, tốt nhất là có đánh giá toàn diện xem những điểm tốt và không tốt để bổ sung sửa đổi và nâng lên thành luật, áp dụng cho đến khi nào hệ thống toà án thực sự giải quyết được một cách nhanh chóng yêu cầu đòi nợ của ngân hàng.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh và bị nợ xấu là khó tránh khỏi.
Ông Hoàng Văn Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Nha Trang (Khánh Hòa), chia sẻ, trước dịch, có hàng triệu lượt khách nước ngoài đến Nha Trang mỗi năm, nhưng khi dịch đến không có bóng dáng du khách nào. Do ảnh hưởng dịch, 95% khách sạn đóng cửa, chưa đầy 5% hoạt động nhưng là đăng ký làm cơ sở cách ly. Các doanh nghiệp du lịch tại Nha Trang đang bên bờ vực phá sản. Với tình hình hiện tại, nợ xấu là khó tránh khỏi.
Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, dịch bệnh như trời định, không biết bao giờ mới kết thúc. Nếu tiếp tục kéo dài, các doanh nghiệp vận tải khó mà giữ được. Nợ xấu là tất yếu. Doanh nghiệp không hoạt động, nợ không trả được sẽ thành nợ xấu.
Bà Trịnh Thị Ngân, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, nhìn nhận, giai đoạn vừa qua, tình hình kinh doanh của doanh nghiệp nhỏ và vừa thực sự khó khăn. Nhiều doanh nghiệp đã phải giải thể, phá sản. Nhưng cơ hội vay để phục hồi sản xuất rất khó. Tài sản thế chấp là vấn đề lớn, nhiều doanh nghiệp đã dùng để vay được khoản ban đầu, nhưng nợ xấu rồi đi vay rất khó. Không còn vốn phục hồi sản xuất kinh doanh, nợ xấu càng xấu.
Linh Đan (TH)
—————-
Kinh tế Chứng khoán (Tài chính) 28-6-2021:
https://kinhtechungkhoan.vn/ngan-hang-kho-tranh-khoi-no-xau-gia-tang-96745.html
(59/644)