(DV) – Hàng không phát triển “nóng” dẫn tới những cạnh tranh từ thị phần khai thác cho đến nhân lực, giá vé máy bay mỗi lúc một gay gắt hơn. Đình điểm của sức “nóng” này chính là cuộc chiến “đấu tố” nhau về niêm yết giá vé máy bay giữa Vietnam Airlines và nhiều hãng hàng không gây ra nhiều tranh cãi.
Theo quy định hiện hành tại Khoản 3, Điều 18 Nghị định 177/2013 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Giá quy định giá niêm yết hàng hóa dịch vụ cần bao gồm đầy đủ các loại thuế phí và lệ phí nếu có. Để làm rõ về những vấn đề này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm trọng tài quốc tế, thành viên Tổ công tác thi hành luật Doanh nghiệp và luật Đầu tư cho biết: “Có hai hình thức, niêm yết 2 trong 1, cả giá Net và Gross. Ban đầu là giá gốc (Net), sau khi lựa chọn dịch vụ, khách hàng nhận được niêm yết giá Gross, bao gồm đầy đủ dịch vụ và thuế, phí kèm theo”.
Thưa ông, pháp luật quy định về giá cước vận chuyển hàng không như thế nào?
Các hãng hàng không phải quyết định giá cước vận chuyển và niêm yết giá trên cơ sở khung giá của Nhà nước và theo quy định của 2 luật.
Cụ thể, theo quy định tại khoản 5, Điều 12 về “Nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh” của Luật Giá năm 2012 thì hãng hàng không phải “niêm yết đúng giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và mua, bán đúng giá niêm yết”.
Và theo quy định tại khoản 3, Điều 11 về “ Phí, lệ phí và giá dịch vụ hàng không”; quy định tại khoản 2, Điều 116 về “Giá cước vận chuyển hàng không” của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam năm 2006, đã được sửa đổi, bổ sung năm 2014 thì “giá dịch vụ vận chuyển hàng không nội địa” theo khung giá do Bộ GT – VT quy định.
Vì sao các hãng hàng không “đấu tố” niêm yết giá vé máy bay sai quy định?
Vậy Bộ GT – VT quy định về cụ thể về giá vận chuyển hàng không nội địa ra sao?
Theo quy định tại Điều 4 về “Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách”, Thông tư số 17/2019 của Bộ trưởng Bộ GT – VT, ban hành “Khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa”, thì có 6 mức giá tối đa vận chuyển hành khách hàng không nội địa (từ 1,6 đến 3,75 triệu đồng mỗi vé tính cho một chiều bay).
Các mức tối đa này “đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 01 vé máy bay”, nhưng lại trừ 3 khoản thu sau:
Thứ nhất, là thuế giá trị gia tăng (10% VAT);
Thứ hai, là các khoản thu hộ doanh nghiệp cung ứng dịch vụ nhà ga hành khách và dịch vụ đảm bảo an ninh, bao gồm: giá phục vụ hành khách, giá đảm bảo an ninh hành khách, hành lý;
Thứ ba, là khoản giá dịch vụ đối với các hạng mục tăng thêm. Trong đó, “giá dịch vụ đối với các dịch vụ tăng thêm do các hãng hàng không quyết định trên cơ sở cân đối khả năng cung cấp dịch vụ của hãng hàng không và nhu cầu của thị trường”.
Như vậy, theo các quy định nêu trên, việc niêm yết đúng “giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định” có thể được hiểu là giá chưa bao gồm 3 khoản thuế, phí, lệ phí và giá dịch vụ tăng thêm.
Các hãng hàng không trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng niêm yết giá như thế nào?
Cách thứ nhất là doanh nghiệp niêm yết giá vé máy bay chung, đã bao gồm mọi khoản thuế, phí, lệ phí và chi phí tăng thêm. Còn cách thứ hai, doanh nghiệp niêm yết chi tiết giá, gồm giá gốc, cộng với từng khoản thuế, phí, lệ phí, các khoản thu hộ và các khoản tăng thêm.
Cách thứ nhất phù hợp với mô hình kinh doanh truyền thống (Vietnam Airlines đang áp dụng), đơn giản nhưng có những điểm bất hợp lý.
Cách thứ hai phù hợp với mô hình kinh doanh mới, hiện đại và khắc phục được những điểm bất cập kể trên. Đối với lĩnh vực hàng không, tôi cho rằng cách thứ hai vẫn phù hợp với quy định tại khoản 6, Điều 4 về “Giải thích từ ngữ” của Luật Giá năm 2012 về yêu cầu niêm yết giá.
Vì, dù niêm yết theo cách nào thì khách hàng cũng luôn biết rõ mức giá cuối cùng phải trả trước khi quyết định mua vé và thường cách một số ngày trước khi bước lên tàu bay.
Việc niêm yết giá vận chuyển hàng không có bắt buộc bao gồm các khoản thuế, phí, lệ phí, thu hộ và giá trị tăng thêm nêu trên hay không?
Theo quy định tại khoản 3, Điều 18 về “Cách thức niêm yết giá”, Nghị định số 177/2013 “Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giá”, đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị định số 149/2016, thì giá niêm yết là giá hàng hóa, dịch vụ đã bao gồm các loại thuế, phí và lệ phí (nếu có) của hàng hóa, dịch vụ đó.
Dù có thực hiện đúng quy định này thì cũng vẫn có thể chưa phải là giá cuối cùng, hay chưa phải “toàn bộ chi phí hành khách phải trả” như đã nêu tại Thông tư số 17/2019 kể trên.
Trong khi đó, Nghị định 177/2013 và Nghị định 149/2016 và các văn bản pháp luật hiện hành chưa quy định cụ thể phải niêm yết giá (gồm thuế, phí) ở bước nào. Đồng thời cũng chưa có hướng dẫn việc niêm yết từng yếu tố cấu thành, sau đó mới cộng giá gốc với dịch vụ đi kèm và các loại thuế, phí.
Vậy Vietnam Airlines kiến nghị như vậy có đúng luật không?
Kiến nghị của Vietnam Airlineschỉ căn cứ vào khoản 3, Điều 18 về ‘Cách thức niêm yết giá’ của Nghị định số 177/2013 và đặc biệt là khi họ đang niêm yết giá theo cách thứ nhất, còn các hãng hàng không khác niêm yết đồng thời cả giá Net và giá Gross theo cách thứ hai. Vietnam Airlines chỉ căn cứ vào giá Net , không xem xét giá Gross của các hãng khác cũng có niêm yết đồng thời mà kiến nghị như vậy là chưa phù hợp.
Hơn nữa, trong vụ việc lùm xùm này, xét về bản chất thì không còn đơn thuần là vấn đề pháp lý, mà là sự cạnh tranh giữa các hãng hàng không, trong đó Vietnam Airlines đang mất dần thị phần. Thậm chí, không chỉ Vietnam Airlines mà công ty con hãng hàng không Jestar Pacific do Vietnam Airlines sở hữu đến 70% cũng đuối dần. Và chính Jestar Pacific cũng đang niêm yết giá theo cách cả Net và Gross như các hãng hàng không còn lại.
Xin cám ơn ông!
Hiếu Dân
————-
Dân Việt (Kinh tế) 26-9-2019: