(TN) – Kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh dựa trên nền tảng số là một loại hình kinh doanh mới đang phát triển mạnh ở các nước trên thế giới.
Cơ quan thuế cần có những biện pháp phù hợp đối với những cá nhân thu lợi qua mạng xã hội
Nhiều nước đã thành lập bộ phận quản lý thuế TMĐT riêng cũng như ban hành các quy định liên quan.
Ví dụ tại Nhật Bản, cơ quan thuế đã thành lập tổ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT bao gồm các chuyên gia công nghệ thông tin, cán bộ thanh tra, kiểm tra có kinh nghiệm được luân chuyển từ các cục thuế vùng. Và chi cục thuế yêu cầu các ngân hàng cung cấp các số tài khoản được sử dụng để thanh toán các giao dịch TMĐT nhằm nhận diện các nhà cung cấp dịch vụ; phát triển hệ thống dò tìm tự động trên mạng internet để thu thập thông tin từ các trang web nhằm nhận diện những người nộp thuế không rõ ràng.
Hay cơ quan thuế Hàn Quốc cũng lập phòng quản lý thuế đối với TMĐT; thu thập thông tin từ các nguồn khác nhau như từ Tổng cục Thống kê Hàn Quốc, báo cáo của Hiệp hội Quản lý gian hàng trực tuyến tại Hàn Quốc và từ các thông tin thu thập trực tiếp từ các trang web bán hàng của doanh nghiệp…
Tại VN, luật Quản lý thuế 2019 đã được thông qua và có hiệu lực từ tháng 7.2019, lần đầu tiên quy định quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT, kinh doanh dựa trên nền tảng số và các dịch vụ khác. Trong đó cũng quy định rõ nhiệm vụ của các cơ quan như Bộ Công thương, Bộ Thông tin – Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước phải phối hợp chặt chẽ để quản lý thuế đảm bảo công bằng giữa các đối tượng nộp thuế và tránh thất thoát thuế.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, phân tích việc bỏ sót các trường hợp phải thu thuế kinh doanh qua mạng, hoạt động TMĐT nói chung là trách nhiệm của cơ quan quản lý thuế. Vì điều đó khiến cho người nộp thuế cảm thấy không công bằng, nhất là các cá nhân đang đi làm công ăn lương với những người đang có thu nhập khủng trên mạng. Vì vậy, cơ quan thuế phải tăng cường nhân sự và áp dụng công nghệ để theo dõi, thống kê và quản lý số lượng cá nhân trên các mạng. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng để truy soát các dòng tiền chi trả từ nước ngoài.
“Việc nêu tên người trốn thuế, né thuế rộng rãi như quy định là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn. Từ đó cũng góp phần làm giảm số người có hành vi gian lận, trốn thuế như thời gian qua”, luật sư Trương Thanh Đức nhấn mạnh thêm.
Ông Nguyễn Thái Sơn, Giám đốc Công ty tư vấn thuế Sài Gòn, cũng cho rằng cơ quan thuế được phép công khai thông tin người nộp thuế trong các trường hợp trốn thuế, chây ì nộp thuế, vi phạm các quy định về thuế. Công khai danh tánh người nộp thuế là một trong những biện pháp cưỡng chế thuế khá hiệu quả, đặc biệt đối với người nổi tiếng, coi trọng danh tiếng.
M.Phương – T.Xuân
————-
Thanh niên (Tài chính kinh doanh) 10-10-2019:
https://thanhnien.vn/tai-chinh-kinh-doanh/cong-khai-danh-tinh-ca-nhan-ne-thue-1135301.html
(182/622)