(TP) – Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho rằng, quan trọng nhất là sự phối hợp của các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook với Ngân hàng Nhà nước và cơ quan thuế để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp.
Vừa qua, Cục Thuế TP.HCM phát hiện và truy thu 1,5 tỷ đồng tiền thuế một cá nhân là chủ một kênh YouTube có thu nhập từ việc đăng clip trên mạng này kiếm được hơn 19 tỉ đồng từ năm 2016 – 2018.
Nhờ tính năng kiếm tiền, YouTube, Facebook trở thành nền tảng làm giàu cho không ít người. Việc truy thu và xử phạt thuế từ thu nhập trên mạng xã hội như trên không phải là mới. Tuy nhiên, làm cách nào phát hiện và truy thu được tiền thuế của các cá nhân này mới lại là vấn đề.
Theo quy định hiện nay, các cá nhân có nguồn thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên thuộc đối tượng kinh doanh và các thu nhập từ YouTube hay Facebook đều thuộc đối tượng chịu thuế. Nếu không tự giác kê khai nộp thuế hay cố tình chây ì nộp thuế, các cá nhân sẽ bị xử phạt hành chính và thậm chí khi số thuế lớn có thể chuyển sang truy tố hình sự.
Ông Lưu Đức Huy, Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, Tổng cục Thuế cho rằng, quan trọng nhất là sự phối hợp của Ngân hàng Nhà nước để truy xuất dòng tiền thu nhập bất thường của các cá nhân, doanh nghiệp qua các mạng xã hội trên. “Tất cả các ví điện tử, hay thẻ visa, thẻ master…đều phải thông qua Ngân hàng Nhà nước cấp phép mới được hoạt động. Các dòng tiền thanh toán đều được Ngân hàng Nhà nước cấp phép”, ông Huy cho hay.
Ngoài ra, việc công khai danh tính các cá nhân có biểu hiện né thuế, chây ì nộp thuế cũng cần đẩy mạnh để thúc đẩy quá trình tự giác nộp thuế nhanh hơn.
Đặc biệt, theo Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, cần có giải pháp, cơ chế để các tập đoàn đa quốc gia như Google, Facebook phối hợp cung cấp thông tin giao dịch, các dòng tiền chi trả cho cơ quan thuế, từ đó mới xem xét được kênh tiếp cận để truy thu hiệu quả.
Ngoài ra, cũng cần cả sự vào cuộc của Bộ Công an, Bộ Công thương, Bộ Thông tin và Truyền thông để giám sát, quản lý thu thuế thương mại điện tử hiệu quả.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cũng cho rằng, cơ quan thuế phải tăng cường nhân sự và áp dụng công nghệ để theo dõi, thống kê và quản lý số lượng cá nhân trên các mạng. Đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với hệ thống ngân hàng để truy soát các dòng tiền chi trả từ nước ngoài.
Ngoài ra, theo ông Đức, việc nêu tên người trốn thuế, né thuế rộng rãi như quy định là điều cần thiết nhằm mang tính răn đe lớn. Từ đó cũng góp phần làm giảm số người có hành vi gian lận, trốn thuế như thời gian qua.
TUẤN NGUYỄN
————-
Tiền phong (Kinh tế) 11-10-2019:
(117/588