(DV) – Theo luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, đáng lý, khi phát hiện nguồn nước đầu vào có vấn đề, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cần ngay lập tức dừng việc cấp nước để xử lý ô nhiễm. Thế nhưng, trên thực tế, nguồn nước này vẫn cung cấp cho khách hàng sử dụng, đó là hành vi không thể chấp nhận được.
Ngày 14/10, ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) đã có văn bản gửi Sở Xây dựng Hà Nội về việc quản lý vận hành nhà máy từ ngày 9 đến 11/10/2019.
Trong văn bản Viwasupco cho biết, vào 12h ngày 9/10/2019, thời tiết khu vực mưa, nhân viên bảo vệ đội phục vụ công tác bảo về và vớt rong rêu phát hiện ngoài cửa kênh dẫn nước hồ có váng chưa rõ nguyên nhân.
Phát hiện sự việc trên, lực lượng bảo vệ đã báo cáo lên Phòng Trung tâm và lãnh đạo Cty cho hướng xử lý. “Dù kết quả kiểm tra chất lượng nước sạch đầu ra của Phòng hóa nghiệm Công ty vẫn đảm bảo theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế”, Tổng Giám đốc Viwasupco Nguyễn Văn Tốn cho hay.
Ông Tốn cho biết, ngay sau khi nhận được thông tin, nhà máy đã đóng van cấp nước vào nước ở bể chứa trung gian và tiến hành xúc xả toàn bộ nước qua nhà máy thông qua van xả cặn đoạn từ nhà máy về đến bể chứa trung gian. Do không có nước về bể chứa nên công ty buộc phải giám áp để duy trì cấp nước.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo thường kỳ Bộ Tài nguyên và Môi trường, ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết đã giao Cục Bảo vệ Môi trường miền Bắc phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình điều tra, làm rõ nguyên nhân.
Sau 4 ngày phát hiện nước sạch có mùi lạ, người dân cho biết chưa được đơn vị cung cấp nước hay cơ quan quản lý nhà nước khuyến cáo về chất lượng “nước sạch”.
Qua báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hoà Bình, vào tối ngày mùng 8, rạng sáng mùng 9/10, người dân phát hiện một xe tải 2,5 tấn bơm dầu thải đổ trộm ra khe núi sát Suối Trâm tại xã Phúc Minh và Phúc Tiến (huyện Kỳ Sơn, Hoà Bình) – cách kênh dẫn nước của nhà máy khoảng 800m.
Váng dầu từ khe núi chảy vào suối và lan tới kênh dẫn nước của Nhà máy nước sạch Sông Đà (Viwasupco) tại Hoà Bình. Sau khi phát hiện thì nhà máy nước sạch Sông Đà đã thuê người dân vớt dầu. Toàn bộ dầu loang, theo báo cáo của công ty này, đã được thu gom.
Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI nhìn nhận, đáng lý, khi phát hiện nguồn nước đầu vào có vấn đề, Công ty cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cần ngay lập tức dừng việc cấp nước để xử lý ô nhiễm. Thế nhưng, trên thực tế, nguồn nước này vẫn cung cấp cho khách hàng sử dụng, đó là hành vi không thể chấp nhận được.
Theo ông Đức, hành động đó là vi phạm hợp đồng, sai trái, lừa dối khách hàng. Chỉ cần tính đơn thuần (chưa tính đến mức độ ảnh hưởng tới sức khỏe người dân), có thể hình dung nhân lượng nước không đảm bảo tiêu chuẩn với số tiền người tiêu dùng phải trả sẽ ra được số tiền doanh nghiệp đã làm lợi để từ đó làm cơ sở để quy trách nhiệm tương xứng.
Trong trường hợp này, doanh nghiệp này phải có trách nhiệm bồi thường hợp đồng, khắc phục hậu quả và thậm chí không loại trừ trường hợp của tội phạm hình sự vì đầu độc, làm ảnh hưởng tới sức khỏe và tính mạng người tiêu dùng.
“Nếu có một số người vì ăn uống nước vào có thể dẫn tới nguy hiểm tính mạng thì cần phải được xem xét thật nghiêm túc về những sai trái trên”, ông Đức nhấn mạnh.
Vậy trách nhiệm thuộc về ai?
Ông Đức cho rằng, người đầu tiên phải chịu trách nhiệm đó chính là đại diện pháp luật của Viwasupco. Tuy nhiên, nếu người đại diện không biết hay không đưa ra quyết định trong việc tiếp tục cấp nước dù nguồn nước kém chất lượng thì họ sẽ chịu trách nhiệm gián tiếp. Những cá nhân đưa ra quyết định trong sự việc này sẽ là những người phải “gánh” trách nhiệm trực tiếp.
Riêng về pháp nhân, có thể Viwasupco sẽ phải chịu phạt tiền và nặng hơn sẽ là đình chỉ hoạt động.
Ông Hoàng Văn Thức- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường cũng khẳng định, “Doanh nghiệp cung cấp nước sạch, biết nguồn nước ô nhiễm mà vẫn cấp cho người dân thì phải chịu trách nhiệm”.
Được biết, Viwasupco tiền thân là doanh nghiệp dự án của Tổng công ty CP Xây dựng và Xuất nhập khẩu Việt Nam (Vinaconex) thực hiện dự án Nhà máy nước sạch Sông Đà. Tháng 4/2016, Công ty CP Đầu tư và Phát triển Sinh Thái (Công ty Sinh Thái) đã mua 43,6% cổ phần tại Viwasupco, mã cổ phiếu VCW. Cổ đông lớn nhất của Viwasupco lúc này vẫn là Vinaconex (51%).
Cuối năm 2017, Vinaconex công bố bán toàn bộ cổ phần tại Viwasupco. Thay vào đó, Gelex đã nâng sở hữu vốn tại Công ty nước sạch Sông Đà lên trên 50% và chính thức quản lý đơn vị này từ tháng 12/2017.
Trong Báo cáo thường niên 2018 tại Đại hội cổ đông thường niên năm 2019 cũng thể hiện rõ, Gelex chính thức sở hữu chi phối nhà máy nước Sông Đà với 60,46% và triển khai khởi công phân kỳ 1- Giai đoạn 2 Dự án nước Sông Đà.
Hiện trên trang web của Gelex, phần giới thiệu về Công ty TNHH MTV Năng lượng GELEX ghi rõ: Công ty này có vốn điều lệ hiện tại là 2.300 tỷ đồng, do GELEX giữ 100% vốn. Công ty đồng thời cũng đầu tư vào lĩnh vực sản xuất và cung cấp nước sạch, một bộ phận quan trọng khác trong nhóm hạ tầng thiết yếu. GELEX Energy hiện đang sở hữu chi phối Công ty cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà, đơn vị duy nhất cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà cho thủ đô Hà Nội với công suất giai đoạn 1 là 300.000 m3/ ngày đêm.
Ngay trong chiều 14/10, nhiều cơ quan chức năng của tỉnh Hòa Bình và Hà Nội cũng đã đến suối ở thôn Vật Lại lấy mẫu về xét nghiệm. Ngoài ra, Cơ quan Cảnh sát môi trường của tỉnh Hòa Bình đã vào cuộc điều tra, làm rõ, truy tìm đối tượng gây ra sự ô nhiễm ở suối Trầm. Theo nguồn tin của Tiền Phong, cơ quan chức năng đã hoàn thành việc xét nghiệm mẫu nước sinh hoạt do Công ty CP đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) cung cấp và có kết quả. Nước sinh hoạt của người dân được xét nghiệm rất nhiều thành phần, trong đó có những chỉ số hợp chuẩn và có những chỉ số vượt ngoài tiêu chuẩn. Đặc biệt, nước sinh hoạt có chỉ số hàm lượng mùi vượt ngưỡng tiêu chuẩn. Đại diện UBND thành phố Hà Nội cho biết, hiện UBND đang tổng hợp báo cáo từ Sở Xây dựng, Sở Y tế để có thông tin chính thức đến người dân. |
Huyền Anh
————-
Dân Việt (Kinh tế) 15-10-2019:
http://danviet.vn/kinh-te/nuoc-sach-ha-noi-co-mui-la-viwasupco-phai-boi-thuong-cho-nguoi-dan-1022891.html
(451/1.357)