(ĐT) – Chất lượng tín dụng của một số ngân hàng bắt đầu đi xuống khi lãi dự thu và nợ xấu đồng loạt tăng.
Nếu cuối năm nay, Ngân hàng Nhà nước không gia hạn Thông tư 03/2021/TT-NHNN, thì nợ xấu của nhiều ngân hàng sẽ còn tăng mạnh.
Lãi lớn trong 6 tháng đầu năm, song chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang suy giảm. Ảnh: Dũng Minh |
Áp lực nợ xấu, lãi dự thu bắt đầu hiển hiện
Mặc dù lãi khủng trong 6 tháng đầu năm nay, song chất lượng tài sản của nhiều ngân hàng đang suy giảm, nợ xấu và lãi dự thu đều tăng. Con số này thể hiện khá rõ nét trong báo cáo tài chính quý II/2021 vừa được nhiều ngân hàng công bố.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm nay, lãi và phí phải thu của ABBank là 979 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Nợ xấu tuyệt đối của Ngân hàng tăng 17,6% trong nửa đầu năm, lên 1.556 tỷ đồng, chiếm 2,32% tổng dư nợ cho vay, tăng khá mạnh so với đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ABBank hồi đầu năm 2021 ở mức 2,09%. Trong đó, đáng chú ý là nợ nhóm 3 tăng tới 90% so với đầu năm, nợ nhóm 5 cũng tăng gần 40%.
Tại MB, lãi và phí phải thu tính đến ngày 30/6/2021 tăng 17,7%, lên 4.554 tỷ đồng; các khoản phải thu tăng 16,6%, lên gần 21.000 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã nâng dự phòng rủi ro lên gấp đôi để đối phó với nợ xấu.
Tại một số ngân hàng TMCP khác, lãi dự thu và nợ xấu cũng tăng đáng kể. Chẳng hạn, tại Techcombank, các khoản phải thu tăng 42,4%, lên gần 23.500 tỷ đồng; lãi và phí phải thu 5.736 tỷ đồng, tăng 9,6%; dự phòng rủi ro tăng gần 20%. Tại Saigonbank, tỷ lệ nợ xấu gần như giữ nguyên, song do tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt thấp, nên trong 6 tháng đầu năm, ngân hàng này đã phải tăng dự phòng rủi ro gấp 5,1 lần. Tại VietBank, tổng nợ xấu tại thời điểm 30/6/2021 tăng 13%, lên mức gần 887 tỷ đồng, tương ứng tỷ lệ nợ xấu tăng nhẹ từ mức 1,75% đầu năm lên 1,91%…
Không những nợ xấu và lãi dự thu tăng, tỷ lệ bao phủ nợ xấu của nhiều ngân hàng cũng giảm. Tại VietinBank, nợ xấu cuối quý II/2021 là 1,38%, tăng so với đầu năm (0,94%) và tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ còn đạt 110%, giảm so với mức 132% cuối năm ngoái. Tương tự, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank ở mức 0,91% vào cuối quý II/2021, tăng so với con số 0,6% tại thời điểm cuối năm 2020; tỷ lệ bao phủ nợ xấu chỉ còn 280%, giảm mạnh so với mức 380% vào cuối năm 2020.
Mặc dù báo cáo tài chính cho thấy, lợi nhuận của các ngân hàng trong nửa đầu năm nay vẫn rất tích cực, song ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho rằng, nợ xấu tiềm ẩn từ số dư nợ được cơ cấu lại vẫn chưa thể hiện rõ ràng trong báo cáo tài chính của các nhà băng. Việc thực hiện Thông tư 03/2021/TT-NHNN sẽ làm tăng áp lực nợ xấu cho các ngân hàng trong thời gian tới, nhất là tác động của đợt dịch Covid-19 lần thứ tư, nên nợ xấu có thể sẽ tăng nhanh, trong khi các khoản nợ nợ tồn đọng tại các ngân hàng vẫn chưa thể xử lý.
Lên kịch bản ứng phó với nợ xấu
Trong khi nợ xấu và lãi dự thu tăng nhanh, các ngân hàng lại đang đối mặt với tình trạng thu hồi nợ chậm lại do Covid-19. Ông Nguyễn Huy Tài, Phó tổng giám đốc Ngân hàng SHB cho biết, Covid-19 ảnh hưởng đến dòng tiền trả nợ của khách hàng, việc xử lý nợ xấu và tương tác với khách hàng cũng gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều đơn vị từ chối gặp gỡ nhân viên ngân hàng trong bối cảnh dịch, phương thức trao đổi qua qua email, điện thoại cũng không hiệu quả bởi nhiều khách hàng không nghe điện thoại, không trả lời email.
Mặc dù sàn mua bán nợ xấu đang được Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) đưa ra vận hành, song với tình hình thị trường bất động sản trầm lắng như hiện nay, cộng với khá nhiều vướng mắc về thủ tục đấu giá, thủ tục chứng khoán hóa nợ xấu…, việc mua bán nợ trên sàn chưa thể nhộn nhịp.
Trong bối cảnh nợ xấu dềnh lên, điều mà các ngân hàng thương mại mong đợi nhất là Chính phủ sớm trình Quốc hội phương án luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu. Nghị quyết này chỉ còn 1 năm nữa là hết hiệu lực và cũng chỉ áp dụng với các khoản nợ xấu cũ của giai đoạn trước.
Theo nguồn tin của Báo Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước đang theo dõi sát để đánh giá mức độ tác động của Covid-19 tới nợ xấu của từng ngân hàng cũng như hệ thống. Cơ quan này cũng đang khẩn trương hoàn thiện Dự thảo Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2021 – 2025, bao gồm cả xử lý nợ xấu để trình Chính phủ thông qua.
Trước mắt, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng phải tăng cường kiểm soát chất lượng tín dụng, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định pháp luật, tích cực triển khai các biện pháp kiểm soát và hạn chế nợ xấu phát sinh nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng về mức an toàn.
“Thực tế chứng minh, Nghị quyết 42/2017/QH14 đã mang lại rất nhiều kết quả tích cực cho công tác xử lý nợ xấu. Tuy nhiên, đối tượng tập trung vào các khoản nợ được hình thành trước khi nghị quyết này có hiệu lực. Trong khi đó, nợ xấu là vấn đề liên tục, luôn hiện hữu của ngành ngân hàng. Trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, nợ xấu đã và đang tăng cao. Hơn nữa, Nghị quyết 42/2017/QH14 sẽ hết hiệu lực chỉ trong khoảng 1 năm nữa, khiến áp lực xử lý nợ xấu của hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới là rất lớn”.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty luật ANVI
Hà Tâm
—————-
Đầu tư (Ngân hàng) 01-8-2021:
https://baodautu.vn/no-xau-va-lai-du-thu-tang-nhieu-ngan-hang-lo-ganh-nang-no-xau-d148483.html