2.806. Hết tiền đi vay tiêu dùng, cay đắng bị lừa mất trắng

(VNN) – Tình trạng mạo danh các công ty tài chính để cho người dân vay tiền rồi đưa vào bẫy lừa đảo, chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi, khiến nhiều nạn nhân đã hết tiền lại khó khăn càng khó khăn hơn.

Cay đắng bị lừa

Anh Hoàng Văn Thanh ở Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, đang lúc khó khăn, anh nhận được cuộc gọi từ một số điện thoại lạ, giới thiệu là người của một công ty tài chính, cho vay tiêu dùng. Người này nói rằng anh đủ điều kiện để vay khoản tiền 35 triệu đồng, không lãi suất, thuộc trong gói hỗ trợ khách hàng gặp khó do đại dịch Covid-19 của công ty.

Sau đó, đối tượng hướng dẫn anh Thanh tải một ứng dụng về điện thoại di động để làm hồ sơ vay. Thủ tục hoàn tất, anh Thanh được thông báo phải chuyển số tiền đặt cọc là 3,5 triệu đồng vào tài khoản công ty. Số tiền này sẽ được trả lại cùng với khoản vay 35 triệu đồng.

Tuy nhiên, khi chuyển tiền xong thì anh không nhận được khoản vay, mà liên lạc lại số điện thoại trên cũng không được. Đang lúc dịch bệnh phải thực hiện giãn cách xã hội, có ít tiền để lo cuộc sống lại bị lừa mất, anh Thanh cay đắng kể.

Mạo danh công ty tài chính cho vay tiền

Xót hơn là câu chuyên của chị Thanh Thủy ở Ninh Bình. Chị Thủy nhận được tin nhắn cho vay số tiền 50 triệu đồng, trả phí 4 triệu đồng. Do không có tiền, chị được người gửi tin nhắn hướng dẫn vay tại một app 4 triệu đồng. Chuyển tiền phí rồi, thực hiện các bước đăng nhập tài khoản, nhập mật khẩu thấy thông báo “tài khoản đóng băng”.

Liên hệ lại, nhân viên nói chị “đăng nhập sai” nên không được duyệt khoản vay 50 triệu, muốn vay thì đóng thêm 10 triệu đồng tiền phí nữa. Chị lại vay qua các app đủ số tiền 10 triệu đồng để nộp. Thế nhưng, chị vẫn không vay được khoản 50 triệu đồng. Chị liên hệ không được vì họ tắt điện thoại.

Biết mình bị lừa và nghi những app được giới thiệu vay 14 triệu kia là cùng một nhóm, chị quyết định không trả nợ thì hàng ngày nhận được cả trăm cuộc gọi đòi nợ với những lời lẽ thô tục, chửi bới, dọa nạt…

Qua tiếp xúc với nhiều khách hàng bị lừa, các chuyên gia pháp lý của VietCredit chỉ rõ thủ đoạn tinh vi của các đối tượng cho vay tiền qua ứng dụng app tên Space và dùng các thủ thuật như sử dụng tên tương đồng với tên công ty tài chính và sử dụng bất hợp pháp thông tin địa chỉ trụ sở, chi nhánh của công ty tài chính để cố ý tạo nhầm lẫn từ đó chiếm đoạt tiền của người đi vay.

Đầu tiên, các đối tượng tiếp cận người đang có nhu cầu vay vốn qua Zalo để chào mời vay tiền và yêu cầu cài đặt app. Sau đó, đối tượng yêu cầu người vay phải đóng trước một khoản tiền cọc để xác minh khả năng chi trả và hứa hẹn người vay sẽ nhận lại đủ toàn bộ số tiền vay và tiền cọc khi khoản vay được giải ngân vào tài khoản ngân hàng của chính người vay.

Thậm chí, bọn lừa đảo còn làm giả văn bản với đầy đủ dấu mộc và cố tình lồng ghép tên công ty tài chính được nhà nước cấp phép để thuyết phục người đi vay đóng tiền. Sau khi người đi vay đã đóng tiền cọc, nhóm đối tượng tiếp tục dùng nhiều lý do như số tài khoản ngân hàng bị sai, khoản giải ngân đang bị Ngân hàng Nhà nước phong tỏa hay người vay vốn đang có tín dụng xấu cần phải gỡ bỏ,… nhằm dụ dỗ họ đóng thêm các khoản tiền lớn hơn để được tiếp tục vay.

Cẩn trọng vay trực tuyến

Ngoài ra, các công ty tài chính cũng cũng cảnh báo một thủ đoạn khác là giả danh nhân viên công ty tài chính yêu cầu người vay vốn cung cấp các thông tin như CCCD, CMND, số tài khoản ngân hàng, mã OTP ví điện tử,…để nhận giải ngân tiền vay vào tài khoản ngân hàng của mình. Sau khi có các thông tin trên, đối tượng sẽ lập tức rút tiền từ tài khoản ngân hàng của người đi vay qua giao dịch của ví điện tử và chặn toàn bộ liên lạc.

Chuyên gia bảo mật thông tin từ VietCredit khuyến cáo người tiêu dùng không nên chia sẻ các thông tin cá nhân, thông tin thẻ vay, đặc biệt là các thông tin bảo mật như mật khẩu, mã giao dịch, mã OTP,… cho người lạ dưới bất kỳ hình thức nào.

Đã có nhiều khách hàng phản ánh bị kẻ mạo danh VietCredit, DN này cho biết, tổ chức Space, app Space không liên quan hay có bất kỳ mối liên hệ vào với VietCredit. Hiện nay,  tất cả mọi quy trình đều không yêu cầu khách hàng đóng tiền cọc trong quá trình thẩm định. Việc yêu cầu khách hàng chuyển tiền để chứng minh tài chính và khả năng thanh toán khoản vay chính là dấu hiệu của lừa đảo mà người đi vay cần phải lưu ý để tránh bị lợi dụng.

Theo Luật sư Trương Thanh Đức, dù đã cảnh báo rất nhiều nhưng nhiều người vẫn bị các đối tượng lừa dẫn đến mất tài sản. Nhằm tránh gặp phải các rủi ro, người dân nên cẩn trọng với những ứng dụng trực tuyến cho vay quá dễ dàng.

Ông khẳng định, không có công ty tài chính hay ngân hàng nào cho vay qua mạng với những thủ tục đơn giản như vậy. Chưa kể, việc yêu cầu chuyển tiền để chứng minh tài chính lại càng sai. Đó chính là lừa đảo. Khi cần vay tiền, người dân nên đến trụ sở các ngân hàng, công ty tài chính làm hợp đồng, có chữ ký, xác minh rõ ràng. Khi phát hiện bị kẻ gian lừa đảo, cần báo ngay với cơ quan chức năng để được điều tra làm rõ vụ việc, Luật sư Đức nói.

Trần Thủy

—————-

Vietnamnet (Kinh doanh) 21-8-2021:

https://vietnamnet.vn/vn/kinh-doanh/tai-chinh/mao-danh-cong-ty-tai-chinh-cho-vay-tien-cay-dang-bi-lua-767320.html

(149/1.107)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,040