2.812. Hà Nội quyết thu hồi dự án bỏ hoang: Dự án “treo” liệu có hết “treo”

(VTV.vn) – Hơn 300 dự án “treo” rải rác khắp các địa bàn quận, huyện đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến mỹ quan đô thị của Thủ đô.

Mới đây, lãnh đạo TP Hà Nội đã yêu cầu các sở, ngành kiểm tra, xử lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố và báo cáo UBND thành phố ngay trong tháng 8/2021.

Lần này, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục được giao làm cơ quan đầu mối và đặc biệt nhấn mạnh đến việc kiên quyết thu hồi đất không đưa vào sử dụng; đồng thời hướng dẫn các nhà đầu tư giải quyết các vướng mắc tại các dự án để sớm đưa vào khai thác.

Phát sinh dự án chậm triển khai

Đây không phải là lần đầu tiên Hà Nội quyết tâm xử lý các dự án “treo”, nhưng đến nay, kết quả của sự quyết tâm đó cũng chỉ là những con số kiêm tốn, thậm chí ngày càng “phình” to hơn.

Theo kết quả giám sát của TP Hà Nội từ năm 2018, Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. Tuy nhiên, qua việc tái giám sát cho thấy vẫn còn nhiều dự án “treo”.

Theo kết quả giám sát của TP Hà Nội từ năm 2018, Hà Nội có 379 dự án chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội có thêm hơn 10 dự án chậm triển khai. Trong đó, 66 dự án chưa được giao đất, cho thuê đất chậm thực hiện các thủ tục đầu tư, chậm triển khai theo quyết định được phê duyệt; 324 dự án đã được giao đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai tính đến tháng 4/2021.

Nhiều dự án bỏ hoang hàng chục năm gây bức xúc

Việc hàng trăm dự án án chậm triển khai, bỏ hoang, trong đó có những dự án ở ngay vị trí trung tâm Hà Nội không chỉ để lại hệ lụy về mặt cảnh quan, văn minh đô thị, lãng phí tài nguyên đất, thiệt hại lớn về kinh tế, mà còn gây nhiều bức xúc khi ảnh hưởng đến đời sống dân sinh.

Được san lấp mặt bằng từ đầu những năm 2000, thế nhưng sau hàng chục năm triển khai, một khu đô thị ở huyện Mê Linh về cơ bản vẫn trong tình trạng hoang tàn với hàng chục hecta đất bỏ hoang, số nhà có người ở chỉ đếm trên đầu ngón tay.

“Người dân cũng bức xúc lắm bởi đã lâu năm rồi, họ lấy đất làm đô thị nhưng không có ai ở”, anh Nguyễn Đắc Lưu (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) chia sẻ.

“Đất này khi đó chúng tôi bán rất rẻ, với giá 18 triệu/sào 360 m2. Trong khi đó, cấp trên hứa là bán để trả dịch vụ, nhưng đến giờ dịch vụ của dân không thấy gì suốt 20 năm nay”, ông Nguyễn Xuân Chờ (huyện Mê Linh, TP Hà Nội) nói.

Dự án Khu chức năng đô thị Trũng Kênh nằm ở vị trí đắc địa, ngay gần UBND quận Hoàng Mai, Hà Nội. Thế nhưng, gần 10 năm nay, dự án vẫn bị bỏ hoang. Các hộ gần trong vùng quy hoạch dự án cho biết, họ không được phép xây nhà, cũng không mua bán được. Dự án đã được đổi chủ, hiện nay do liên doanh 3 công ty cùng thực hiện, thế nhưng vẫn chưa có chuyển biến gì.

Lập quy hoạch để ngăn dự án “treo”

Bên cạnh nguyên nhân khách quan là chồng chéo quy định pháp luật về quản lý đất đai, một số dự án chậm triển khai do phải tạm dừng để rà soát điều chỉnh quy hoạch; một số dự án gặp khó khăn trong công tác thỏa thuận, đền bù giải phóng mặt bằng…

Nhìn từ bài học của Mê Linh, trong tổng số 47 dự án chậm triển khai, đã có 3 dự án bị thu hồi. Đa phần các dự án còn lại đang gặp khó khăn trong việc thiếu cơ chế. Do vậy ở tầm vĩ mô, việc lập quy hoạch dài hạn, quản lý chặt chẽ việc phê duyệt các dự án là điều vô cùng cần thiết, để tránh hiện tượng “quy hoạch treo” về sau này.

“Các dự án này được lập và triển khai từ thời kỷ ở Vĩnh Phúc. Sau khi Mê Linh được sáp nhập về Hà Nội năm 2008, cơ chế giữa Vĩnh Phúc và Hà Nội có sự thay đổi, do đó công tác triển khai chậm, đơn cử như đơn giá đền bù, giải phóng mặt bằng giữa Hà Nội và Vĩnh Phúc khác nhau”, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh (TP Hà Nội) Lê Văn Khương cho biết.

Trách nhiệm của chính quyền địa phương đối với dự án “treo”

Ngoài những nguyên nhân khách quan về quy hoạch, pháp luật, theo quy định hiện nay, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất, thì sẽ được gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi.

Thế nhưng trên thực tế, các chủ đầu tư không thiếu gì cách để trốn tránh việc thu hồi như xin điều chỉnh quy hoạch để kéo dài thời gian đắp chiếu dự án. Do đó, việc thu hồi được hay không nằm rất nhiều ở ý chí kiên quyết của chính quyền địa phương.

“Phải quy trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước, xem anh đã quyết tâm thu hồi dự án lỗi do chủ đầu tư chưa, thứ hai là có quyết tâm đẩy mạnh giải phóng mặt bằng hoặc phê duyệt quy hoạch”, ông Hoàng Văn Cường, chuyên gia bất động sản, nhận định.

“Chúng tôi cũng báo cáo thành phố, kiên quyết đối với các dự án chậm triển khai, đề nghị sở ngành có quan điểm đồng thuận với quận. Nếu chậm triển khai, thì thành phố theo đúng Luật Đầu tư sẽ thu hồi dự án”, ông Vũ Quỳnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị, quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, cho biết.

Từ năm 2018 đến nay, Hà Nội có thêm hơn 10 dự án chậm triển khai. (Ảnh minh họa: Dân trí)

Để giải quyết tình trạng nhiều dự án bị bỏ hoang, mới đây TP Hà Nội đã đề xuất đánh thuế hoặc xử phạt nặng đối với chủ sở hữu các dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, chậm triển khai, không đưa vào sử dụng.

Cụ thể, thành phố đề xuất Bộ Tài chính đánh thuế bất động sản bỏ hoang từ 3 tháng trở lên với mức áp thuế dự kiến khoảng 5% trên giá trị hợp đồng. Nếu sau 1 năm, bất động sản vẫn chưa được đưa vào sử dụng, mức thuế sẽ nâng lên 10% trên tổng giá trị.

Việc đánh thuế sẽ giúp gây áp lực để buộc chủ dự án phải sớm đưa dự án vào khai thác, nhưng cũng không thể nói thu thuế là thu được ngay nếu chúng ta không dựa trên cơ sở pháp luật.

Giải pháp để đề xuất đánh thuế bất động sản bỏ hoang khả thi

Hơn 10 năm nay, đề xuất của Bộ Tài chính về đánh thuế bất động sản bỏ hoang vẫn chưa thể triển khai trong thực tiễn, bởi cơ quan quản lý đang vướng ở chỗ không tìm ra cách chứng minh biệt thự nào bỏ hoang, biệt thự nào có người ở.

“Cần phải sửa luật, phải có những quy định của Quốc hội quy định rõ ràng đánh thuế như thế nào, đánh thuế bao nhiêu, làm sao cho hợp lý”, Luật sư Trương Thanh Đức, Công ty Luật ANVI, nói. (phút 5:55 Video clip)

Trong trường hợp khu đô thị bỏ hoang vì hạ tầng yếu kém, không đúng tiến độ, xuất phát do chủ đầu tư, hay do quy hoạch, lúc này trách nhiệm của các chủ thể tham gia trong việc sử dụng đúng công năng của công trình cần được phân định rõ ràng.

“Nếu chưa đảm bảo hệ thống kết nối thì không được phép đưa dự án đó vào sử dụng. Vì vậy, tôi nghĩ rằng nhà nước cũng phải có chế tài, người dân cũng phải có chế tài, chủ dự án cũng phải có chế tài. Tất cả sẽ tạo ra sự đồng bộ”, Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Nguyễn Văn Đính cho hay.

Một vướng mắc khác khiến dù Luật Thuế đã có quy định đánh thuế cao đối với trường hợp đất bỏ hoang nhưng chưa thu được, còn do có một khoảng trống lớn về cơ sở dữ liệu đất đai dẫn đến tình trạng khó kiểm soát và bỏ lọt các đối tượng chịu thuế.

Phạt, đánh thuế, thu hồi dự án, quy trách nhiệm không chỉ với chủ đầu tư, mà cả với cơ quan quản lý để xử lý dự án treo, bất động sản bỏ hoang…, các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng dự án treo để nguồn lực đất đai không bị lãng phí, gây bức xúc trong dư luận xã hội đã được Hà Nội một lần nữa đưa ra. Điều này càng trở nên cấp thiết trước thực tế hiện nay tại Hà Nội, quỹ đất để phát triển hạ tầng phúc lợi eo hẹp, nhưng diện tích đất để hoang hóa lại lên đến hàng triệu mét vuông.

VTV Digital

—————-

VTV.vn (Kinh tế) 26-8-2021:

https://vtv.vn/kinh-te/ha-noi-quyet-thu-hoi-du-an-bo-hoang-du-an-treo-lieu-co-het-treo-20210826001513681.htm

(40/1.669)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,040