2.814. Nước sông Đuống bán giá khủng: Hà Nội ‘hớ’ khi chọn nhà đầu tư?

(TP) – Hà Nội có “hớ” trong việc huy động vốn đầu tư nhà máy nước sạch sông Đuống khi nhà máy này ở vị trí không thuận lợi, công nghệ xử lý tốn kém vì nước nhiều phù sa, phải tăng hóa chất xử lý; Chủ đầu tư “tay không bắt giặc” phải vay tới 80% vốn đầu tư?

Nhà máy nước sạch sông Đuống Ảnh: MẠNH THẮNG
Nhà máy nước sạch sông Đuống Ảnh: MẠNH THẮNG
Lợi nhuận “khủng” từ nước sạch

Báo cáo tài chính quý III/2019 của Công ty CP Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco) ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng mạnh. Cụ thể, doanh thu tăng 17% so với cùng kỳ lên 138 tỷ đồng; lợi nhuận sau thuế tăng 28% lên 72 tỷ đồng.

Tính chung 9 tháng, doanh thu của Viwasupco tăng 21% lên hơn 400 tỷ đồng, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng 30% lên gần 200 tỷ đồng, vượt khá nhiều so với lợi nhuận đề ra cho cả năm là 75,5 tỷ đồng.

Trong năm 2018, mảng cung cấp nước mang về cho Cty nước sạch sông Đà 469 tỷ đồng doanh thu cùng biên lãi gộp lên tới 57,1%, tỷ suất này cũng được duy trì ở mức 56,8% trong 6 tháng đầu năm nay.

Một đơn vị khác là Công ty Nước sạch Hà Nội (Hawacom), hai năm gần đây, mỗi năm doanh nghiệp này sản xuất tổng cộng 230 triệu m3 nước, tương đương năng lực sản xuất một ngày đêm trên 650.000m3. Năm 2018, Hawacom đạt mức lãi ròng 356 tỷ đồng với tỉ suất lợi nhuận 19% trong năm 2018.

Tại TPHCM, nhóm công ty nước sạch hiện có biên lãi gộp khoảng 30%/năm. Trong đó, Cấp nước Nhà Bè năm 2018 ghi nhận 642 tỷ doanh thu, biên lãi gộp đạt 29,4% mang về 189 tỷ đồng lãi gộp.

Thành lập năm 2016, đối với Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống, nhà máy nước sông Đuống là dự án lớn nhất được khởi công cùng năm với vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng. Tập đoàn Aqua One của bà Đỗ Thị Kim Liên là cổ đông nắm quyền chi phối 58% vốn. Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội nắm 10%, Công ty TNHH MTV Ứng dụng công nghệ mới nắm 5%, Công ty cổ phần Đầu tư Việt Nam – Oman qua hình thức uỷ thác đầu tư nắm 27% vốn. Vốn chủ sở hữu của sông Đuống là 999,6 tỷ đồng.

Dù mới khánh thành giai đoạn 1, một cổ đông đã nhanh chóng “bán lúa non” thu về hơn 2.000 tỷ đồng. Tập đoàn WHA của nữ tỷ phú hàng đầu Thái Lan là Jareeporn Jarukornsakul thông qua nhiều công ty con mua vào 34% Cổ phần của Công ty Cổ phần Nước mặt sông Đuống. Giá trị giao dịch được WHA công bố là 2.073 tỷ đồng. Như vậy, Công ty Nước mặt sông Đuống được định giá hơn 6.000 tỷ đồng (tương đương định giá 61.000 đồng/cổ phiếu).

Vì sao không đấu thầu?

Theo các chuyên gia, nước sạch là nhu cầu thiết yếu của người dân nên vấn đề tiêu thụ, đầu ra luôn có sẵn. Vì vậy, lợi nhuận của ngành này luôn ổn định và có cơ hội tăng trưởng mạnh khi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, nhu cầu nước sạch lớn.

Trao đổi với PV Tiền Phong, luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho rằng, cần minh bạch để tránh “lợi ích nhóm” trong nước sạch. “Hà Nội hoàn toàn có thể chọn nhà máy, chọn công nghệ… từ đó kêu gọi nhà đầu tư, tổ chức đấu thầu công khai để chọn đơn vị đầu tư thấp nhất. Tại sao không chọn đơn vị sản xuất có giá thấp mà lại chọn giá cao hơn?”, luật sư Đức đặt câu hỏi và đề nghị làm rõ tại sao lại chỉ định thầu ở dự án này.

Nước sông Đuống bán giá khủng: Hà Nội 'hớ' khi chọn nhà đầu tư? ảnh 1Nhà đầu tư nói xử lý nước sông Đuống bằng công nghệ châu Âu
Luật sư Trương Xuân Hải, Công ty Luật Gia Bảo (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng, việc xã hội hóa là chính đáng nhằm huy động các nguồn lực cho sự phát triển, tuy nhiên, có nên xã hội hóa hoàn toàn không?Nếu các doanh nghiệp tư nhân chỉ chạy theo lợi nhuận thì sản phẩm cung cấp có đảm bảo chất lượng với giá thành hợp lý. Do vậy, dịch vụ công cần giữ vai trò chi phối của nhà nước, doanh nghiệp công ích phải lấy việc phục vụ người dân là chính, chú trọng hàng đầu đến chất lượng.

Theo PGS.TS. Ngô Trí Long, chuyên gia kinh tế, cũng như điện, nước là nhu cầu thiết yếu đối với người dân, lãi ngành nước hiện rất cao. Việc chọn nhà đầu tư để xây dựng nhà máy nước cần qua đấu thầu công khai để tìm được suất đầu tư phù hợp, hiệu quả. “Trong vụ việc này, cần thanh tra rõ quy trình phê duyệt, thẩm định và làm rõ có đấu thầu hay chỉ định thầu”, ông Long nói.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Quang Hưng, nguyên Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hội cấp nước Việt Nam nhận định: Nước sạch phải là dịch vụ công ích, không được coi là mặt hàng thương mại. Có những người dân khó khăn không có tiền mua nước thì nhà nước phải hỗ trợ miễn phí. Nếu doanh nghiệp quản lý, họ sẽ chỉ tính đến lợi nhuận, không có việc hỗ trợ người nghèo.

Hiện Hà Nội quản lý cấp nước theo kiểu phân mảnh với quá nhiều công ty đảm nhiệm nên nếu sự cố xảy ra sẽ rất lúng túng trong xử lý. Cách làm này của Hà Nội có phù hợp với một đô thị
phát triển?

“Hà Nội nên tập trung lĩnh vực phân phối nước sạch vào một đầu mối, còn sản xuất nước có thể nhiều thành phần đầu tư xây dựng và cung cấp nước thông qua đơn vị phân phối bằng các hợp đồng chặt chẽ, bảo đảm các yếu tố cho nước sạch đô thị và đúng quy chuẩn nhà nước đã ban hành”, một chuyên gia kiến nghị.

Lãi vay chiếm 20% giá thành
Theo đại diện thành phố Hà Nội, giá nước sạch sông Đuống đắt hơn sông Đà do chi phí đầu tư nhà máy nước sông Đuống lớn, chất lượng nước thô nhiều phù sa phải tốn nhiều hóa chất xử lý, đặc biệt chi phí lãi vay đầu tư nhà máy sông Đuống lớn đã đẩy giá nước lên cao. Theo lãnh đạo Sở Tài chính Hà Nội, khi đầu tư nhà máy nước sông Đuống, chủ đầu tư phải vay 3.998 tỷ đồng để đầu tư, chi phí lãi vay được tính vào giá nước. Cụ thể chi phí lãi vay trong giai đoạn đầu tư được tính vào tổng vốn đầu tư dự án. Sau giai đoạn đầu tư, lãi vay được tính vào giá thành nước. Chi phí lãi vay dự án nhà máy nước sông Đuống chiếm khoảng 20% giá thành nước sông Đuống, khoảng hơn 2.000 đồng/m3. Bên cạnh đó, chi phí khấu hao nước mặt sông Đuống khoảng 2.100 đồng/m3; chi phí xử lý bùn thải nhà máy sông Đuống cũng lớn hơn sông Đà.

——————

Tiền phong (Xã hội) 15-11-2019:

Nước sông Đuống bán giá khủng: Hà Nội ‘hớ’ khi chọn nhà đầu tư? (tienphong.vn)

Bài viết 

311. Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế...

Hãy nhìn từ mục tiêu của việc đánh thuế bất động sản. [caption id="attachment_42152"...

Bình luận 

433. Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của...

Bình luận về Chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp Tham luận Hội...

Phỏng vấn 

4.392. Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao.

Bẫy nạn nhân với 'miếng mồi' lãi suất cao. (TT) - Vụ GFDI ở Đà Nẵng...

Trích dẫn 

3.910. Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh"...

Giải pháp nào để người dân "bình tĩnh" với vàng? (CAND) - Dù liên...

Tám luật 

334. ANVI xì luật hay Lạm bàn tám luật.

(ANVI) - “Lạm bàn tám luật” hay còn gọi là “ANVI xì luật”Chuyên...

Số lượt truy cập: 232,035